Theo báo cáo tổng kết an ninh mạng 2014 của công ty BKAV, Wi-Fi miễn phí tại Việt Nam tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh thông tin. Vậy phải làm thế nào để bảo vệ bản thân và cân bằng lợi ích khi sử dụng Wi-Fi miễn phí?
Đến chuyên gia cũng "bó tay" với cơ sở tính giá điện
- Cập nhật : 16/10/2015
(Tin kinh te)
"Về minh bạch giá điện, ngay cả những nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan tới cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng “bó tay”, không hiểu rõ và nói rõ được", chuyên gia trong ngành Ngô Đức Lâm nói.
Các chuyên gia trong ngành cho rằng, cơ sở tính giá điện vẫn chưa mang tính khoa học bởi thời điểm này giá điện vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường!
Tại Diễn đàn “Cơ sở khoa học của việc tính giá điện” tổ chức sáng nay (16/10), GS.TS Nguyễn Quang Thái, Hội khoa học Kinh tế Việt Nam thẳng thắn: “Giờ bàn về cơ sở khoa học khi tính giá điện là ảo tưởng bởi thời điểm này giá điện vẫn chưa vận hành theo cơ chế thị trường. Phải nhìn thẳng vào sự thật để thấy dân bức xúc như thế nào”.
“Bó tay” với cơ sở tính giá điện
Phát biểu tại Hội thảo, ông Ngô Đức Lâm, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam cho rằng, mỗi lần điều chỉnh giá điện hoặc chỉ đề cập tới giá điện cũng chưa nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Nguyên nhân chính là do ngành điện còn độc quyền rất lớn và còn lâu dài mới tiến tới cơ chế thị trường.
“Bên cạnh đó, về minh bạch giá điện, ngay cả những nhà khoa học được tiếp cận và nghe các nội dung liên quan tới cơ sở tính giá điện, biểu giá điện cũng “bó tay”, không hiểu rõ và nói rõ được. Người dân cũng lo ngại về năng suất lao động của ngành điện thấp khiến người dùng phải chịu hậu quả thay”, ông Lâm nói.
Riêng về minh bạch giá điện, ông Lâm cho rằng, việc điều chỉnh giá điện phải tuân theo quy định của Luật giá và Luật Điện lực, trong đó cần tập trung vào cả quyền người sản xuất và người tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc điều chỉnh giá điện mới chỉ tập trung vào quyền của EVN mà chưa tập trung quyền người dùng.
“Các văn bản nhà nước hiện đang tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp ngành điện. Các quy định có lợi cho EVN nhưng dẫn đến bất lợi trong quá trình cạnh tranh. Anh tính lợi nhuận cao sản xuất kiểu gì cũng có lãi nhưng lại làm thui chột tính phấn đấu giảm giá thành”, ông Lâm nhấn mạnh.
Còn theo Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An: “Ngay cả khâu đầu vào trong quá trình tính giá điện cũng đã minh bạch chưa? Lúc EVN nói lỗ, lúc nói lãi, vậy lỗ thì Nhà nước bù hay dân phải chịu. Cử tri nói, con phụ thuộc bố mẹ, bố mẹ nghèo thì con nhịn ăn nhưng sao EVN lỗ mà cán bộ nhân viên thu nhập lại khá?”.
Giá điện chỉ tăng không giảm
Theo ông Nguyễn Minh Duệ, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội khoa học kinh tế Việt Nam, thực trạng giá điện Việt Nam cho thấy, trong 8 lần điều chỉnh qua, giá điện chỉ có tăng mà không có giảm. Việc điều chỉnh có năm do yếu tố chi phí đầu vào tăng nhưng cũng có năm ngay cả khi giá thuỷ điện Sơn La giảm mà giá điện vẫn tăng.
“Ngoài ra, giá bán điện qua các lần điều chỉnh chưa thuyết phục, chưa có cơ sở khoa học và công khai, minh bạch giá thành. Cũng cần nói thêm, giá điện Việt Nam đang là cao hay thấp? So với các nước thiếu tài nguyên năng lượng sơ cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc mà kết luận giá điện Việt Nam thấp là quá khập khiễng. Tôi cho rằng, giá như hiện nay là không thấp!”, ông Duệ nói.
Theo vị này, ngoài việc cần có báo cáo tài chính kiểm toán hàng năm khi điều chỉnh giá điện thì cần có giải pháp để giảm giá điện nhằm thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh. Đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả sử dụng điện.
Đáp lại ý kiến của các đại biểu, đại diện Bộ Công Thương - ông Đinh Thế Phúc, Cục Phó Cục Điều tiết Điện lực cho rằng, cơ quan điều hành luôn có mục công khai minh bạch giá điện về giá thành cũng như các chi phí từ phát điện, truyền tải tới quản lý. Đồng thời, yêu cầu ngành điện thay đổi cách chăm sóc khách hàng, thay hệ thống công tơ điện tử để tiện giám sát…
Phương Dung
Theo Dân Trí