Việc ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần là một trong những lý do khiến cho các cơ quan chức năng vẫn đang phải “bó tay” trước những nghi án chuyển giá, trốn thuế của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.
“Đây là thời điểm tốt nhất cho doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam”
- Cập nhật : 12/12/2015
(Kinh te)
Ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết như vậy ở cuộc tọa đàm BizTALK: “Làm ăn gì năm 2016?” vào hôm nay tại FLC Samson Beach & Golf Resort, Thanh Hóa
Ngay trong mảng sáng của bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề tối
Mở đầu tọa đàm, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) khẳng định nền kinh tế Việt Nam năm 2015 khép lại với những mảng màu sáng tối khác nhau và đã được báo cáo trước Chính phủ không lâu trước đây.
Một trong những điểm sáng là kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, GDP cao, lạm phát thấp nhất trong 10 năm vừa qua. Xuất khẩu đạt có thể đạt 165 tỷ USD và nằm trong top 30. FDI vốn thực hiện 14,5 tỷ USD. Đây là con số gần gấp đôi vốn thực hiện của thời kì khủng hoảng 2009.
Thêm vào đó là những chuyển động tích cực của hệ thống NHTM, vấn đề lãi suất giảm chi phí vốn. Thời gian qua, đích thân Thủ tướng Chính phủ có những chỉ đạo cổ phần hóa, nhưng chất lượng còn đang gặp nhiều tranh luận. Các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều, ví dụ như: Chưa nhìn thấy hình bóng của cổ đông chiến lược.
Ngay trong mảng sáng của bức tranh kinh tế thì cũng còn nhiều vấn đề tối. GDP 6,5% bị nhiều chuyên gia cho rằng chưa bền vững, tỷ trọng FDI chiếm 75%. Lạm phát dưới 1% thì các chuyên gia cảnh báo tình trạng của 1 giai đoạn giảm phát. Đây là vấn đề mang tính chất thời sự.
Bước sang 2016, đồng NDT được đưa vào rổ tiền tệ của IMF, đồng USD biến động có thể gây áp lực lớn đến chính sách tiền tệ của Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước thường xuyên đặt lên bàn hội nghị để đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam. Chưa kể khả năng FED nâng lãi suất lên 0,25% trong vài ngày tới là khá cao.
Những câu chuyện như thế sẽ tác động như nào đến chính sách chứng khoán của Việt Nam? Và nền kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào trong 2016, sự ổn định của kinh tế vĩ mô sẽ như thế nào với tình trạng của lãi suất, tỷ giá?
Thị trường bất động sản sẽ ấm lên, nhưng lo ngại về bong bóng bất động sản cũng từ đó mà nảy sinh? Thêm nữa, những chính sách mới như cho người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam là như thế nào? Trong lĩnh vực sản xuất thì làm gì với hàng hoạt FTA được kí kết thời gian vừa qua?
“Làm ăn gì trong 2016? Những câu hỏi nóng bỏng như thế đang đợi các diễn giả đưa ra lời giải cho câu hỏi”, TS. Nguyễn Anh Tuấn gợi mở.
"Ngân sách hiện nay đang gặp nhiều khó khăn"
Điểm lại tình hình kinh tế vĩ mô năm 2015, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh kinh tế vĩ mô có các tín hiệu tích cực như tăng trưởng có thể đạt mức cao nhất từ 2009 đến nay. Năm nay, GDP có thể tăng trưởng 6,6% hoặc 6,2%, nhờ sự đóng góp lớn của ngành công nghiệp (xây dựng, dầu khí).
Tuy nhiên ngành nông nghiệp còn kém phát triển do hạn hán, xâm mặn, và giá cả trên thị trường thế giới giảm rõ rệt.
Lạm phát năm nay có thể ở mức dưới 1%, thấp nhất trong 11 năm nay. Tuy nhiên, lãi suất ngân hàng vẫn cao bất thường, các doanh nghiệp vẫn phải trả lãi suất 7-8%, các doanh nghiệp kém hơn chịu lãi suất 9%. Chi phí tiền vốn cho doanh nghiệp vẫn ở mức cao so với các nước láng giềng như Thái Lan và Trung Quốc.
