Từ ngày 01/01/2019, việc tính mức lương hưu hằng tháng đối với lao động nam sẽ có một số thay đổi cho phù hợp với Điều 74 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Cấm xuất khẩu lao động sang Hàn và những giấc mơ bị đánh cắp
- Cập nhật : 07/06/2018
Nhiều lao động người Việt cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc bị trục xuất về nước khiến hàng nghìn lao động bị liệt vào danh sách cấm xuất cảnh. Họ mong lệnh cấm sớm được dỡ bỏ.
"Hàn Quốc đã từng là giấc mơ có thật", nam thanh niên 30 tuổi tên Tú, quê Thanh Hóa cười khi nói về quãng thời gian 4 năm trước, khi anh đặt chân sang xứ sở kim chi. Giấc mơ Hàn Quốc ấy không phải theo đuổi hình tượng ca sĩ Kpop nào đó. Cũng như nhiều bạn cùng trang lứa, Tú sang Hàn Quốc làm công nhân.
"Ban đầu, mình cũng đi theo hợp đồng với công ty, nhưng công việc vất vả, thu nhập không bù chi phí chi trả tại Việt Nam, nên sau một năm, mình nghe lời chúng bạn ra ngoài làm", Tú kể.
Có thời điểm 55-60% lao động Việt tại Hàn 'làm chui'
Tú là một trong số hơn 200.000 người nước ngoài đang lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Theo Korea Herald, có khoảng 1,9 triệu lao động nước ngoài tại Hàn Quốc, đến từ 16 quốc gia phái cử trong đó có Việt Nam. Theo Bộ Tư pháp nước này, 11,3% số này là "lao động chui".
Trong khi đó, Bộ LĐ-TB-XH dẫn nguồn cơ quan chức năng Hàn Quốc cho biết trong nhiều năm, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đóng góp 32%, thậm chí 40% tổng số lao động nước ngoài đang lao động và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Nói cách khác, cứ 100 lao động chui người nước ngoài tại Hàn có tới 30-40 người Việt.
Con số này có thời điểm chiếm tới 55-60% tổng số lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 5/6. Trong khi đó, tỷ lệ vi phạm của các nước chỉ khoảng 8-10%, cao nhất cũng chỉ 15-16%.
Hàn Quốc đã nhiều lần yêu cầu Việt Nam hợp tác cùng chấn chỉnh tình trạng này, 4 năm liền đóng cửa không tiếp nhận lao động Việt, và chỉ mở cửa có điều kiện từ 2016. Nhiều đợt truy quét, trục xuất lao động vi phạm đã được chính quyền nước này thực hiện. Riêng năm 2016, Hàn Quốc đã trục xuất 29.000 người và 10.000 người khác được yêu cầu rời khỏi xứ sở kim chi.
Bỏ trăm triệu để đi 'lao động chui'
Nguyễn Văn Tuấn (26 tuổi), quê xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) bị trục xuất về nước hơn 2 tháng trước sau khi bị cơ quan chức năng Hàn Quốc phát hiện cư trú bất hợp pháp.
Tuấn vẫn loay hoay tìm kiếm công việc mới để có thu nhập trả lãi suất số nợ hơn 300 triệu vay nóng từ ngân hàng cho lần xuất khẩu lao động trước.
Gia đình Tuấn có 4 anh em, ba người anh đầu đều là lao động xuất khẩu ở nước ngoài nhưng cuộc sống không khá giả hơn. Riêng Tuấn học xong THPT, không học tiếp cũng chẳng có công việc ổn định phụ bố mẹ, thấy nhiều người trong xã đi làm ở Hàn Quốc có công việc khá ổn định, mức thu nhập cao.
Tháng 2/2016, nghe lời mua giới, nam thanh niên quyết định đi học tiếng để qua Hàn làm việc theo hình thức du học sinh, với mức thời hạn 5 năm từ một công ty có trụ sở ở Hà Nội. Để được qua làm việc ở đây, mỗi lao động phải bỏ ra số tiền 15.000 USD (hơn 300 triệu đồng). Trong khi đó, theo quy định của Bộ LĐ - TB - XH, lao động đi xuất khẩu Hàn Quốc chỉ phải nộp khoản tiền 1.200 USD để trang trải chi phí đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc bao gồm: visa, mua vé máy bay, tuyển chọn, đào tạo.
