Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, qua khảo sát tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, thấy một số loại rau như: rau muống, rau ngót, rau mùng tơi… có tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao.
Tiệm tạp hóa vẫn uy lực
- Cập nhật : 06/11/2015
(Tieu dung)
Tiệm tạp hóa mang lại 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam.
Tiệm tạp hóa vẫn giữ được uy lực chi phối hàng hóa, bất chấp bị cạnh tranh quyết liệt bởi những mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Đây là kết luận đưa ra từ một nghiên cứu mới công bố tháng 10 năm nay của Nielsen.
Uy lực như ngày nào
Theo bà Connie Cheng, Giám đốc cấp cao bộ phận Giải pháp nghiên cứu người mua hàng của Nielsen khu vực Đông Nam Á, Bắc Á và Thái Bình Dương, với gần 50% doanh số bán lẻ ở châu Á đến từ các tiệm tạp hóa nhỏ, chìa khóa để tối đa hóa doanh số bán hàng là tập trung vào các mối quan hệ người bán - người mua ở kênh thương mại truyền thống này.
Tại Việt Nam, uy lực của tiệm tạp hóa vẫn mạnh mẽ, khi 80% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam đến từ đây. Riêng ở những thành phố lớn, khu vực chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị, báo cáo của Kantar Worldpanel chỉ ra, 60% doanh thu của phân khúc cửa hàng nhỏ vẫn đang thuộc về các tiệm tạp hóa.
Rõ ràng, dù các mô hình bán lẻ hiện đại đang tăng tốc mở rộng và chinh phục khách hàng, thể hiện qua số lượng cửa hàng tiện lợi đã tăng gấp đôi, siêu thị mini tăng gần 70% chỉ trong 2 năm (2013-2014), nhưng vẫn chưa thể đánh bật hơn 1,3 triệu tiệm tạp hóa tại Việt Nam.
Tiệm tạp hóa tuy không đẹp và bề thế, không trưng bày hàng hóa nhiều như siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhưng đây lại là kênh bán hàng len lỏi đến từng ngóc ngách của thị trường. Trong khi đó, khả năng tiếp cận khách hàng của cửa hàng tiện lợi hạn chế hơn, đạt mật độ 69.000 người trên một cửa hàng tiện lợi, theo số liệu từ Nielsen. Mặt khác, hầu hết siêu thị, cửa hàng tiện lợi tập trung ở những khu đô thị. Trong khi, tại vùng nông thôn, nơi có khoảng 70% dân số cả nước sinh sống, người tiêu dùng vẫn quen với tiệm tạp hóa.
Thực tế, với thói quen cứ ra đường là sử dụng xe máy, người Việt thích mua sắm mà không cần gởi xe. Những người bận rộn càng không muốn tốn thời gian trong chọn lựa hàng hóa và đợi tính tiền. Ở khía cạnh này, tiệm tạp hóa trở nên tiện lợi hơn hẳn.
Khách hàng đến tiệm tạp hóa để chọn mua chủ yếu các sản phẩm đồ gia dụng, sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc trẻ em. Ngoài ra, người tiêu dùng thường sẽ lên trước kế hoạch cần mua gì, chọn thương hiệu nào; vì thế, đây chính là cơ hội cho các nhãn hàng tận dụng lòng trung thành của khách hàng để thu hút mua sắm.
Tuy nhiên, tiệm tạp hóa không phải không có những hạn chế. Đa số tiệm tạp hóa có không gian chật hẹp, trung bình chỉ khoảng 19 m2, theo nghiên cứu từ Nielsen. Do đó, hàng hóa ở tiệm tạp hóa bị giới hạn và các nhà sản xuất phải chen lấn để sản phẩm của mình được trưng bày ở những vị trí bắt mắt.
Đặc biệt, nếu như cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/7, siêu thị triển khai giao hàng tận nơi thì tiệm tạp hóa chưa làm được. Người bán tiệm tạp hóa cũng là các cá nhân tự phát nên kỹ năng bán hàng, chiều lòng khách hàng, tư vấn, xử lý sự cố… không bằng các nơi bán hàng hiện đại.