Sức mua trong nước đã tăng lên rõ nét, thể hiện ở doanh số các mặt hàng như ô tô, sự ấm lên của bất động sản, trong đó có phân khúc phục vụ các nhà đầu tư nước ngoài.
Các khó khăn cần chú ý là bội chi ngân sách và mất cân đối trong ngân sách, đặc biệt nợ công tăng quá nhanh. Tỷ lệ trả nợ trong ngân sách tăng cao bất thường.
Số bội chi ngân sách được công bố không chênh lệch nhiều so với các số liệu không chính thức. Năm nay Chính phủ công bố sẽ vay 262 nghìn tỷ, tuy nhiên số thực tế mà Chính phủ phải vay cao gấp 3 lần so với con số công bố.
Chính phủ đã vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) 30 nghìn tỷ đồng, Vietcombank 1 tỷ USD, xin phép Quốc hội phát hành trái phiếu quốc tế, và thoái vốn khỏi 10 công ty “màu mỡ”, với tổng số vốn sẽ thoái tương đương 4 tỷ USD.
Liên quan đến việc Giám đốc World Bank tại Việt Nam Victoria Kwakwa gần đây có đặt ra câu hỏi “Việt Nam lấy vốn đâu để đầu tư?”, TS. Doanh cho rằng ngân sách hiện đang gặp nhiều khó khăn.
“Tỷ lệ mất thanh khoản, hay không cân đối được các khoản chi ở một số địa phương, là những dấu hiệu đáng lo ngại. Nhưng đó chỉ là những phần nổi của tảng băng, phần chìm ‘phong phú’ hơn nhiều”, ông khẳng định.
Với mức độ chi tiêu rất lãng phí như báo chí đã nêu ra, như chi khảo sát sổ xố hay đưa lái xe, người giúp việc đi công tác cùng … thì “không có gì thỏa mãn được” như TS. Trần Du Lịch đã nêu. Bên cạnh đó, giá dầu giảm sâu cũng có tác động tới nguồn thu ngân sách.
Để gia tăng thu ngân sách, Bộ Tài chính vừa đưa ra nhiều “sáng kiến” như bổ sung từ thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc này làm cho các doanh nghiệp quan ngại vì “luật chơi” thay đổi đột ngột.
Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp, TS. Doanh cho biết một số doanh nghiệp kêu là tình hình của họ cực kì “bi đát”. Ngoài ra, một số dự án kêu là công trình của họ nhiều năm chưa được thanh toán, không trả lương được cho công nhân.
Bên cạnh sự ấm lên của thị trường bất động sản, thì các vấn đề tài chính của Chính phủ cũng như địa phương là đáng quan ngại. Vấn đề là làm sao phải giảm được các khoản chi tiêu ngân sách để dồn vốn cho đầu tư phát triển.
Mô hình tăng trưởng chưa có tính bền vững
Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ đã nhìn lại nền kinh tế vĩ mô, PGS.TS Ngô Trí Long điểm lại, trong đó 3 trụ cột kinh tế vĩ mô là lạm phát, tỷ giá và ổn định công ăn việc làm. Trong đó, tỷ giá là vấn đề nổi cộm nhất.
Thứ nhất đánh giá chỉ tiêu GDP là 6,5% trong năm, quý I đạt 6,12%. Tỷ lệ cả năm chỉ đạt 6,6%. GDP trong năm 2015 tăng trưởng cao nhất 5 năm qua, tuy nhiên vẫn còn mong manh.
Mô hình tăng trưởng chưa có tính bền vững, ông đánh giá. Lao động giá rẻ, nội lực yếu, còn lại tăng trưởng phụ thuộc mạnh vào ngoại lực. Hai vấn đề nổi cộm còn lại là ngân sách, nợ công. Ngân sách luôn bội chi, làm tăng nợ công, trong khi khả năng chi trả nguồn thu mới quan trọng.
Sức cạnh tranh và nội lực của nền kinh tế còn yếu. Khi vào sân chơi chung, chúng ta sẽ phải cạnh tranh và có thể thua ngay trên sân nhà. Bên cạnh đó, phân bổ nguồn lực thiếu hiệu quả, điều này có thể khiến Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
TS. Long cho biết vấn đề xử lý nợ xấu còn chưa tốt do thị trường mua bán nợ xấu chưa hình thành.
Về con số tăng trưởng GDP, TS Long quan ngại tăng trưởng còn nhiều hạn chế như tăng trưởng “không lương tâm” chỉ phục vụ cho 1 nhóm lợi ích, tăng trưởng nhưng đạo đức xã hội đi xuống. Do đó tăng trưởng chưa thực sự bền vững, ổn định.
Cuối cùng, ông khẳng định sự ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào 3 trụ cột: Kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và tạo công ăn việc làm.
Năm nay, theo dự báo nghị quyết Quốc hội, lạm phát vào khoảng 5%, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo kiểm soát lạm phát. Ổn định lạm phát là ổn định sức mua đối nội, đối ngoại. Chắc chắn từ nay đến cuối năm còn trên 1%, ông dự đoán.
“So với mục tiêu quốc hội đặt ra là chưa đạt kết quả bởi tư duy với cách làm quá cách xa”, ông Long khẳng định.
Tuy nhiên ông cho rằng yếu tố khách quan là nguyên nhân chính. Giá dầu lao xuống dốc trầm trọng, giá năng lượng là một trong những yếu tố quyết định quan trọng, giá năng lượng giảm kéo theo một loạt giá khác.
“Chúng ta phát triển kinh tế còn thiếu nội lực thì dẫn đến thiểu phát. Bên cạnh thành công là kiểm soát lạm phát để nó không phải con ngựa bất kham nữa. Nhưng mặt trái của lạm phát thì cũng dẫn đến hoạt động sản xuất không có lợi cho doanh nghiệp”, TS. Long kết luận.
Không phải Việt Nam không có vốn để phát triển!
“Chúng ta bàn đến 1 năm nhưng không phải 1 quá trình. Chúng ta phải so với bên ngoài. Tôi nghĩ có những vấn đề thuộc về chung: Năng suất lao động kém, sức cạnh tranh ra sao?”, GS. TSKH Nguyễn Mại trả lời câu hỏi về nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015.
GS. Nguyễn Mại dẫn chứng các nước thường lạm phát hợp lý nhất là 3%, châu Âu thì cho phép bội chi ngân sách từ 3% trở xuống. Còn ở Việt Nam, điều quan trọng nhất trong năm vừa qua là tiêu dùng tăng lên rất nhanh, doanh số bán lẻ toàn quốc năm nay là 4%.
“Nhiều người nói đến những đóng góp của FDI cho GDP, vì nếu không có FDI, chúng ta chỉ có nội lực là 80% GDP thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác”, giáo sư nhấn mạnh.
Bởi vậy, theo ông, năm 2015 là năm rất cụ thể để Việt Nam đưa ra giải pháp cho 2016.
“Chúng ta còn nhiều khiếm khuyết chưa được khắc phục như cơ cấu kinh tế chậm đổi mới, năng suất lao động còn thấp, năng lực cạnh tranh còn kém”, ông nhấn mạnh.
GS. Nguyễn Mại cho biết Chính phủ và các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý có nhiều thứ cần làm để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ví dụ, Hiệp hội VAFIE đã mời các chuyên gia từ Đức và Bỉ đang biên soạn một cẩm nang thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu vào EU.
Các diễn đàn gần đây nêu lên các thiếu sót trong năm 2015, từ vấn đề thâm hụt ngân sách, nợ công, tới thiếu hụt ngân sách cho phát triển trong thời gian tới. “Đây là các vấn đề cần phải bàn,” GS. Mại nhấn mạnh.
GS. Mại không đồng ý với ý kiến cho rằng Việt Nam ta không có vốn để phát triển. Vấn đề là Việt Nam cần phải tận dụng và cân đối các nguồn vốn như thế nào. Điều quan trọng là làm sao cho các doanh nghiệp trong nước, và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Con số thống kê cho thấy chỉ khoảng 25% các DNVVN tiếp cận được dòng vốn tín dụng, còn lại của các doanh nghiệp lớn, ông để ngỏ.