“Công ty hứa sẽ xin công việc ổn định với mức lương 15-20 triệu đồng/ tháng cho các lao động. Nếu ai có tay nghề cao sẽ nhận lương từ 30-40 triệu đồng, đủ chi tiêu và học phí”, Tuấn nói.
Nam lao động xuất khẩu kể, lúc làm thủ tục hợp đồng, phía công ty thu mỗi học viên 2.000 USD tiền cọc, thu tiếp 6.000 USD trong quá trình học tiếng và phỏng vấn ở công ty. Số tiền còn lại các học viên nộp khi nhận visa.
Nếu phát hiện doanh nghiệp nào, đơn vị nào trục lợi chính sách, cò mồi, thu tăng lệ phí, vi phạm hợp đồng..., đại biểu Quốc hội cứ báo cho bộ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Tin lời nhà tuyển dụng, với hy vọng kiếm được số tiền sau 5 năm học và làm việc ở nước ngoài, Tuấn bàn bố mẹ vay hơn 300 triệu đồng đầu tư cho việc học và hợp đồng đi du học.
Cuối tháng 2/2016, Tuấn và nhóm lao động hoàn thiện thủ tục đi xuất khẩu.
Nhưng không như lời hứa và bản hợp đồng đã ký, qua đến Hàn Quốc nhóm lao động được một người Việt giới thiệu là học viên cũ của công ty lo chỗ ở tại khu nhà trọ chật chội ở TP. Seoul.
Hơn 10 ngày, nhóm lao động người Việt chờ công việc công ty sắp xếp nhưng không có hồi âm. Nhiều lần liên hệ người môi giới và công ty thì đều nhận câu trả lời chỉ lo thủ tục sang đến Hàn Quốc là hết trách nhiệm, còn công việc phải tự đi xin.
“Nhóm em đi phải ăn mì tôm qua ngày vì hết tiền, không quen biết nhiều nên vay mượn càng khó khăn. Rồi ai nấy tự đi kiếm việc, người bốc vác, người làm cơ khí, làm cả ngày cả đêm cũng không đủ sống”, Tuấn nói.
Cuộc sống các lao động cư trú bất hợp pháp khá vất vả bởi công việc nặng nhọc và luôn chạy trốn cơ quan chức năng. Ảnh: NVCC.
Làm visa du lịch rồi trốn ở lại làm việc
Tương tự Tuấn, Trịnh Văn Tùng (24 tuổi, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng bị cơ quan chức năng Hàn Quốc trục xuất về nước vì cư trú bất hợp pháp.
Tháng 1/2015, nam thanh niên quê Hà Tĩnh làm visa đi du lịch ở đảo Jeju (Hàn Quốc) qua cò mua giới với mức giá 10.000 USD (hơn 200 triệu đồng) trong 7 ngày. Qua tới đây, Tùng được người bạn cùng quê ở đất liền Hàn Quốc gọi điện rủ rê trốn ở lại làm việc với mức lương khá hấp dẫn. (Mức lương tối thiểu tại Hàn Quốc được quy định là 7.530 won, tương đương hơn 160.000 đồng, mỗi giờ làm việc - PV).
Hai năm 2016-2017, có 42 trong số 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài vi phạm luật.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH gửi Quốc hội
Tin lời, Tùng trốn ở lại làm công nhân xây dựng cho một công ty người Việt. Trên người thanh niên không có giấy tờ cư trú hợp pháp.
Tùng nói rằng, ở đây, số lao động người Việt có trình độ phổ thông nên những lao động nam qua thường chọn làm xây dựng, cơ khí, những lao động nữ thì chọn làm ở quán ăn, nhà hàng, khách sạn. Mức thu nhập của họ đều khá cao và ổn định so với quê nhà.
