Cảnh sát Trung Quốc đang tiến hành điều tra 2 nhà máy rượu ở vùng tây nam tỉnh Quảng Tây vì cho rằng họ đã trộn thuốc trị bất lực Viagra vào các sản phẩm rượu giá cao.
Bút sa, hợp đồng chết
- Cập nhật : 29/07/2015
(Kien thuc phap luat)
“Thật ngạc nhiên là cho đến thời điểm này mà nhiều doanh nghiệp khi ký hợp đồng vẫn ghi căn cứ pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (*) và nghị định hướng dẫn thi hành pháp lệnh này”.
Luật sư Trương Thị Hoà cho biết như trên, trong buổi nói chuyện chuyên đề “Phạt vi phạm và bồi thường trong hợp đồng thương mại” tuần qua, do trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA tổ chức.
Một diễn giả khác, luật sư Trần Hồng Phong liệt kê những dạng vi phạm thường gặp khi ký kết hợp đồng thương mại như:
1/ Trong mua bán hàng hoá: giao hàng không đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, giao hàng trễ, hàng thiếu bản quyền, phần mềm, bản quyền, phụ kiện đi kèm. Hàng có nguồn gốc không rõ ràng, hàng bị hư hỏng do vận chuyển, bảo hành.
2/ Trong cung ứng dịch vụ là kinh doanh dịch vụ trái phép, chất lượng không đúng cam kết, trễ hạn, thiếu một hoặc nhiều nội dung, tự ý chuyển nghĩa vụ cho bên thứ ba.
Phạt vi phạm: không phải tuỳ ý
Trước hết, các doanh nghiệp thường lầm lẫn giữa phạt và bồi thường thiệt hại. Các luật sư phân tích: bồi thường thiệt hại, là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm. Phạt là thoả thuận được hẹn trước giữa hai bên. Nếu trong hợp đồng không có thoả thuận phạt vi phạm trong hợp đồng thì bên bị vi phạm chỉ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Kế đến là tỷ lệ phạt. Có doanh nghiệp cứ ghi trong hợp đồng tỷ lệ phạt cao hoặc luỹ tiến, khi tranh chấp thì đòi tìm nhiều cái vi phạm khác để cộng dồn lại phạt, trong khi luật quy định tỷ lệ phạt chỉ tối đa 8% giá trị của phần vi phạm.
Về bồi thường thiệt hại, người yêu cầu bồi thường phải chứng minh tổn thất. Vì đạo đức kinh doanh, bản thân doanh nghiệp bị vi phạm cũng phải tìm cách cố gắng hạn chế phần thiệt hại nếu được.
Luật sư Hoà cho biết có một số sơ sót khó tin nhưng vẫn xảy ra. Thí dụ: hợp đồng không ghi giá! Lý do là vì lúc đầu không thống nhất được giá, bàn tới bàn lui, cuối cùng quên ghi.
Ghi hợp đồng rất kỹ, nhưng… không thực hiện theo, cũng là một kiểu chết người: Thí dụ quy định khi chậm giao hàng, sẽ có văn bản nhắc nhở… nhưng không nhắc, hoặc có nhắc nhưng không có bằng chứng đã nhắc…
“Doanh nghiệp cần lưu ý một điều cực kỳ quan trọng, đó là mình có quyền biết bên kia kiện mình cái gì?, được quyền biết những tài liệu của bên kiện…”, luật sư Hoà nhắc nhở.
Bình đẳng khi đặt bút
“Thực tế tranh chấp rất đa dạng, phức tạp, có những tình huống bất ngờ ngay luật sư cũng không lường được”, luật sư Phong nói.
Ông đưa ra lời khuyên: Khi ký hợp đồng, các bên cần thoả thuận về các biện pháp chế tài, cùng hiểu phạt vi phạm là để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, có được hướng giải quyết cho đúng, bảo đảm được quyền lợi cho cả hai bên chớ không phải là “móc túi” nhau, ép, làm khó nhau…
Một doanh nghiệp băn khoăn bên chị bán hàng cho một công ty đa quốc gia. Công ty này đòi trong hợp đồng phải quy định phạt bên chị 1 triệu đô nếu vi phạm chất lượng. Thuyết phục sao họ cũng không chịu bỏ khoản này, nếu doanh nghiệp nhỏ thì hiểu được, còn doanh nghiệp lớn như vậy chẳng lẽ không biết luật? Hỏi thì họ nói quy định của công ty phải ghi như vậy, với bất cứ đối tác nào.
Trả lời câu hỏi này, các luật sư đều nói ghi gì thì ghi, mức phạt nếu có cũng chỉ 8% thôi.
Luật sư Hoà giải thích thêm: Nên coi lại từ ngữ. giải thích hợp đồng phải rõ ràng, đó là phạt hay bồi thường. Nếu bồi thường thì phải chứng minh thiệt hại. Trong trường hợp điều khoản không rõ ràng, toà sẽ giải thích theo ý chí hai bên.
Luật sư cũng lưu ý là doanh nghiệp nên thuyết phục đối tác ký hợp đồng thanh toán bằng tiền đồng. Một đại diện doanh nghiệp khác thắc mắc anh ký hợp đồng với một công ty độc quyền nhiều mặt hàng nên cũng bị ép ghi hợp đồng những điều mình không muốn. Thí dụ mình muốn thanh toán bằng tiền đồng, đối tác muốn dùng đôla nhưng lại bắt ghi trong hợp đồng là “theo đề nghị của bên Việt Nam”?
Luật sư Hoà nói nếu phạt thì phạt hết hai bên, vì cùng ký, cùng chịu trách nhiệm. Doanh nghiệp đối tác làm vậy chỉ có “tác dụng” yên tâm về tâm lý chớ trách nhiệm pháp lý thì hai bên bằng nhau.
Nhân chuyện này, luật sư Hoà tư vấn tất cả những bàn bạc, trao đổi đều phải lưu lại. Đừng viết giùm, ký giùm. Nguyên tắc ký hợp đồng là bình đẳng, không ép, đã đặt bút ký thì không được nói là mình bị ép, sẽ không thuyết phục được toà.
Thanh Nhẫn
(*) Đã hết hiệu lực khi bộ luật Dân sự ra đời