Trung Đông, Châu Phi: Thị trường lớn, tiềm năng cho xuất khẩu nông, thủy sản Việt
- Cập nhật : 09/07/2018
Với dân số trên 1,6 tỷ người, Trung Đông, châu Phi là thị trường tiêu thụ lớn và đầy tiềm năng đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam.
Để các doanh nghiệp Việt Nam tránh phụ thuộc vào thị trường truyền thống trong bối cảnh các thị trường này đang dần tiến đến bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi mới cho các doanh nghiệp Việt, Hội thảo “Ngoại giao với hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Đông, châu Phi”đã diễn ra sáng ngày 5/7 tại Hà Nội do Bộ Ngoại giao tổ chức.
Hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 200 đại biểu là các đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước khu vực Trung Đông, châu Phi tại Việt Nam; đại diện các bộ, ngành liên quan và nhiều địa phương trong cả nước; các hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam và các nước khu vực hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu nông, thủy sản.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam khẳng định, công tác ngoại giao phục vụ kinh tế là một trọng tâm công tác của Bộ Ngoại giao. Bộ và các cơ quan hữu quan Nhà nước luôn sát cánh, đồng hành hỗ trợ DN thành công trong quá trình phát triển, mở rộng thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới.
Đại diện các Bộ: Công Thương, NN&PTNT, Nội vụ, Ngoại giao đã trình bày về tiềm năng và cơ hội xuất khẩu nông, thủy sản sang thị trường Trung Đông, châu Phi và một số vấn đề cần lưu ý khi xuất khẩu hàng nông thủy sản vào thị trường khu vực; thuận lợi và khó khăn trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam với khu vực; về vai trò của giấy chứng nhận Halal trong việc xuất khẩu nông thủy sản sang khu vực Trung Đông và công tác ngoại giao kinh tế đồng hành cùng doanh nghiệp.
Với dân số trên 1,6 tỷ người, Trung Đông, châu Phi là thị trường tiêu thụ lớn và đầy tiềm năng đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Thời gian qua, một số sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Trung Đông, châu Phi như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, tôm và cá tra… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam sang khu vực vẫn còn rất khiêm tốn nếu so sánh với các thị trường truyền thống khác và chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của cả hai bên.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương, ông Đỗ Quốc Hưng, các nước Trung Đông – Châu Phi là những đối tác kinh tế hết sức quan trọng của Việt Nam. Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông – Châu Phi, nông thủy sản luôn được coi là nhóm hàng quan trọng và có kim ngạch tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua.
Năm 2017, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang khu vực Trung Đông đạt 824,1 triệu USD, sang khu vực châu Phi đạt 131,2 triệu USD; xuất khẩu thủy sản sang khu vực Trung Đông đạt 254 triệu USD, sang khu vực châu Phi đạt 95,2 triệu USD.
Đối với thị trường châu Phi, các mặt hàng xuất khẩu nông sản nhiều tiềm năng sang châu Phi gồm gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa… Những thị trường xuất khẩu chính của nông sản có thể kể đến như Algérie, Maroc, Nigeria, Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana…
Mặt hàng thủy sản bao gồm cá tra, cá ba sa, tôm, cá ngừ đóng hộp có nhiều triển vọng tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Ai Cập, Tunisia, Libi,...
Với thị trường Trung Đông, các mặt hàng nông sản nhiều tiềm năng gồm có gạo, cà phê, chè, rau quả, hạt tiêu, hạt điều. Những thị trường xuất khẩu chính là Các Tiểu vương quốc A Rập thống nhất (UAE), Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait, Israel. Các mặt hàng thủy sản gồm có cá tra, cá ba sa được xuất khẩu chủ yếu vào các thị trường Saudi, UAE, Kuwait.
Theo ông Hưng, khu vực Trung Đông và châu Phi có nhu cầu lớn về hàng hóa, đặc biệt là hàng nông thủy sản do điều kiện tự nhiên khắc nhiệt, không có điều kiện nuôi trồng nông thủy sản đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước do đó đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
"Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu nông sản thực phẩm của các nước châu Phi là 38 tỷ USD và dự kiến sẽ tăng lên 110 tỷ USD vào năm 2025. Với thị trường Trung Đông, năm 2017, nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Trung Đông đạt 43 tỷ USD, dự kiến tăng lên 70 tỷ USD vào năm 2025".
Ông Hưng cho biết, trong các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi - Trung Đông, mặt hàng gạo là mặt hàng xuất khẩu truyền thống, còn nhiều tiềm năng và sẽ tiếp tục là hàng xuất khẩu chủ đạo trong thời gian tới.
"Việc tiếp cận thị trường Trung Đông - Châu Phi là giải pháp tốt cho việc tìm kiếm thị trường mới cho hàng nông, thủy sản, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Châu Phi là thị trường rộng lớn có nhu cầu nhập khẩu cao về các loại mặt hàng trong đó có hàng nông sản như gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa. Bên cạnh đó, mặt hàng thủy, hải sản Việt Nam cũng đã tạo ra được chỗ đứng tại thị trường các nước khu vực Trung Đông - Châu Phi cần tiếp tục giữ vững và mở rộng trong tương lai", ông nhấn mạnh.
Cũng tại buổi hội thảo, ông Trần Văn Công, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT cho hay, trong thời gian vừa qua xuất khẩu Việt Nam sang Trung Đông có kim ngạch xuất khẩu rất là lớn.
"Trọng tâm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn là mặt hàng thủy sản, hồ tiêu, gạo. Và tiềm năng sắp tới là các sản phẩm liên quan đến gia vị, hạt điều và đặc biệt là trái cây, nhất là trái cây tươi và sản phẩm chế biến từ trái cây".
Ông Công chia sẻ, có thể thấy rõ Trung Đông là thị trường tiềm năng, nhu cầu nhập khẩu nông sản hàng hóa của Việt Nam cao. Hàng nông sản Việt Nam đã vào và hình thành thói quen hợp gu tại các thị trường này.
"Trong bối cảnh các thị trường truyền thống của Việt Nam đang dần tiến đến bão hòa, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường mới còn nhiều tiềm năng là một hướng đi mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam có rất nhiều cơ hội do nhu cầu nhập khẩu của khu vực này cao. Thị trường các nước Trung Đông có nhu cầu lớn với nhiều loại nông lâm thủy sản Việt Nam như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu, cao su tự nhiên...", ông kết luận.
Từ thực trạng trên, qua buổi Hội thảo các doanh nghiệp đã đối thoại cùng đại diện các bộ, ngành về một số kiến nghị, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: Xây dựng và đẩy mạnh quảng bá thương hiệu tại thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong vấn đề chứng nhận Halal, tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan ngoại giao và thương vụ với doanh nghiệp về thị trường và đối tác khu vực, mở rộng mạng lưới hợp tác với các ngân hàng uy tín của khu vực...
Hương Nguyễn
Nguồn: VTIC tổng hợp/Chinhphu.vn, Cafef.vn, Vinanet.vn