Ông Trần Văn Minh, Nguyên Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2011 nói về dự án đình đám Khu đô thị quốc tế Đa Phước, nay được đổi tên là Sunrise Bay.
Công an kết luận các sai phạm của ông Đinh La Thăng
- Cập nhật : 21/12/2017
Theo cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, trong quá trình làm việc, ông Đinh la Thăng có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra.
Ngày 19-12, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam- PVN.
Góp vốn vào OceanBank khi chưa có ý kiến của Thủ tướng
Thực hiện đề án hình thành PVN đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 198 và Quyết định 199 (2006) của Thủ tướng về việc thành lập Công ty mẹ- Tập đoàn dầu khí, PVN được cùng tham gia góp vốn để thành lập một NHTM cổ phần với tỷ lệ nắm giữ của Tập đoàn trên 50% vốn điều lệ.
Trên cơ sở đó, PVN đã thành lập Ban trù bị NHTM cổ phần Dầu khí, sau đổi thành Ban trù bị NHTMCP Hồng Việt.
Tháng 7-2008, thực hiện chủ trương của CP về việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, PVN đã thực hiện thủ tục rút vốn, không tiếp tục tham gia góp vốn thành lập NHTMCP Hồng Việt...
Ngày 30-9-2008, ông Đinh La Thăng ký ba công văn báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xem xét, phê duyệt cho PVN và các cán bộ nhân viên chuyển phần vốn đã góp vào NHTM Cổ phần Hồng Việt để mua cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương- OceanBank.
Trong khi chưa có ý kiến của Thủ tướng và hai cơ quan trên, ngày 1-10-2008, ông Thăng đã ký Nghị quyết thống nhất chủ trương tham gia góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ năm 2008 của OceanBank từ 1.000 tỉ đồng lên 2.000 tỉ đồng, trong đó PVN góp 400 tỉ đồng, nắm giữ 20% vốn điều lệ; các cán bộ công nhân viên của PVN góp 200 tỉ, nắm giữ 10% vốn điều lệ của OceanBank.
Ngoài ra, PVN còn hai lần góp vốn bổ sung vào OceanBank, nâng tổng số vốn góp của Tập đoàn lên 800 tỉ đồng, tương đương 20% vốn điều lệ mới (4.000 tỉ đồng) của OceanBank. Kết luận điều tra cho rằng, tại thời điểm 1-1-2011, Luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực quy định rõ “một cổ đông là tổ chức không được sở hữu vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng”.
Cũng theo bản kết luận điều tra, khi Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông OceanBank với giá 0 đồng thì quyền và nghĩa vụ của các cổ đông chấm dứt, trong đó có PVN và PVN phải ghi nhận một khoản lỗ tương đương 800 tỉ đồng.
“PVN đã mất toàn bộ số vốn góp 800 tỉ đồng tại OceanBank, PVN phải ghi nhận khoản lỗ tương đương 800 tỉ đồng trên sổ sách kế toán, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đối với tài sản của nhà nước và của PVN”- bản kết luận điều tra nhận định.
Khai báo chưa thành khẩn
Cũng theo bản kết luận điều tra vừa được công bố, ngày 18-9-2008, ông Đinh La Thăng đã nhận được báo cáo của Phó TGĐ Nguyễn Ngọc Sự liên quan đến kết quả đàm phán với OceanBank (về việc góp vốn), kèm theo báo cáo đánh giá thực trạng tình hình hoạt động của OceanBank trong đó nhận định NH có quy mô hoat động nhỏ, vốn và tiềm lực tài chính thấp.
Tuy nhiên, trên cương vị là Chủ tịch PVN thời điểm đó, ông Thăng đã không tổ chức họp HĐQT để có chỉ đạo, đánh giá lại tình hình hoạt động, năng lực của OceanBank , tính hiệu quả, khả thi khi góp vốn.
Đáng chú ý, cùng ngày hôm đó, ông Thăng và Chủ tịch OceanBank là Hà Văn Thắm đã ký thỏa thuận về việc tham gia góp vốn, cam kết PVN góp 20% vốn điều lệ tại OceanBank. Và bốn ngày sau, ông Thăng mới có bút phê chỉ đạo “xin ý kiến các thành viên HĐQT”.
Kết luận điều tra cho rằng ông Đinh La Thăng đã phạm vào tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài ra, sau khi PVN góp 20% vốn điều lệ của OceanBank, ông Thăng còn ký hai văn bản mang tính chỉ đạo, yêu cầu các công ty thành viên PVN và các nhà thầu dầu khí mở tài khoản, sử dụng dịch vụ ngân hàng của OceanBank.
Thực hiện chỉ đạo này, trong thời gian từ 2009 đến 2014, có 165 đơn vị thành viên thuộc PVN thực hiện gửi tiền vào OceanBank với doanh số tiền gửi không kỳ hạn trung bình là hơn 2.500 tỉ đồng/tháng và 74 triệu USD/tháng; tiền gửi có kỳ hạn khoảng 16 đến 18 nghìn tỉ đồng và 100 triệu USD.
“Đây chính là một trong những nguyên nhân để xảy ra hành vi nhận tiền ngoài lãi suất tiền gửi trong nhiều năm, trong đó có 145 đơn vị của PVN với số tiền hơn 318 tỉ đồng, chưa kể số tiền 246 tỉ đồng Nguyễn Xuân Sơn (cựu TGĐ OceanBank, cựu Chủ tịch PVN) nhận. Sau khi ký các văn bản chỉ đạo, ông Đinh La Thăng không yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện, cũng không có biện pháp điều tra, đánh giá, chấn chỉnh kịp thời là có dấu hiệu của động cơ cá nhân và là tính tiết tăng nặng của hành vi làm trái nêu trên”- Kết luận điều tra nêu rõ.
Cũng theo Kết luận điều tra, quá trình làm việc với Cơ quan điều tra, ông Đinh la Thăng “có thái độ khai báo chưa thành khẩn, né tránh trách nhiệm, hợp thức hóa tài liệu không đúng bản chất sự việc để đối phó, gây cản trở hoạt động điều tra”.
Theo Đức Minh
Pháp luật TPHCM