Được biết tới là giống gà quý hiếm, gà 9 cựa hiện được rao bán trên thị trường với giá 300 nghìn đồng/kg.
Bánh kẹo TQ "sản xuất ở Hà Nội", đèn TQ in mác Rạng Đông
- Cập nhật : 23/11/2015
(Kinh te)
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tại Hội thảo Chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu trong hội nhập AFTA và TPP.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Công San cho biết, tình hình buôn lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại ngày càng phát triển, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, bức xúc cho xã hội, thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
“Những doanh nghiệp có thương hiệu tốt, làm ăn tốt, hôm nay bán chạy hàng thì y như rằng ngày mai có hàng giả ngay. Nhiều doanh nghiệp thành công, cuối cùng suy sụp, thậm chí phá sản chỉ vì hàng giả quá nhiều. Nhưng cũng có những doanh nghiệp có tài sản vô hình, rất giá trị nhưng không biết trau chuốt như tên thương mại, thương hiệu”, ông San nhấn mạnh.
Ông San cho biết, tại Hà Nội, hàng giả xuất hiện hiện tượng “nội địa hóa” bằng phương thức nhập lậu linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì, nhãn, mác mới thành sản phẩm của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Hàng hóa được đặt hàng y chang từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam như quần áp, giày dép Nike, Adidas…đồ thời trang như LV, Gucci, điện thoại di động Samsung, Apple…
Nhiều loại bánh kẹo đặt làm từ Trung Quốc nhưng ghi nhãn sản xuất tại Hòai Đức (Hà Nội), bóng đèn Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác là bóng đèn Rạng Đông…
Theo đánh giá của ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến và địa bàn cả nước có nhiều diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi của các đối tượng vi phạm, đặc biệt là các đối tượng, đường dây ổ nhóm liên quan đến buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến biên giới phía Bắc.
Trong đó nổi trội là các mặt hàng cấm, có thuế suất tiêu thụ đặc biệt cao hoặc các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm, ma túy, thuốc nổ…
Để minh chứng, ông Hùng đã đưa ra những con số “biết nói” về công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại: trong 9 tháng 2015 các cơ quan chức năng bắt giữ, xử lý 149.926 vụ việc vi phạm, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2014; số thu nộp ngân sách nhà nước từ xử phạt vi phạm hành chính ước đạt 8.759 tỷ, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái; khởi tố 897 vụ.
Mặc dù thu được nhiều kết quả nhưng theo ông Hùng, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn gặp nhiều khó khăn.
“Nói thật, những vụ việc về xâm phạm sở hữu trí tuệ anh em rất ngại vào vì nhái chữ nọ ra chữ kia, những đối tượng làm nhái lại cực kỳ có hiểu biết, nên anh em quản lý thị trường rất ngại va chạm khiến hoạt động này vẫn có đất sống”, ông Hùng nói.
Tại Hội thảo, ông Henry Nishikawa, giám đốc hãng BMB Nhật Bản cũng cho biết khi vào Việt Nam, BMB phải đối mặt với vấn nạn hàng giả vô cùng nan giải. Hiện nay các sản phẩm của công ty đang bị làm giả rất tinh vi. Những doanh nghiệp làm ăn không chân chính không chỉ làm giả sản phẩm mà cả bản hiệu, logo, tem nhãn. Trong quảng cáo, giới thiệu sản phẩm cũng tuyên bố là đại diện chính thức của công ty, nhà phân phối độc quyền, giá bán gần như gần bằng sản phẩm thật…khiến người tiêu dùng rất dễ bị lừa.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Bộ Công thương) cũng cho biết nhiều vụ việc quy mô lớn, tính chất nghiêm trọng đều liên quan đến hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài. Với các phương thức thủ đoạn tinh vi như làm giả nhãn hiệu nổi tiếng, làm theo đơn đặt hàng, làm đến đâu tiêu thụ đến đó; ngụy trang hàng giả, hàng nhái trong bao bì hàng thật nên khó phát hiện…
Theo ông Lam, khó khăn, vướng mắc hiện nay như chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, một bộ phận doanh nghiệp chưa tích cực phối hợp với cơ quan chức năng…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Ngọc Lâm, Cục Phó Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động, nâng cao tính tự giác hơn nữa để bảo vệ mình. Hiện nay có hiện trạng, doanh nghiệp đang phó mặc việc bảo hộ đó cho cơ quan thực thi.
“Vấn đề sở hữu trí tuệ sẽ càng nóng, tiêu chuẩn sở hữu trí tuệ sẽ được nâng lên khi VN tham gia TPP. Trong đó có áp dụng xử lý hình sự trong xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nếu doanh nghiệp không quan tâm đến điều này thì nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với xâm phạm, phá sản”, ông Lâm cho biết.
Do đó, ông Lâm kiến nghị, các doanh nghiệp phải thực hiện nghiên cứu, kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh, phải tạo được những sản phẩm có tính cạnh tranh, và có ý thức xây dựng và bảo vệ tài sản bằng cách đăng ký sở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Công San, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường cũng cho rằng doanh nghiệp nên nhìn nhận một cách nghiêm túc, chủ động bảo vệ quyền lợi của chính mình bằng cách đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ thương hiệu.
Lấy câu chuyện bõ đũa, ông San muốn nhắn nhủ các doanh nghiệp cần phải liên kết với nhau một cách chặt chẽ, Hiệp hội phải phát huy vai trò của mình để bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 cho rằng nếu không kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ thì nó không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm giảm sút niềm tin trong nhân dân, góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp vấn nạn tham nhũng, tiêu cực. Đặc biệt là sắp tới đây, khi bước vào hội nhập sâu rộng, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ phải chịu thiệt hại nhất, nếu doanh nghiệp không “tỉnh” thì chúng ta sẽ thua trên sân nhà.