“Nhiều người ở lại làm và cư trú bất hợp pháp đông lắm, họ thuê nhà chung rồi cùng ăn ở với nhau. Công việc lương cao nhưng vất vả, ai đi làm xong đều về nhà và ít dám đi chơi vì sợ công an bắt giữ rồi đuổi về nước”, Tùng nói.
Một tháng trốn ở lại Hàn Quốc làm việc, Tùng cùng nhóm người bị lực lượng chức năng Hàn Quốc phát hiện, tạm giữ và liên hệ đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bàn giao, trục xuất về nước.
Mất cơ hội
Giữa tháng 5, Bộ LĐ - TB - XH thông báo Hàn Quốc yêu cầu tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn nhất, từ 60 người trở lên. Nhiều huyện trong số đó liên tục trong danh sách bị Hàn Quốc áp dụng chính sách cứng rắn đóng cửa thị trường với lao động do tỷ lệ lao động chui quá cao.
Đang theo học tiếng để chuẩn bị qua Hàn lao động, anh Nguyễn Đình Lương (30 tuổi - trú thị trấn Ba Đồn, Quảng Bình) thẫn thờ trở lại quê nhà.
200 triệu vốn đã vay ngân hàng để nộp phí học tiếng chuẩn bị thủ tục qua xứ sở kim chi giờ đây trở thành gánh nặng.
“Nghe thông báo có lệnh cấm, tôi rất buồn, chân tay rã rời, bỏ thời gian, tiền bạc theo đuổi việc học với mong muốn qua bên đó làm. Thà mà họ thông báo sớm hơn sẽ đỡ công phải đi học nhưng học rồi lại bị cấm đi, vừa mất tiền, nay lại không được gì”, anh Lương buồn bã nói.
Nhưng anh Lương còn may mắn hơn nhiều người, khi thông báo cấm xuất khẩu lao động qua Hàn từ quê anh đưa ra khi anh mới theo học được hơn 3 tháng.
Bạn bè ở trung tâm của anh, có người đã đợi tới vài năm, và chưa biết ngày đi. Họ hoàn thành khóa học, vượt qua kỳ sát ngạch tiếng và tay nghề, đã sẵn sàng hồ sơ rồi bị ngưng ngang xương.
Đọc thông báo, lần thứ 2, Hoàng Văn Hải (28 tuổi), quê ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, thất vọng. Anh đã đợi dỡ bỏ lệnh cấm từ năm ngoái và và nay tình hình vẫn chưa thấy chút sáng sủa hơn. Nghỉ việc công nhân ở nhà máy tại quê nhà để học tiếng những mong đổi đời, gần 2 năm qua, anh đã chờ đợi trong vô vọng.
Nếu tỷ lệ lao động chui tại Hàn Quốc không giảm xuống, 49 huyện trong danh sách vẫn có thể bị cấm tiếp vào năm 2019.
"Chẳng biết tôi còn phải chờ đợi đến bao giờ. Mơ làm giàu đâu chẳng thấy, giờ chỉ thấy gia đình ôm cục nợ mà chưa biết lúc nào mới được đi làm để trả" - Hải thở dài.
Cánh cửa lao động của những người như Hải, như Lương phụ thuộc vào con số khoảng 4.000 người phải đưa được về nước giống như Tùng, như Tuấn (đây là con số tối thiểu để Hàn Quốc mở lại cửa cho thị trường lao động Việt Nam, theo ông Đặng Sỹ Dũng, Phó Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH) trao đổi báo giờ hồi tháng 3).
* Tên nhân vật đã thay đổi.
Hàn Quốc yêu cầu tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lớn nhất, từ 60 người trở lên trong số 107 quận/huyện.
Trong các huyện của 12 tỉnh thành bị cấm đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc 2018, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh dẫn đầu về số lượng.
Tại Nghệ An có tới 10 huyện/thị xã bị cấm xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc gồm: TP. Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương.
Tại Hà Tĩnh có 7 huyện là Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Đức Thọ, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc.
Thanh Hóa có 5 huyện/thị xã là Đông Sơn, Hoằng Hóa, TP. Thanh Hóa, Triệu Sơn, Nga Sơn.
HOÀNG DƯƠNG - ANH QUÂN
Theo Zing news