Theo nhận định của Bộ Công Thương, dịp Tết Nguyên đán Bính Thân sẽ không có hiện tượng thiếu các mặt hàng thiết yếu nhưng giá có thể tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao như thực phẩm tươi sống, trái cây...
Rước 'cục tức' đầu năm vì mua hàng tết qua ‘phây’
- Cập nhật : 25/01/2016
(Tin kinh te)
Nhiều người ngậm quả đắng khi mua hàng tết từ người quen, bạn bè tự làm rồi bán qua Facebook.
Không dám mua hàng tết ngoài chợ vì sợ mua nhầm hàng giả, hàng kém chất lượng nên nhiều người mua hàng của bạn bè hoặc người quen tự làm (còn gọi là hàng “nhà làm”) qua Facebook.
Tuy nhiên, không ít người “tiền mất, rước bực đầu năm” khi sản phẩm tự làm giá cao trong khi chất lượng lại thua hàng ngoài chợ.
Mua một lần rồi… cạch
Thực tế cho thấy nhiều người hài lòng vì mua được các mặt hàng do “nhà làm” ngon, tươi. Chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, nhà ở quận 5, nói được bạn bè giới thiệu mua lạp xưởng tươi của một người quen bán trên Facebook.
“Sau khi biết chủ nhân Facebook này lấy nguồn thịt từ một công ty lớn, không dùng chất bảo quản nên tôi đặt thử về dùng và thấy ngon. Sau đó tôi tiếp tục đặt mua 6 kg lạp xưởng tươi, giá 220.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn mua ngoài chợ nhưng yên tâm về chất lượng” - chị Hằng nhận xét.
Tuy nhiên, nhiều “thượng đế” đã phải “ngậm bồ hòn” khi món hàng đặt mua từ bạn bè, người quen không đúng yêu cầu, thậm chí chất lượng kém. Chính vì vậy chỉ mua một lần rồi… tháo chạy, không dám tiếp tục mua nữa.
Chị Quỳnh Hoa, nhà ở quận Tân Phú, kể thấy nhiều bạn bè rao bán mứt dừa trên Facebook nên đã đặt mua từ hai người bạn mà quên hỏi giá trước, mỗi người 2 kg. Khi trả tiền chị mới tá hỏa bởi một người bán với giá 150.000 đồng/kg, còn người kia bán tới 300.000 đồng/kg.
Chưa hết, đến khi ăn thì mới phát hiện mứt cứng ngắc, dừa thì ít trong khi lại quá nhiều đường nên ăn không nổi. Không chỉ vậy, mới để mấy ngày mứt đã chảy nước, thậm chí mứt còn bết với đường tạo thành một khối, sau đó thì nổi đốm đen, đành phải bỏ thùng rác.
“Đây lần đầu tiên trong đời mình thấy mứt bị hư chỉ trong một thời gian rất ngắn và đó cũng là lần duy nhất mình mua hàng tết “handmade” từ bạn bè” - chị Hoa bức xúc.
Nhiều “thượng đế” khác cũng than phiền bực mình nhất là đôi khi người bán không thành thật. Vì tin tưởng bạn bè nhưng người bán lại treo đầu dê bán thịt chó là không thể chấp nhận được.
Chị Lê Thị Phương, nhà ở quận 3, kể “bài học nhớ đời” khi mua lạp xưởng chua và bánh chưng từ người quen để ăn tết. Cụ thể, lạp xưởng tuy ăn khá ngon nhưng lúc xắt thì bị rã ra như thịt xay, nhìn mất thẩm mỹ nên không dám đãi khách. Bánh chưng mới để có hai ngày đã mốc xanh, chảy nước dù lá vẫn còn tươi. Từ đó gia đình chị “cạch” luôn, không dám mua hàng từ bạn bè nữa.
Để không tiền mất tật mang
Trả lời câu hỏi phải làm gì để tránh tiền mất tật mang khi mua hàng do “nhà làm”, chị Huỳnh Thị Ngọc Châu, một khách hàng, cho rằng mua hàng tết từ người quen, bạn bè tự làm cũng có thể yên tâm về chất lượng. Nhưng nếu chỉ nghe người bán cam kết không dùng hóa chất, nguyên liệu bẩn, đảm bảo chất lượng thì chưa đủ mà người mua phải “tai nghe, mắt thấy, tay sờ”.
Ngược lại, một số người khác thì nhận xét mua hàng qua mạng của người bán là một doanh nghiệp tên tuổi, có uy tín trên thị trường bao giờ cũng an toàn hơn mua của người bán là một cá nhân. Bởi những mặt hàng được mua từ người quen, bạn bè chủ yếu là do quen biết tin tưởng chứ nhiều khi vấn đề vệ sinh an toàn thì không yên tâm.
Lý do là sản phẩm do “nhà làm” thường chạy theo mùa vụ, số lượng sản xuất ít, không tên tuổi, thương hiệu… nên không có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan chức năng.
“Thêm nữa, hàng “nhà làm” không dùng nhiều gia vị hoặc sử dụng gia vị không hợp lý nên không ngon bằng công ty chuyên nghiệp sản xuất và nhìn cũng không bắt mắt bằng” - chị Hoa nhận xét.
Không ít ý kiến khuyến cáo người mua cần tìm hiểu kỹ các thông tin sản phẩm trước khi mua và chọn địa chỉ bán hàng uy tín. Chẳng hạn, với mặt hàng thực phẩm, cần biết rõ về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu.
TÚ UYÊN
Theo PLO.vn