Nhiều chuyên gia nói nên bỏ tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vì đây là “cái túi” gom tội không rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến băn khoăn…
Bất đồng lớn trong xử lý một doanh nghiệp nghi sản xuất phân bón giả
- Cập nhật : 28/04/2016
(Phap luat)
Theo nguồn tin của Dân trí ngày 27/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai vừa ra quyết định "không khởi tố vụ án hình sự" với Công ty CP Sản xuất thương mại Thuận Phong với nghi án sản xuất phân bón giả. Quyết định này vẫn đang gây bất đồng lớn về quan điểm xử lý của đại diện nhiều cơ quan cùng có nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở cấp trung ương.
Cụ thể, sau khi có ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an cho rằng, những sai phạm của Công ty Thuận Phong là "không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự" theo điều 156 và 158, Bộ luật hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai đã nhanh chóng ra quyết định "không khởi tố hình sự" với Công ty này và bàn giao hồ sơ, tang vật vụ việc cho Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai để xem xét, xử phạt về vi phạm hành chính.
Đây là một vụ việc rất phức tạp xảy ra từ tháng 4/2015, khi Tổ công tác Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 Quốc gia) xác minh, kiểm tra thông tin tố giác của người dân tại Công ty Thuận Phong và cho rằng, thông tin tố giác Công ty này sản xuất phân bón giả là "có cơ sở".
Sau đó, đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Nai cũng đã kiểm tra thực tế tại Công ty Thuận Phong. Thời điểm kiểm tra (tháng 5/2015) ghi nhận Công ty Thuận Phong thuê đất của đơn vị K888 thuộc Cục Quân khí - Tổng cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng, tại khu phố 7, phường Long Bình, thành phố Biên Hòa. Đoàn kiểm tra được cho là đã phát hiện quả tang công nhân của Công ty Thuận Phong đang thực hiện hành vi sản xuất, sang triết, đóng gói phân bón giả về nguồn gốc, xuất xứ, nơi sản xuất, đóng gói với số lượng lớn (giả phân bón của Mỹ) ngay tại khu vực sản xuất phân bón của Công ty.
Đoàn kiểm tra 389 tỉnh Đồng Nai đã tiến hành sơ bộ kiểm kê và niêm phong số lượng hàng hóa tại kho của Nhà máy gồm: 3.224 chai các loại (tương đương 4.045,39 kg) đã dán nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “MADE IN USA”; 148 kg nhãn hàng hóa ghi xuất xứ “MADE IN USA” và 95,18 kg nhãn phụ các loại, 1.520 tem niêm phong nhãn hiệu HUMA GRO...và lập biên bản, tạm giữ toàn bộ số hàng hoá này.
Đoàn kiểm tra này đã lấy 29 mẫu phân bón do Công ty Thuận Phong sản xuất để trưng cầu giám định chất lượng. Thông báo kết quả giám định (số 0113/N3.15/TĐ của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3) có 19/29 mẫu không đạt các chỉ tiêu về chất lượng như tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đã công bố trên nhãn bao bì sản phẩm, hàng hóa (trong đó có nhiều loại có dấu hiệu hàng giả chất lượng).
Theo Văn phòng thường trực BCĐ 389 quốc gia, cơ quan này đã có văn bản trao đổi, lấy ý kiến các Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công Thương về vụ việc trên. Một số cơ quan đã có văn bản trả lời, khẳng định Công ty Thuận Phong có những vi phạm nhất định như: Sản xuất (sang chiết, đóng gói) và lưu thông trên thị trường Việt Nam sản phẩm mang nhãn hiệu “Huma Gro” kèm theo ký hiệu chữ R trong vòng tròn là vi phạm quy định về chỉ dẫn quyền sở hữu công nghiệp tại Điều 6.1a,b Nghị định 99/2013/NĐ-CP ngày 29/8/2013 của Chính phủ.
Bộ Quốc phòng cũng có công văn số 4894/BC-BQP khẳng định, việc Kho K888 - Cục Quân khí cho Công ty Thuận Phong thuê kho bãi để sản xuất phân bón là không đúng với quy định của pháp luật về đất đai và quy định của Bộ Quốc phòng và kiến nghị BCĐ 389 Quốc gia phải xử lý nghiêm Công ty Thuận Phong về hành vi sản xuất phân bón giả.
Công ty Thuận Phong cũng được cho là đã giả công dụng sản phẩm, giả địa chỉ sản xuất (khi ghi nơi sản xuất là Khu kinh tế quốc phòng)...
Tuy nhiên, về phía Công ty Thuận Phong, Công ty này chỉ thừa nhận do thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật đã dẫn đến có một số thiếu sót, sai phạm đó là việc thể hiện thông tin trên nhãn hàng hóa không đúng với bản chất, chỉ dẫn địa lý của hàng hóa. Công ty này cam kết đã sử dụng nguyên chất phân bón nước của Bio Huma Netics nhập khẩu để chiết rót, đóng chai, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn, thân thiện với môi trường. Công ty này khẳng định không sản xuất phân bón giả mang nhãn hiệu của Bio Huma Netics vì việc làm này đã được Công ty Bio Huma Netics Hoa kỳ cho phép.
Vụ việc sau đó được các bộ, ngành, liên quan trao đổi ở nhiều văn bản và đã có 3 cuộc họp lớn giữa các cơ quan trung ương và cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai về việc xử lý vi phạm Công ty Thuận Phong. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều ý kiến mâu thuẫn, không thống nhất: Bộ Công an, Công an tỉnh Đồng Nai, Bộ Công Thương không cho rằng những sai phạm tại Công ty Thuận Phong đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất hàng giả theo qui định tại Bộ luật Hình sự mà chỉ đủ yếu tố xử phạt vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, Bộ Khoa học&Công nghệ...và một số cơ quan khác cho rằng, những vi phạm của Công ty này đã đủ để khởi tố hình sự về tội danh làm phân bón giả, căn cứ theo các quy định của pháp luật, các chứng cớ thu thập tại hiện trường khi kiểm tra và các kết quả kiểm tra, giám định đã thực hiện.
Hôm qua (27/4), trao đổi với Dân trí, đại diện lãnh đạo một cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trung ương cho rằng, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định "không xử lý hình sự" với Công ty Thuận Phong là không đúng do vừa qua, đã có yêu cầu các bộ, ngành liên quan có ý kiến về xử lý vụ việc trên trước ngày 5/5/2016 với Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban BCĐ 389 Quốc gia. Và có quyết định cuối cùng về việc xử lý hình sự hay chỉ xử phạt hành chính với Công ty Thuận Phong, cần có ý kiến kết luận cuối cùng của Trưởng ban BCĐ 389 Quốc gia, sau khi đã xem xét đầy đủ các ý kiến, báo cáo của các cơ quan liên quan.