7 cách chống trộm dưới đây sẽ giúp chủ xe tăng khả năng chống trộm, ít nhất là không trở thành mục tiêu của kẻ xấu.
Để không bị hack thẻ ngân hàng khi rút tiền từ cây ATM
- Cập nhật : 28/04/2018
Trước thông tin hơn 400 tài khoản Agribank vừa bị hack thẻ, nhiều chủ thẻ ngân hàng rất lo ngại khi giao dịch. Làm thế nào để rút tiền an toàn từ cây ATM?
Máy ATM của Agribank bị niêm phong để điêu tra sau vụ hơn 400 tài khoản ATM bị hack tối hôm 25-4 - Ảnh: L.THANH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Phạm Anh Tuấn, chuyên gia công nghệ thẻ ngân hàng, cho biết khuyên chủ thẻ nên quan sát thật kỹ khi giao dịch tại máy ATM:
* Hàng trăm thẻ ATM bỗng dưng bị mất trộm tiền do bị hack. Theo ông hacker cơ lấy thông tin bằng cách nào?
- Thẻ ATM bị lấy cắp tiền là do tội phạm lấy thông tin từ dải băng từ của thẻ, đồng thời cũng phải có được password, hay còn gọi là mã pin, của thẻ nữa.
Để đánh cắp thông tin, tội phạm thường dán cho một con chip rất nhỏ ở khe cho thẻ vào. Khi thẻ đi ngang qua đó, toàn bộ thông tin sẽ được lưu lại. Mặt khác, hacker cũng phải gắn camera để ghi lại mã pin của thẻ lúc chủ thẻ nhập mã pin.
Sau khi hacker thu thập đủ thông tin, chúng sẽ làm các thẻ ngân hàng giả và có kế hoạch tổ chức rút trộm tiền trên một diện rộng.
* Chủ thẻ phải làm gì để không bị hack thông tin?
- Để không thẻ ATM không bị hack, chủ thẻ phải bảo vệ là thông tin trên băng từ của thẻ và mã pin.
Thông thường với các máy ATM tiêu chuẩn bao giờ khe của thẻ cũng có hệ thống chống Skimming. Nên khi thẻ tra vào khe sẽ rung và bị nuốt từ từ. Điều này sẽ làm cho các thiết bị ghi trộm được gắn vào khe thẻ bị vô hiệu.
Mặt khác, trên bàn phím của các máy ATM thường có dụng cụ bằng nhựa che sự quan sát của camera nhằm bảo mật mã pin khi được nhập.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện có một số máy ATM của không chỉ ngân hàng nhỏ mà cả các ngân hàng lớn vẫn chưa lắp đặt đầy đủ hoặc bị phá hỏng trong quá trình sử dụng.
Do đó, chủ thẻ phải quan sát khe thẻ trước khi giao dịch xem có thiết bị lạ nào được gắn hay không. Thiết bị công nghệ hiện nay rất tinh vi thường chỉ to bằng đầu đũa thôi.
Hai là cố gắng che tay khi gõ mã pin. Mã pin rất ngắn thường 6 ký tự. Có một số ngân hàng chỉ có 4 ký tự nằm ngay trên bàn phím.
Khi chúng ta đảm bảo được hai điều này thì hacker khó có thể đánh cắp dữ liệu của thẻ ATM.
* Không phải chủ thẻ nào cũng có khả năng kiểm tra được bằng mắt thường trước khi rút tiền xem máy ATM bị gắn thiết bị lạ hay không. Ý kiến của ông về việc khi chưa thể chuyển sang thẻ chip thì nhiều nguy cơ thẻ ATM bị trộm tiền?
- Nếu như thẻ ATM được chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip chắc chắn việc mất cắp thông tin sẽ không xảy ra nữa. Điều đó sẽ giảm thiếu tối đa thất thoát.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước giao cho công ty CP thanh toán Quốc gia (NAPAS) là đơn vị đầu mối xây dựng chuẩn chung cho thẻ chíp nội địa.
Hy vọng trong năm nay, NAPAS sẽ hoàn tất việc này để trên cơ sở tiêu chuẩn của thẻ chíp nội địa, các ngân hàng phát hành thẻ sẽ chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chíp.
Có như vậy, thẻ ATM của một ngân hàng phát hành có thể giao dịch tại nhiều máy ATM của các ngân hàng khác.
Trong lúc chờ phía ngân hàng chuyển đổi sang thẻ mới, hơn ai hết, khách hàng chủ động bảo vệ mình với việc bảo mật mã pin và thông tin trên thẻ khi giao dịch.
* Theo ông khi thẻ bị khóa rồi thì liệu có bị mất trộm nữa hay không? Mới nhất là có hàng trăm khách hàng của Agribank cho biết họ đã được thông báo là thẻ đã được khóa nhưng trên thực tế, thẻ vẫn bị trộm tiền.
Câu trả lời đúng nhất phải là Agribank. Khi tiếp nhận được thông tin thẻ bị rút trộm tiền, đội ngũ trực của ngân hàng có thể không xử lý kịp. Vì quy trình là phải kiểm tra khá chặt chẽ khi được thông báo chứ không thể thấy báo thì khóa hoặc mở ngay được.Với số lượng lớn thẻ bị hack thì thao tác cũng mất nhiều thời gian.
Còn không thể có chuyện tài khoản đã bị hệ thống khóa mà vẫn có thể rút tiền được.
Tuy nhiên, qua một số vụ thẻ ATM bị mất trộm tiền xảy ra gần đây cho thấy đối tượng vi phạm thường lợi dụng ngày nghỉ lễ, có thể nhiều ngân hàng lơ là nên chúng đã rút trộm tiền trong thẻ ATM của khách.
Lê Thanh
Theo Tuoitre.vn