tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cân đối ngân sách đang rất căng thẳng

  • Cập nhật : 22/10/2015

(Tai chinh)

Tốc độ tăng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2016 dự kiến ở mức 9,4%, tốc độ tăng chi 11%, riêng chi đầu tư phát triển tăng 31,2%, chi thường xuyên tăng 5,8%.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

 

Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016 của Ủy ban TCNS tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII cho rằngnăm 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi NSNN ngày càng lớn, trong khi NSNN còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: Nợ xây dựng cơ bản còn lớn; Nợ hai Ngân hàng chính sách; Nợ các chính sách đã ban hành…

Trước đó, báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiễn Dũng thông tin: Dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu NSNN tăng 6,1%.

Về chi NSNN, sẽ tiếp tục thực hiện theo định mức chi thường xuyên giai đoạn 2011-2015; song áp dụng định mức chi đầu tư phát triển trung hạn cho giai đoạn 2016 – 2020 theo quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công.

Chính phủ cũng dự kiến bội chi NSNN năm 2016 ở mức 4,95%GDP (254.000 tỷ đồng, tăng 28.000 tỷ đồng so với năm 2015), nợ công đến 31/12/2016 ước khoảng 63,2%GDP.

Đồng thuận với một số biện pháp tiết giảm mạnh chi thường xuyêntheo đề xuất của Chính phủ, nhưng theo Chủ nhiệm Uỷ ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển Ủy ban TCNS đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của nhiều chương trình, dự án để có giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên một cách triệt để hơn so với năm 2015.

Đặc biệt, phải cắt giảm mạnh các khoản chi không cần thiết, phô trương hình thức, lãng phí, đặc biệt là các khoản chi khánh tiết, hội nghị, lễ hội, chi công tác nước ngoài…

Với chi đầu tư phát triển, Ủy ban TCNS cũng đề nghị Chính phủ có báo cáo chi tiết về mức phân bổ vốn đầu tư phát triển của trung ương và các địa phương theo cách tính mới để có cơ sở xem xét quyết định dự toán NSNN; cần bố trí tăng chi cho việc duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông do vừa qua đầu tư rất lớn, nhưng bố trí vốn duy tu, bảo dưỡng rất thấp;

Đồng thời, chi bù hỗ trợ chênh lệch lãi suất cao hơn để bố trí xử lý dứt điểm khoản chi bù lãi suất và phí quản lý của hai ngân hàng chính sách, trong đó, Ngân hàng Phát triển Việt Nam hơn 7.300 tỷ đồng, để góp phần tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của 2 ngân hàng này.

Trong điều kiện nguồn vốn từ NSNN dành cho đầu tư có hạn, chưa đáp ứng được các nhiệm vụ cấp bách phát sinh nên Ủy ban TCNS cho rằng Chính phủ cần triển khai áp dụng nhiều giải pháp để huy động nguồn lực ngoài NSNN, tăng cường huy động vốn đầu tư toàn xã hội, phát hành vốn Trái phiếu Chính phủ 60.000 tỷ đồng trong kế hoạch đã được Quốc hội cho phép, thu xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất, vốn ODA, các khoản vay ưu đãi nước ngoài, vốn từ nguồn cổ phần hóa DNNN đều dành cho đầu tư phát triển...

Liên quan đến dự toán ngân sách, Ủy ban TCNS cho rằng, trước thực trạng nền kinh tế chưa phục hồi mạnh mẽ, đầu tư của nhà nước còn đóng vai trò quan trọng thì việc cắt giảm mạnh chi tiêu công sẽ dẫn đến giảm nguồn lực đầu tư trong toàn xã hội.

“Ủy ban đồng ý với việc tiếp tục giữ bội chi NSNN theo cách tính cũ ở mức cao (4,95%GDP). Tuy nhiên, trước tình hình nợ công đã tiến dần đến giới hạn cho phép (65%GDP), áp lực trả nợ tăng, khả năng cân đối ngân sách để trả nợ ngày một khó khăn, cùng với việc phát hành TPCP có xu thế giảm, thời hạn đáo nợ và lãi suất, phí phát hành gia tăng, sẽ làm dư nợ công, dư nợ Chính phủ tiếp tục tăng cao. Điều đó đòi hỏi Chính phủ cần có giải pháp xử lý tích cực và cương quyết hơn” - Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nói.

Do đó, Ủy ban TCNS cho rằng, trong dài hạn, cần cơ cấu lại nguồn thu, đảm bảo huy động vào NSNN từ GDP trên 20%; chi NSNN đảm bảo tiết kiệm, các khoản chi phải được dự toán; đồng thời, kiên định điều hành lộ trình giảm bội chi NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2020 theo Luật ngân sách nhà nước năm 2015, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục