Dù hội nhập với kinh tế thế giới đã hơn 20 năm nhưng các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt ở các khâu như marketing, phân phối và dịch vụ sau bán hàng.
Quy định về kinh phí hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội
- Cập nhật : 01/10/2017
Ngày 12/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 103/2017/NĐ-CP về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, các vấn đề liên quan đến kinh phí hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập đã được quy định rõ.
Nghị định 103/2017/NĐ-CP nêu rõ, các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; chăm sóc người khuyết tật; chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; Cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; Trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật.
Về kinh phí hoạt động, đối với cơ sở trợ giúp xã hội công lập, nguồn kinh phí bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước cấp; Nguồn thu phí dịch vụ từ các đối tượng tự nguyện; Nguồn thu từ hoạt động lao động sản xuất, dịch vụ của cơ sở trợ giúp xã hội; Nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn khác theo quy định của pháp luật.
Đối với cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập, nguồn kinh phí bao gồm: Nguồn tự có của chủ cơ sở trợ giúp xã hội; Nguồn trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Nguồn thu phí dịch vụ từ đối tượng tự nguyện; Nguồn thu khác theo quy định của pháp luật; Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội.
Về quản lý tài chính, tài sản, cơ sở thực hiện quản lý tài chính, tài sản là theo các quy định của pháp luật
Việc sử dụng và quản lý các nguồn kinh phí phải thực hiện công khai, minh bạch và theo Quy chế hoạt động, Quy chế chi tiêu của cơ sở.
Cơ sở có trách nhiệm báo cáo kết quả tài chính định kỳ và hàng năm theo quy định của pháp luật.
Ngoài những nội dung trên, Nghị định 103/2017/NĐ-CP còn có các quy định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở trợ giúp xã hội; các vấn đề về thành lập, tổ chức lại và giải thể cơ sở trợ giúp xã hội…
Nghị định 103/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2017.
Theo Tapchitaichinh.vn