“Năm nay nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá tốt”
Bên cạnh tự đánh giá những tiến bộ đạt được, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý rằng cần phải quan tâm việc việc nước ngoài và các tổ chức tín dụng đang đánh giá Việt Nam như thế nào.
“Năm nay nền kinh tế Việt Nam được đánh giá khá tốt trong việc tạo được ổn định trong kinh vĩ mô, lạm phát thấp, tăng trưởng tín dụng không dưới 17%. Trong các chuyến công du nước ngoài, đoàn Việt Nam được đón tiếp rất nồng hậu”, ông liệt kê.
Việt Nam đã kí kết 10 hiệp định tự do, sắp tới sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), đây là một bức tranh thay đổi cả số phận Việt Nam trong một thời gian rất ngắn.
Trong khi đó, để các cơ quan xếp hạng tín dụng toàn cầu đánh giá Việt Nam, thì điểm tín nhiệm đang ở mức rất thấp ở mức BB- và B1, thuộc loại không khuyến khích đầu tư và mang tính đầu cơ.
Ngay cả những ngân hàng lớn ở Việt Nam cũng bị đánh giá còn non kém.
“Chúng ta không nên nhầm lẫn đánh giá triển vọng tốt đẹp với điểm tín nhiệm. Và chúng ta cần tăng điểm tín nhiệm của ngân hàng”, ông nói.
IFC là công ty con của World Bank đã làm khảo sát quản trị doanh nghiệp. Kết quả là Thẻ điểm của Việt Nam là 42,5/100 vào năm 2012, thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Theo một khảo sát khác, Việt Nam nằm ở nhóm số 9/10 về đánh giá chất lượng, trong đó nhóm số 1 là chất lượng tốt nhất, số 10 là yếu nhất. Rủi ro của hệ thông ngân hàng Việt Nam là quá lớn.
“Trong thời gian qua, tôi đi gặp một số ngân hàng lớn của thế giới có trụ sở ở TP.HCM mở tài khoản cho ngân hàng tôi đang phục vụ, các ngân hàng ở Việt Nam dưới cái nhìn của các ngân hàng thế giới ở mức 4/4 vì độ rủi ro quản trị lớn. Họ từ chối mở tài khoản cho tôi”, TS. Hiếu dẫn chứng.
Tuy nhiên, về những con số xếp hạng của ngân hàng Việt được TS. Hiếu đưa ra, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, đánh giá về quản trị doanh nghiệp thì từ 2012 đến nay đã có sự thay đổi.
“Khi xếp hạng, các cơ quan thường xem báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng trước đấy số doanh nghiệp có báo cáo tài chính bằng tiếng Anh rất ít. Hai năm gần đây đã tăng lên. Vậy nên kì vọng đánh giá về hệ thống ngân hàng Việt Nam năm 2014 trở đi sẽ tốt hơn, nhất là về độ minh bạch tài chính”, ông Tuấn hy vọng.
“Nút thắt phân bổ nguồn lực”
Nói về nguồn lực tài chính, ông Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho biết “Không có chuyện Việt Nam không có tiền. Tính bình quân so với các nước, GDP Việt Nam gần như cao nhất thế giới. Việt Nam luôn bội chi ngân sách là 56%, trong khi các nước khác chỉ khoảng 20%”.
Trục trặc lớn nhất là vấn đề chi tiêu. Ngân sách TP. HCM chỉ được ít hơn 10%, trong khi ở các tỉnh khác lên đến mấy trăm phần trăm dù thu ngân sách ở địa phương rất thấp. Vấn đề là chúng ta không có nguồn lực. “Nút thắt ở đây là phân bổ nguồn lực”, ông lưu ý.
Ông Du cho rằng đây là thời điểm tốt nhất cho các doanh nghiệp làm ăn tại Việt Nam, do các điều kiện kinh tế vĩ mô đã được cải thiện nhiều. Đây cũng là thời điểm quan trọng, khi GDP bình quân đầu người chuẩn bị lên 3.000 USD - mốc bùng nổ chi tiêu.
