Số liệu được tính theo doanh thu bán lẻ đạt được trong năm 2014.
Đua nhau bung khuyến mãi để kéo khách
- Cập nhật : 14/09/2015
(Kinh doanh)
Kiếm tiền khó khăn hơn, ngân sách dành cho mua sắm ngày càng thu hẹp, nhiều bà nội trợ hiện có xu hướng tính toán, so sánh giá cả giữa các nhà bán lẻ rất kỹ ...
Người dân mua sắm các mặt hàng khuyến mãi tại siêu thị Co.op Mart trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng
Do đó, không chỉ đua nhau khuyến mãi, các nhà bán lẻ cũng thường xuyên đổi mới hình thức khuyến mãi, tăng dịch vụ, tăng tiện ích kèm theo... để giữ chân khách hàng cũ và lôi kéo khách hàng mới.
Khó bán hàng nếu không khuyến mãi
Đứng cạnh quầy dưa hấu đỏ Long An ghi giá 12.000 đồng/kg tại một siêu thị, chị Minh (Q.Tân Bình, TP.HCM) lắc đầu cho biết giá này cao hơn siêu thị khác đang khuyến mãi, nên sau khi đưa lên ngắm nghía rồi bỏ xuống.
Trong khi đó, cứ ba ngày một lần, bà Thư (đường Bà Hạt, Q.10) lại đi siêu thị mua đồ dùng và thực phẩm tại các siêu thị gần nhà, từ Co.op Mart, Satramart đến Lotte, Big C... trong đó ưu tiên chọn siêu thị nào có món hàng mình đang cần mà giảm giá mạnh.
“Vừa năm học mới, từ tiền trường, ăn uống, đồng phục... cho hai đứa nhỏ đi học khiến vợ chồng tui xây xẩm mặt mày, làm gì có tiền mà mua sắm phung phí” - chị Trang (Q.10), đứng tần ngần hồi lâu bên quầy gia vị siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt, nói. Cũng như nhiều bà nội trợ khác, chị Trang cho biết ngân quỹ mua sắm ngày càng eo hẹp nên chị “làm biếng” đi siêu thị hơn, những giỏ hàng cũng vơi đi nhiều.
Hiểu được “tâm tư” của nhiều người tiêu dùng, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hiện nay thường tổ chức những chương trình khuyến mãi, tăng dịch vụ công thêm để lôi khách.
Chẳng hạn, siêu thị Co.op Mart vừa thực hiện chương trình khuyến mãi mới nhất là “Mua hàng Việt - Quà đặc biệt”, mua hàng trị giá hóa đơn càng cao quà tặng càng giá trị hoặc chương trình “Nông sản Việt ưu đãi mỗi ngày”, tập trung giảm giá cho các sản phẩm nông sản suốt 10 ngày.
Nhiều siêu thị cũng cho biết ngoài việc tăng ngân sách 15 - 20% cho các chương trình khuyến mãi, lượng hàng hóa khuyến mãi nhiều hơn, giảm giá mạnh hơn và được tổ chức liên tục... nhà bán lẻ còn phải tăng thêm hàng loạt dịch vụ, tiện ích đi kèm để đảm bảo cho khách hài lòng nhất.
“Chẳng hạn, chúng tôi tăng thêm đội ngũ thu ngân vào giờ cao điểm để tránh gây phiền cho khách, tăng thêm lực lượng giao hàng để khách không mất thời gian chờ đợi” - đại diện một siêu thị cho biết.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing hệ thống Saigon Co.op, cho biết thông qua dữ liệu mua sắm của khách, siêu thị sẽ xây dựng các chương trình khuyến mãi phù hợp với mọi đối tượng khách hàng, người ít tiền mua sắm cũng được hưởng khuyến mãi, người mua nhiều cũng được khuyến mãi sao cho phù hợp.
Đặc biệt, chương trình khuyến mãi cũng thể hiện sự gắn bó, chăm sóc của siêu thị đối với khách, khách nào gắn bó nhiều hơn sẽ được nhiều quyền lợi hơn là điều hợp lý.
Ngoài ra, chương trình khuyến mãi còn tập trung vào nông sản, giúp khách hàng mua được hàng chất lượng, an toàn vừa góp phần tiêu thụ nông sản Việt, hay chương trình “đồng giá hàng Việt” tạo ra những cụm hàng hóa tùy nhu cầu khách hàng mà mua sao cho phù hợp với túi tiền.
“Các nhà bán lẻ đều muốn thu hút khách hàng và khi những hệ thống bán lẻ cạnh tranh nhau bằng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tăng dịch vụ... người tiêu dùng chắc chắn sẽ hưởng lợi nhiều hơn” - ông Hoàng Anh nói.
Tuy nhiên, không chỉ hệ thống bán lẻ mà cả các nhà cung cấp cũng được huy động tham gia cuộc đua khuyến mãi hiện nay. Ông Trương Chí Thiện, giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt, cho biết không chỉ các hệ thống bán lẻ cạnh tranh với nhau như trước đây, hiện nay nhà cung cấp cũng được huy động tham gia chương trình khuyến mãi, giảm giá để cạnh tranh, lôi kéo khách hàng. Chẳng hạn, dù đang gặp nhiều khó khăn, nhưng mặt hàng trứng tham gia tháng khuyến mãi được các nhà cung cấp giảm đến 20%.
Trong khi đó ông Nguyễn Hồng Phong, giám đốc Công ty Phong Thúy (Đà Lạt) - đơn vị đã tăng gấp ba sản lượng bán ra so với ngày thường, cho biết để có được mức giảm giá 12% vào tháng khuyến mãi, trang trại phải tăng sản xuất trong các tháng trước đó. “Nếu tính theo giá lấy hàng hiện nay, doanh nghiệp bị lỗ vì giá rau củ đang cao” - ông Phong nói.
Sức mua nông sản tăng 3 - 5 lần
Tuần lễ nông sản Việt ghi nhận sức mua của các mặt hàng nông sản tham gia khuyến mãi tăng 3 - 5 lần so với ngày thường tùy theo mặt hàng, điển hình là tỏi Lý Sơn, dưa hấu đỏ, cà chua, bưởi năm roi, cam sành, bí đỏ trái tròn, thanh long, khổ qua... Sức mua tập trung vào những ngày cuối tuần ở các siêu thị khu vực TP.HCM, các Co.op Mart tại Q.3, 6, 11, Bình Thạnh và Co.opXtra Q.7...
Nhiều mặt hàng giảm giá “sốc”
Từ ngày 11 đến 17-9, chương trình hàng Việt giá đặc biệt với nhiều sản phẩm giảm giá mạnh, từ 29.800 - 395.000 đồng/sản phẩm tùy loại. Chẳng hạn, nồi cơm điện Comect chỉ còn 285.000 đồng, giảm 225.000 đồng; bếp giảm 395.000 đồng, còn 455.000 đồng; dầu nành Meizan 2L giảm còn 45.000 đồng... điều kiện hóa đơn 400.000 đồng...
Đặc biệt, ba ngày cuối “Tuần lễ nông sản Việt” với hàng loạt nông sản giảm giá mạnh, trong khi “Tuần lễ hàng Việt đồng giá” với hàng loạt sản phẩm như dầu ăn, nước mắm, bánh ngọt, kem đánh răng... có giá bán khá mềm.