Kinh tế Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 có thể đạt mức tăng trưởng cao nếu những nút thắt tiếp tục được tháo gỡ.
HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 của Việt Nam lên 6,6%
- Cập nhật : 04/10/2017
Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng GDP đã đạt 6,4% so với mức 5,7% trong nửa đầu năm 2017 đưa kinh tế cả nước đến gần với mức tăng trưởng mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra cho năm 2017.
Trong quý 3/2017, nền kinh tế tăng trưởng ở mức 7,5% so với năm ngoái trong khi quý trước đạt 6,4%. Tính từ đầu năm đến nay, tăng trưởng đã đạt 6,4% so với mức 5,7% trong nửa đầu năm 2017 đưa kinh tế cả nước đến gần với mức tăng trưởng mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra cho năm 2017.
Mức tăng trưởng này mang đến khá nhiều bất ngờ cho các chuyên gia kinh tế.
“Mặc dù chúng tôi đã nhận thấy tiềm năng tăng trưởng trong nửa cuối năm và có điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm từ mức 6% lên 6,2% trong báo cáo Kinh tế Châu Á hàng quý, nhưng kết quả quý 3/2017 vẫn khiến chúng tôi rất bất ngờ. Việt Nam đã vượt qua kỳ vọng tăng trưởng của chúng tôi và 6,3% của Bloomberg”, HSBC cho biết trong một báo cáo mới ra.
Theo đó, với những chỉ số thường kỳ thể hiện rất tốt, HSBC một lần nữa điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 6,6% cho năm 2017, tăng khá mạnh so với mức dự báo 6% ngân hàng này đưa ra hồi tháng 7.
Theo HSBC, hoạt động xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng là những động lực chính hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, do vòng xoay phát triển công nghệ mạnh trong quý 2/2017 tiếp tục duy trì cho đến hết quý 3/2017.
Xuất khẩu đã tăng 22% trong quý 3/2017 so với cùng kỳ năm ngoái (mức tương tự như quý 2/2017) nhờ vào hoạt động xuất khẩu mặt hàng điện thoại và các thiết bị điện tử tăng cao hơn trong khi sản xuất công nghiệp tăng từ 8% trong quý 2/2017 lên 10% trong quý 3/2017 so với cùng kỳ năm ngoái.
Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đã tăng lên đáng kể kể từ nửa đầu năm nay cũng góp phần rất nhiều cho nền kinh tế phát triển.
Tổng hợp tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2017 cũng cho thấy nền kinh tế của Việt Nam sẽ còn duy trì mức tăng trưởng tốt ngoại trừ ngành khai khoáng mỏ.
“Lực trì” của ngành khai thác mỏ đã làm chậm tốc độ tăng trưởng của nên kinh tế trong một vài quý vừa qua và làm ảnh hưởng xấu đến thu nhập của Chính phủ.
Tuy nhiên, xét về mặt tích cực, những đóng góp của ngành sản xuất đối với tăng trưởng kinh tế đều tăng ổn định kể từ đầu năm và đạt mức tăng cao nhất trong vòng ít nhất 10 năm. Kết quả này có được là nhờ vào tăng trưởng của ngành xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là với mặt hàng quần áo, may mặc và điện tử.
Ngành dịch vụ cũng không ngừng góp phần tăng trưởng kinh tế nói chung, thể hiện tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng đang mạnh mẽ. HSBC kỳ vọng hoạt động sản xuất sẽ vẫn duy trì sức tăng mạnh trong quý 4/2017, mặc dù kết quả có thể chậm lại đôi chút do xuất khẩu mặt hàng điện tử có giảm nhẹ, trong khi các ngành dịch vụ sẽ vẫn ổn định nhờ vào lượng khách du lịch đổ vào Việt Nam tăng nhiều.
Trong khi đó, đầu tư FDI cũng tăng mạnh trong quý 3/2017 và nguồn vốn này sẽ tiếp tục rót vào Việt Nam đến hết năm. Vốn đăng ký mới đầu tư FDI đã tăng 30% từ đầu năm đến nay và đạt 14,5 tỷ USD.
Nếu so sánh với năm 2016 vốn đăng ký mới đầu tư FDI chỉ đạt hơn 15 tỷ đô la, thì kết quả đầu tư năm nay sẽ có thể dễ dàng vượt qua kết quả năm ngoái khi còn một quý nữa mới kết thúc năm 2017. Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam cho đến thời điểm này, số vốn đăng ký của cả ba nước chiếm 70% tính cho đến thời điểm hiện tại.
Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại, các công ty Hàn Quốc đứng đầu danh sách quốc gia có nhiều dự án FDI đã được phê duyệt với 594 dự án (32%), tiếp đến là Nhật Bản với 277 dự án (15%).
Với xu hướng như hiện tại, HSBC kỳ vọng cả ngành du lịch và hoạt động đầu tư FDI sẽ vượt qua kết quả năm ngoái và duy trì tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Cuối cùng, lĩnh vực nông nghiệp của đất nước đã phục hồi tốt. Xuất khẩu gạo và rau tăng trưởng bình quân trên 50% trong quý 3/2017 so với cùng kỳ năm ngoái và sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý 4/2017, trừ khi gặp khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, để bù cho đợt hạn hán năm ngoái.
Giá lương thực dường như đã thoát đáy và điều này đã cải thiện thu nhập của người nông dân trong những tháng tới.
Quan trọng hơn, kết quả kinh tế quý 3/2017 mạnh mẽ giúp giảm bớt gánh nặng cho Chính phủ và NHNN khi các cơ quan này đang áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế mà có thể làm trầm trọng thêm những thách thức của nền kinh tế.
Trong tháng Bảy, NHNN đã cắt giảm lãi suất chính sách thêm 25 điểm phần trăm xuống còn 6,25%, cùng với việc đồng thời cắt giảm các mức lãi suất khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, Chính phủ trong tháng Tám cũng kêu gọi tăng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21% để khuyến khích đầu tư và tiêu dùng cá nhân.
Theo đánh giá của HSBC, tăng trưởng kinh tế nhờ vào tín dụng không hẳn là một vấn đề do vai trò của tiêu dùng tư và đầu tư phi nhà nước ngày càng tăng, động thái này có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng nếu nguồn tín dụng mới được phân bổ vào các ngành công nghiệp kém hiệu quả hơn.
Thêm vào đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% do Chính phủ đề ra trong năm nay (hoặc ít nhất là gần đạt được) sẽ làm cho Việt Nam khó có thể vượt quá mức giới hạn nợ so với GDP ở mức 65% do Quốc hội đề ra.
Theo Bộ Tài chính, giả sử mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn duy trì ở mức 6,7%, nợ công sẽ đạt mức cao kỷ lục 64,8% của GDP trong giai đoạn 2017-2018 trước khi giảm dần vào các năm tiếp theo. Tất nhiên, vẫn còn đó nhiều nguy cơ sẽ song hành cùng với tăng trưởng kinh tế năm 2018, đặc biệt là khi thương mại toàn cầu giảm mạnh, nhưng ít nhất những thách thức trong năm nay đã được làm dịu đi. HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ đạt 6,4%.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn