Nguyên tắc đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam, tăng lương công chức, viên chức... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 7.
Căng sức chống buôn lậu: Còn lỗ hổng chính sách, buôn lậu còn đất ‘kiếm ăn’
- Cập nhật : 12/06/2017
Những “lỗ hổng” trong chính sách, quy định của luật, nghị định không rõ ràng đã vô tình tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu lách luật.
Đối với mặt hàng thuốc lá, sự không đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện nay đang khiến cơ quan thực thi khó quy các đối tượng buôn lậu thuốc lá vào xử lý hình sự, do đó giảm tính răn đe.
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, số đối tượng buôn lậu thuốc lá năm 2016 bị xử lý hình sự giảm 53,5%, số vụ bắt giữ bị xử lý hình sự giảm gần 60%, số thuốc lá bị bắt giữ và tiêu hủy cũng giảm hơn 30% so với năm 2015.
Ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam khẳng định: “Chống buôn lậu thuốc lá năm 2016 và những tháng đầu năm 2016 có dấu hiệu chùng xuống chính bởi sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá”.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, dẫn chứng: "Theo Luật Đầu tư 2014, thuốc lá là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ lại quy định thuốc lá nhập lậu là hàng cấm. Không có sự thống nhất giữa Luật và Nghị định, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong kiểm tra, xử lý".
Giải thích thêm về điều này, đại diện Hiệp hội Thuốc lá cho biết: Luật Thương mại 2005 đã đưa “thuốc lá điếu nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Tại Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng quy định “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư, kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu, trong khi lại quy định sản xuất, kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Điều này dễ gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong thực tiễn.
Một bất cập khác nằm ở điều 190, 191 của Bộ Luật Hình sự 2015 khi phải định giá hàng cấm mới có thể xử lý hình sự. Nếu như theo các quy định trước đây, tính theo số bao thuốc lá lậu thu giữ được (từ 500 bao trở lên theo Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) đã có thể truy tố hình sự thì theo quy định mới, giá trị hàng hóa phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng.
Đại diện các Sở Công Thương cho biết, rất khó để xác định được giá trị của thuốc lá lậu do các giao dịch dân sự trong mua bán thuốc lá lậu là bất hợp pháp và không được công nhận. Hơn nữa, không có cơ sở để xác định giá trị của thuốc lá lậu.
Những bất cập trên đã làm giảm rất nhiều việc xử lý hình sự đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên toàn quốc. Trao đổi với phóng viên, đại diện Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đều cho biết, từ đầu năm dù bắt được nhiều vụ nhưng hầu như không xử lý hình sự được vụ nào do chồng chéo như nói ở trên.
Theo Đại tá Phạm Hồng Thanh – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (Bộ Công an), các bộ luật hiện nay còn có quy định "đá nhau", không phân định được hàng cấm hay hàng kinh doanh có điều kiện. Do đó dẫn đến tình trạng các địa phương phía Nam khi bắt được thuốc lá buôn lậu không biết xử lý kiểu gì. Chính phủ cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết xác định rõ hàng cấm và hàng kinh doanh có điều kiện để tạo thuận lợi cho các lực lượng thực thi.
Không riêng gì chính sách với thuốc lá lậu mà nhiều chính sách pháp luật với hành vi buôn lậu nói chung hiện nay cũng còn vấn đề bất cập.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Chính phủ và Quốc hội cần sớm sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đặc biệt đảm bảo sự thống nhất trong xử lý vi phạm hành chính đối với hoạt động chống buôn lậu. Trong đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính như: Nghị định số 97/2013/NĐ-CP, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP, Nghị định số 59/2006/NĐ-CP theo hướng phù hợp với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư...
Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận hệ thống văn bản, chính sách pháp luật về chống buôn lậu chưa đồng bộ, chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung chậm.
Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã rà soát, sửa đổi các chế độ, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, đặc biệt là các vấn đề nổi cộm như sửa đổi chính sách miễn thuế đối với hàng hóa cư dân biên giới; chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông; chính sách tái xuất thuốc lá; chế độ bảo đảm kinh phí đối với hoạt động của các lực lượng phòng chống buôn lậu…
Thời gian qua, chính sách miễn thuế đối với hàng hóa cư dân biên giới được sửa theo hướng, cư dân mua các mặt hàng theo hướng dẫn của Bộ Công Thương, nếu trực tiếp sử dụng thì không bị thu thuế nhưng nếu bán lại, thu gom sẽ phải chịu thuế. Điều này góp phần hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách cư dân biên giới để buôn lậu.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia: “Buôn lậu liên quan đến hàng hóa mà hàng hóa liên quan đến pháp luật chưa đầy đủ như vậy thì rất khó quản lý được”.
Hoàng Dương/Báo Tin Tức