Ông Du cho biết các vấn đề xuất phát từ chi tiêu của Nhà nước và bất ổn nợ công. Tỷ lệ đầu tư và chi tiêu công tính trên GDP của Việt Nam là gần cao nhất thế giới, chi tiêu so với thu ngân sách khoảng 25%, trong khi bình quân các nước khác khoảng 20%.
Trục trặc lớn nhất của Việt Nam hiện nay là vấn đề chi tiêu và phân bổ nguồn lực. Các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có tỷ lệ chi tiêu/GDP chỉ khoảng 10%, nhưng ở một số địa phương lại lên đến trên 30%.
Tăng trưởng trong thời gian qua là thực. Tuy nhiên, xếp hạng trên thế giới của Việt Nam có hai vấn đề trục trặc nhất: (i) vay vốn và tiếp cận các nguồn tài trợ, và (ii) bất ổn kinh tế vĩ mô.
Độ sâu tài chính, hay mức độ tín dụng trên GDP của Việt Nam, hiện nay là 100%, cao hơn nhiều so với các nước khác như Indonesia.
Lạm phát thấp một phần do giá năng lượng thấp
Qua cách đặt vấn đề, cá nhân ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước đồng tình với những nhận định kinh tế vĩ mô 2015 của các chuyên gia.
“Chính vì thế, chúng ta còn tiếp tục tái cơ cấu kinh tế. Nền kinh tế duy trì được tăng trưởng, tạo ra hỗ trợ kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội và phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020”, ông Nguyễn Đức Long cho hay.
Nói về lạm phát, năm 2015 lạm phát thấp một phần do giá năng lượng thấp. Cuối năm, giá dầu tụt xuống 40-50 USD, có thời điểm xuyên mốc 40USD/thùng. Do đó, các kế hoạch phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ ảnh hưởng bởi tình hình thế giới.
“Chúng ta đang từng bước kiểm soát được lạm phát vào ổn định lạm phát”, ông Nguyễn Đức Long ghi nhận.
Ông Nguyễn Anh Tuấn tiếp nối: “Lạm phát năm nay đã thấp hẳn thì đó là kết quả của quá trình mấy năm gần đây chứ không phải riêng năm 2015”.
Các doanh nghiệp Việt còn thời ơ với hội nhập
Thay mặt cho tiếng nói của doanh nghiệp về những vấn đề này, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Traphaco cho rằng, nhà nước đã coi doanh nghiệp là trung tâm của nền kinh tế. Năm 2015, đối với doanh nghiệp, lạm phát ổn định sẽ giúp cho chi phí tài chính giảm rất nhiều.
“Tuy nhiên cộng đồng doanh nghiệp nhỏ còn nhiều khả năng tiếp cận với vốn ngân hàng nên rất khó khăn trong cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập với thế giới”, bà Thuận nhận định.
Thêm đó, theo bà Thuận, phần thu ngân sách của Việt Nam đang tập trung chủ yếu vào doanh nghiệp lớn nên chưa hiệu quả. Mặc dù, đây là một trong những trách nhiệm của doanh nghiệp, nhưng việc thu chưa chưa đúng thì hiệu quả cho ngân sách chưa cao.
“Một doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải tôn trọng pháp luật, nhưng hiện nay chúng ta hơi tận thu”, bà Thuận bình luận.
Bà Thuận cũng kiến nghị chính quyền nên quan tâm hơn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi với tỷ trọng chiếm tới 92 - 94% hiện nay, đây là bộ phận rất quan trọng. Mà tình hình lãi suất 7-8% hiện nay thì trong tình hình hội nhập sắp tới sẽ rất khó khăn về chi phí vốn.
Ngoài ra, rào càn ngôn ngữ cũng là một khó khăn với doanh nghiệp, bà nhận định. Tuy nhiên, với nguồn nhân lực trẻ thì đại diện Traphaco khẳng định rất tự tin và mong rằng lực lượng trẻ sẽ khắc phục được vấn đề này.
“Chúng tôi cũng mong muốn được nhà nước ủng hộ trong việc tìm hiểu thêm về chính trị, kinh tế, văn hóa một cách nghiêm túc. Doanh nghiệp cũng sẽ chủ động tim hiểu, nhưng nếu có những hỗ trợ của nhà nước về xúc tiến thương mại, giao dịch, tìm hiểu sâu về thói quen làm ăn, tiêu dùng, tôn giáo, ... thì sự hội nhập của doanh nghiệp sẽ tốt hơn”, bà Thuận cho biết.
Bên cạnh đó, bà Thuận cũng cho rằng một khó khăn khác là các doanh nghiệp Việt còn thời ơ với hội nhập. Với riêng ngành dược hiện có trên 50% là doanh nghiệp nước ngoài.
“Khi chúng ta hội nhập, việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài lấn sân thì những doanh nghiệp đã xây dựng hệ thống phân phối dự phòng sẽ lại là lợi thế”, bà nói.
Ghi nhận tóm tắt tình hình kinh tế vĩ mô trong năm 2015, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng tăng trưởng GDP 6,5- 6,6% là điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh.
Lạm phát dưới 1% trong năm 2015 là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, tạo điều kiện cho việc ổn định các chính sách tiền tệ, giảm lãi suất và chi phí vốn. Lạm phát thấp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, là kết quả của một quá trình trung hạn giảm lạm phát của Chính phủ trong vòng 5 năm, bên cạnh các nguyên nhân khác như giá nguyên liệu thấp và điều hành của các cơ quan chính phủ hiệu quả.
Nêu lên quan điểm, ông cho rằng cần nhìn nhận vai trò của các doanh nghiệp FDI một cách khách quan, thay vì chỉ chú trọng đánh giá theo hướng tiêu cực khi nhìn vào các ưu đãi dành cho khu vực này.
FDI là một động lực cho tăng trưởng và xuất khẩu, góp phần làm giảm nhập siêu của Việt Nam và bù đắp cho nhập siêu của doanh nghiệp nội địa.
Nỗ lực của hệ thống ngân hàng
“Các vấn đề về ngân hàng thì rất rộng nhưng có một số vấn đề cộng đồng đang rất quan tâm là chính sách tỷ giá sau những tác động của việc FED tăng lãi suất và việc điều chỉnh đồng NDT của Trung Quốc, chính sách lãi suất với sự chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay hiện rất lớn, thêm vào đó là cái nhìn tổng thể về quá trình tái cấu trúc của hệ thống ngân hàng hiện nay như nào”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 đã bám sát với tình hình chính sách kinh tế vĩ mô.
“Thực tế đầu năm, nghị định 01 của Thống đốc đã đưa ra một số chỉ tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định lạm phát và một số chính sách về lãi suất, tỷ giá, ...”, ông Long nhấn mạnh.
“Với việc hỗ trợ giảm lãi suất, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm nhẹ. Các nỗ lực của hệ thống ngân hàng khá tốt, giảm từ 0,3 – 0,5 %/ năm. Lãi suất cho vay tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Thực tế, nhiều ngân hàng cạnh tranh về mặt lãi suất cũng khá ổn định. Hệ thống ngân hàng sẵn sáng áp dụng mức hợp lý cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đức Long cam kết.
Về tín dụng, ngân hàng nhà nước tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Với những doanh nghiệp gặp khó khăn, ngân hàng cho giảm lãi suất, cơ cấu lại. Đồng thời, ngân hàng triển khai đồng bộ các chương trình tín dụng tạo điều kiện hoạt động cho các doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Long nhấn mạnh NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt. Cơ quan này đã điều chỉnh tỷ giá vào tháng 1 và tháng 5, như vậy đã tăng tỷ giá hết biên độ cam kết là 2% trong 5 tháng đầu năm để các doanh nghiệp chủ động lập kế hoạch kinh doanh.
Tuy nhiên, do Fed có xu hướng tăng lãi suất và Trung Quốc điều chỉnh khá mạnh đồng NDT. Điều này tạo ra tâm lý tiêu cực trên thị trường quốc tế và trong nước. Do đó, NHNN tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm và nới biên độ giao dịch ngoại tệ.
Ông Long nói rằng tuy tỷ giá có những lúc biến động, tăng sát giá trần nhưng cách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN đã giúp tỷ giá điều chỉnh giảm sau đó. Cách điều hành linh hoạt đã củng cố lòng tin vào chính sách tiền tệ và giảm tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế.