Ông Ngô Minh Hùng, Phó giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, cho biết diện tích cây thanh long của tỉnh hiện lên đến hơn 26.000 ha, vượt xa con số 15.000 ha theo quy hoạch phát triển giai đoạn 2010 - 2015. Hệ quả, đầu ra cho trái thanh long trở nên nan giải.
Trồng rau thủy canh lãi 5 tỷ đồng mỗi ha
- Cập nhật : 14/12/2015
(Lam giau)
Áp dụng khoa học kỹ thuật và giống mới tại nông trại rộng 7 ha, bà Nguyễn Thị Huệ, ngụ tại Phước Thành (Đà Lạt) đang thu lãi lớn nhờ phương pháp thuỷ canh.
Nông trại của bà Huệ có 60 công nhân đang làm việc, mỗi khu vực sản xuất được bố trí từ 5-6 người, đảm đương công việc từ khi gieo trồng đến lúc được thu hoạch. Ngoài ra còn có bộ phận giám sát, bộ phận kỹ thuật, kỹ sư hằng ngày theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, nhiệt độ hợp lý để đảm bảo sản phẩm đưa ra thị trường đạt chất lượng tốt nhất.
Hơn một nửa diện tích nông trại được đầu tư các trang thiết bị hiện đại để sản xuất rau thủy canh. Bà Huệ cho biết, việc gieo trồng rau thủy canh đã được bà tiến hành từ hơn một năm qua, với khoảng 20 loại xà lách khác nhau. Rau cho năng suất cao, không bị sâu bệnh, các chỉ số về chất lượng đều rất tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Để có được 1.000 m2 sản xuất rau thủy canh, bà đã phải đầu tư hơn một tỷ đồng, bao gồm phần lớn các thiết bị phục vụ gieo trồng đều phải nhập từ nước ngoài như thanh đựng rau, máy bơm hút nước, các giống rau chất lượng cao, hệ thống tưới tiêu… Ngoài ra, nhà kính cũng phải đảm bảo sự thoáng mát, đúng kỹ thuật. Bằng cách xuống giống xen kẽ, ngày nào trang trại của bà cũng có rau thủy canh xuất đi tiêu thụ.
Cùng với các loại rau xà lách, nhiều năm qua, các mặt hàng nông sản tí hon như cà rốt, cà chua, củ cải đường, củ dền… cũng đã được bà triển khai gieo trồng và đưa ra thị trường với số lượng lớn và ổn định. Không gieo các loại nông sản tí hon dưới đất, bà Huệ trồng trên các giá thể được lắp ráp giống như chiếc giường nằm, gồm có 2 tầng để gieo trồng. Mỗi tầng cách nhau một mét, chất liệu trồng là xơ dừa trộn với các loại phân bón dinh dưỡng. Cứ khoảng 3 tháng sau khi trồng là những loại nông sản này sẽ cho thu hoạch.
Chỉ tính riêng cà chua, nông trại đã có hàng chục loại lớn nhỏ, tròn dài, hình trái tim cũng có… với nhiều màu sắc khác nhau để đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng. Tại đây còn có nhiều loại rau có giá trị dinh dưỡng cao, dùng để làm thực phẩm hoặc xay lấy nước uống giống như sinh tố trái cây.
Theo bà Huệ, điều lo lắng nhất đối với người sản xuất nông nghiệp nói chung là làm sao để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu ra ổn định, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Để đạt được những tiêu chí này, từ thực tiễn bản thân bà cho thấy, việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào sản xuất là điều kiện bắt buộc.
Kênh tiêu thụ của trang trại không hướng vào các siêu thị mà phân phối trực tiếp tới các nhà hàng, khách sạn cao cấp từ Nam ra Bắc, với khoảng một tấn nông sản các loại mỗi ngày. Do không phải qua khâu trung gian nên cả người sản xuất và nhà tiêu thụ đều được hưởng lợi về giá.
Bà Nguyễn Thị Huệ tiết lộ, đến nay, với việc trồng rau theo phương pháp thủy canh, cũng như áp dụng những giải pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất vào sản xuất, các loại nông sản của gia đình bà cho năng suất rất lớn, thị trường tiêu thụ ổn định. Sản phẩm có giá trị cao nên bình quân một ha đất sản xuất, mỗi năm bà thu về khoảng 5 tỷ đồng tiền lãi. Đây được xem là số tiền lãi cao kỷ lục trong hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Lâm Đồng.
Bà Huệ cho biết, hiện bà đang xúc tiến để xuất khẩu nông sản của nông trại công nghệ cao này ra một số thị trường nước ngoài như Singapore, Đài Loan, Dubai… “Với khả năng thực tế của trang trại, chất lượng nông sản cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tôi nghĩ việc thị trường nước ngoài chấp nhập tiêu thị nông sản của tôi là điều không quá khó...”, bà Huệ cho biết.