Người Sài Gòn kỹ tính hơn khi mua sắm trên mạng so với người Hà Nội, ít chịu ảnh hưởng bởi các đợt lễ tết, theo một nghiên cứu mới nhất của iPrice.
Người tiêu dùng chờ giảm giá thật sự
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Người dân TP.HCM đã bắt đầu bước vào những ngày mua sắm, khuyến mãi dài, lớn nhất trong năm với hứa hẹn hàng ngàn mặt hàng giảm đến 50%, tràn ngập quà tặng, dịch vụ ưu đãi...
Nhưng khi quá rành rẽ và nhàm chán các chương trình khuyến mãi vốn ra rả hằng ngày, người tiêu dùng bắt đầu đòi hỏi ở nhà bán lẻ giá trị cộng thêm sau các món hàng giá rẻ.
“Ngập” trong khuyến mãi
Do năm nay ngày nghỉ lễ 2-9 rơi vào dịp giữa tuần nên việc lên kế hoạch đi chơi xa của người dân được nhà bán lẻ dự đoán sẽ không rầm rộ như mọi năm, vì vậy các trung tâm thương mại, siêu thị, khu vui chơi giải trí trong thành phố sẽ đông hơn.
Sáng 29-8, hội chợ tháng khuyến mãi bước qua ngày thứ hai, đón nhận lượng khách khá thưa thớt. Hơn 10g sáng nhưng nhiều quầy hàng dường như không có khách. Việc mua sắm cũng diễn ra cục bộ ở một số món hàng giá rẻ. Hình thức giảm giá theo tỉ lệ 30-40% khá phổ biến tại hội chợ nhưng nhiều người đi mua sắm không thật sự mặn mà.
Thu hút nhất là nhiều mặt hàng quần áo bán giá rẻ 20.000 - 40.000 đồng/món gây tò mò cho nhiều người. “Nhà mình ở ngay gần đây, sáng đi tập thể dục tiện ghé vào xem, có món gì rẻ rẻ thì mua cũng tốt nhưng món giá rẻ nhà mình không cần, còn nhiều món mình cần có giảm cũng không đáng kể nên vẫn chưa mua được gì” - chị Khương ở đường Bà Hạt (Q.10) chia sẻ.
Trong khi đó, không khí tại chợ có phần nhộn nhịp hơn ngày thường khi nhiều người dân ăn lễ sớm vào hai ngày cuối tuần được nghỉ. Tại chợ Bàn Cờ (Q.3), tranh thủ được nghỉ sớm cuối buổi sáng thứ bảy, chị Bảo Nghi (nhân viên văn phòng) dự định cùng bạn bè làm tiệc nhỏ tại nhà. Hải sản, chân gà, cánh gà, cá kèo, cá lóc, thịt bò... là những món hút khách chợ với các món nướng, lẩu tại nhà.
Khảo sát tại nhiều chợ, tiểu thương cho biết vừa qua rằm, dù là hai ngày cuối tuần và sắp nghỉ lễ 2-9, sức mua cũng không bật lên, ở một số nhóm hàng tươi sống như rau củ, hải sản có nhỉnh hơn ngày thường nhưng không bằng mọi năm. Ban quản lý chợ Bình Điền (Q.8) cho hay trong số 17.000 tấn hàng hóa bình quân về chợ mỗi đêm, hiện rau củ quả đạt khoảng 6.000 tấn, thịt tươi sống đạt 1.700 tấn, không tăng hay giảm đột biến.
Theo ông Hồ Quốc Nguyên - giám đốc đối ngoại hệ thống Big C, kỳ nghỉ lễ 2-9 năm nay rơi vào ngày giữa tuần, kết hợp với nhiều người lao động nhận tiền thưởng sớm nên có thể nói không khí sắm lễ đã được đón đầu từ cuối tuần trước lễ. Tuy nhiên, chương trình giảm giá, khuyến mãi tại hệ thống này cũng không khác ngày thường mà chủ yếu số lượng hàng hóa chuẩn bị tăng nhiều hơn.
Hệ thống Lotte Mart cũng ưu đãi 30-49% tất cả mặt hàng thực phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống và các sản phẩm gia đình trong dịp này. Trong đó, ngành hàng tươi sống có chương trình “Lễ hội thịt” với các loại bò, nạm bò, bắp bò, cánh gà, má đùi gà, thịt nạc dăm, sườn cốt lết... giá ưu đãi từ 3.500-21.000 đồng/100 gam...
Tăng kết nối
Ông Võ Hoàng Anh, giám đốc tiếp thị Saigon Co.op, nói kinh phí chương trình tháng khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” năm nay là 180 tỉ đồng, nhiều hơn 20 tỉ đồng so với năm ngoái. Số tiền nhỉnh hơn này giúp cho mức giảm giá các mặt hàng sâu hơn, hàng hóa vì thế có cơ hội rẻ hơn, nhưng giá rẻ chưa phải là mục tiêu cuối cùng người thực hiện nhắm đến.
“Chương trình khuyến mãi năm nay mong muốn gắn kết chặt chẽ hơn với nhà cung cấp, để sản phẩm Việt được quảng bá đến với người tiêu dùng nhiều hơn. Còn người tiêu dùng nhận được nhiều giá trị cộng thêm hơn bên cạnh mua được món hàng rẻ như phân biệt được hàng nông sản chất lượng cao và hàng kém, nhận diện thương hiệu... Ngay cả quà tặng cũng tăng theo giá trị hóa đơn, quà cũng là những món thiết yếu như đường, dầu ăn...” - ông Hoàng Anh cho biết.
Gần 600 nhà cung cấp tham gia chương trình năm nay của Saigon Co.op phải vượt qua hàng rào tiêu chuẩn mà hệ thống siêu thị “dựng” lên: hàng giảm giá vẫn phải còn thời gian sử dụng trên 70%, nếu thời hạn sử dụng còn 20% phải rút khỏi quầy kệ... để tránh tiếng xấu của hàng khuyến mãi là hàng cận đát. Trong suốt thời gian diễn ra tháng khuyến mãi, nhà bán lẻ cũng sẽ giúp người tiêu dùng hiểu hơn về quy trình sản xuất sản phẩm, đặc biệt là nông sản như rau, khoai lang, cà rốt..., những nhóm hàng mà người tiêu dùng hiện đang e ngại vì chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Dù dự báo sức mua các mặt hàng điện tử tiêu dùng sẽ tăng mạnh trong thời điểm cuối năm, nhưng ông Phan Linh Phương, phó giám đốc tiếp thị hệ thống Nguyễn Kim, cho rằng quan trọng hơn là nhà bán lẻ muốn đẩy mạnh các dịch vụ chăm sóc khách hàng với cam kết thời gian xử lý đơn hàng nhanh nhất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng khi mua sắm.
Trong khi đó, theo ông Hồ Quốc Nguyên, có những sản phẩm siêu thị chấp nhận giảm lợi nhuận và nhà cung cấp cùng chia sẻ nhưng cũng có những chương trình khuyến mãi riêng của nhà cung cấp do muốn đẩy được hàng nhanh.
“Nhưng qua mỗi đợt khuyến mãi, người tiêu dùng nhận biết thêm thương hiệu Việt mới, tiếp tục tin dùng sản phẩm đó thì chương trình mới được xem thành công, muốn vậy chất lượng hàng khuyến mãi phải tốt” - ông Nguyên nhận xét.