Cũng theo nghiên cứu từ Nielsen, ở các danh mục sản phẩm dẫn đầu, chỉ 30% tiệm tạp hóa đóng góp vào 80% doanh số. Đáng chú ý, chỉ 70% tiệm tạp hóa thực hiện phân phối sản phẩm đúng với yêu cầu từ nhà sản xuất. Điều này đồng nghĩa, việc tiếp cận, phân loại, quản lý bán hàng ở các tiệm tạp hóa để đạt tối đa hóa thị phần là vấn đề đau đầu của nhiều công ty.
Sẽ phải hiện đại
Gần 10 năm trước, Trung Nguyên từng nhìn ra những hạn chế của mô hình tiệm tạp hóa và có tham vọng bắt tay với các chủ tiệm để triển khai một mô hình bán lẻ mới, tương tự tiệm tạp hóa nhưng hiệu quả, văn minh và hiện đại hơn. Trong đó, Trung Nguyên sẽ tận dụng cơ sở vật chất, khách hàng sẵn có của các tiệm tạp hóa và đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ các tiệm này tiến hành chuyển đổi. Theo tính toán của Trung Nguyên khi ấy, việc hợp tác sẽ giúp Việt Nam tạo dựng mô hình bán lẻ đồng nhất từ thương hiệu đến giá cả. Với hàng hóa phong phú, giá rẻ hơn và mối liên kết lợi ích chặt chẽ giữa người sản xuất - người bán - người mua, hệ thống bán lẻ này được kỳ vọng trở thành đối trọng với các tập đoàn bán lẻ quốc tế khác.
Nhờ triển khai theo hình thức nhượng quyền thương mại, Trung Nguyên đã nhanh chóng thiết lập gần 500 cửa hàng G7 Mart chuẩn và khoảng 10.000 cửa hàng thành viên. Tuy nhiên, không lâu sau, mô hình G7 Mart đã tan rã do xung đột lợi ích với nhà sản xuất, gặp vấn đề về tài chính và khả năng quản lý hệ thống tiểu thương... Sâu xa hơn, khi bán lẻ hiện đại còn quá mới mẻ và người tiêu dùng vẫn trung thành với những hình thức mua sắm truyền thống, tham vọng thay đổi tiệm tạp hóa của Trung Nguyên trở nên không tưởng.
Kể từ sau Trung Nguyên, không còn nghe ai nhắc đến câu chuyện xóa bỏ tiệm tạp hóa. Thay vào đó, các công ty bán lẻ tìm cách tác động, thay đổi thói quen mua sắm thông qua mở rộng và tăng tiện ích ở các kênh bán lẻ hiện đại. Kết quả, hơn 2/3 người tiêu dùng Việt Nam đi mua sắm tại đại siêu thị thường xuyên hơn và 29% mua hàng tạp hóa ở siêu thị thường xuyên hơn. 22% người tiêu dùng cũng chọn mua thực phẩm và hàng tạp hóa ở các cửa hàng tiện lợi. Vì thế, theo báo cáo từ Nielsen, trong năm 2013- 2014, trong khi tốc độ tăng trưởng của tiệm tạp hóa chỉ đạt 1,2%, thì tăng trưởng ở kênh tiện lợi đã là 28,8%.
Các tiệm tạp hóa cũng gặp nhiều trở ngại trong kinh doanh. Nếu như trước đây, các tiệm tạp hóa có thể đạt doanh thu 100-200 triệu đồng/tháng thì nay, theo chia sẻ từ nhiều chủ tiệm, trước sự mở rộng của chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị, doanh thu tiệm tạp hóa đã bị sụt giảm.
Bài toán lợi nhuận cho tiệm tạp hóa càng nan giải hơn. Theo chia sẻ từ một chủ tạp hóa ở quận 1 lấy hàng qua đại lý phân phối, lợi nhuận trên mỗi sản phẩm thường rất thấp. Bánh kẹo, mì gói, thực phẩm khô thì mức lãi chỉ từ 5-7%. Sản phẩm bán chạy nhất là sữa nhưng lợi nhuận lại chỉ khoảng 0,5-0,7%.
Mô hình tiệm tạp hóa buộc phải thay đổi theo hướng hiện đại nếu muốn tồn tại trước thực tế làm ăn khó khăn, cộng thêm áp lực cạnh tranh từ các tập đoàn bán lẻ nước ngoài (như Aeon, Lotte, 7 Eleven…) và sức ép từ mục tiêu Nhà nước năm 2020 là đưa siêu thị, trung tâm thương mại trở thành kênh bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường.