Nhà khoa học Richard H.Thaler tại Đại học Chicago vừa được công bố giành giải Nobel Kinh tế 2017.
Kiểm chứng những lời tiên tri mới nhất của "thiên tài bán khống" George Soros
- Cập nhật : 10/06/2016
(Doanh nhan)
Cùng nhìn lại những dự đoán gần đây nhất mà George Soros đã đưa ra và xem chúng có chính xác hay không.
“Gừng càng già càng cay”
Tỷ phú Soros nổi tiếng là giám đốc điều hành quỹ đầu tư lãi 1 tỷ USD khi ông và Stan Druckenmiller – người sau này là giám đốc chiến lược của quỹ Soros đã đặt cược Anh sẽ buộc phải giảm giá đồng bảng.
Gần đây với nhận định thị trường tài chính toàn cầu sẽ giảm sút, quỹ Soros Fund Management trong quý I đã cắt giảm 37% số lượng chứng khoán Mỹ đang nắm giữ đồng thời mua vào cổ phiếu các công ty vàng và cổ phiếu một quỹ ETF theo dõi giá kim loại quý.
Từ đó cho đến nay, chỉ số S&P 500 tăng 3,1%. Cổ phiếu Barrick Gold – cửa cược lớn nhất của Soros – tăng 44%.
Sau đây là 4 dự đoán chính xác khác của Soros trong thời gian gần đây
Bất ổn tại Trung Quốc
Ít nhất là từ năm 2013, ông đã bắt đầu lo lắng về Trung Quốc, rằng bộ máy lãnh đạo quốc gia này sẽ không có khả năng kiểm soát một cơn suy thoái.
Đầu năm nay, Soros lại ví nền kinh tế Trung Quốc là Mỹ của giai đoạn 2007 – 2008, nhằm ám chỉ tốc độ tăng trưởng nhờ nợ đang đưa hệ thống ngân hàng quốc gia vào tình cảnh đi trên dây.
Ngày 20/4 tại một sự kiện ở New York, ông nói “Phần lớn số tiền được cung cấp bởi các ngân hàng Trung Quốc được dùng để giữ cho các doanh nghiệp thua lỗ khỏi lâm vào cảnh phá sản mà thôi”.
Thực tế là, theo Bloomberg ước tính, có khoảng 15,6 nghìn tỷ NDT (2,4 nghìn tỷ USD) nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc có thể bị liệt vào nhóm “nợ xấu” do lợi nhuận của các doanh nghiệp không đủ để bù lãi đi vay. Con số này tương đương với 23% GDP Trung Quốc năm 2015.
Trong vòng 3 năm gần đây, chỉ số Hang Seng tăng 10%, không giống với mức giảm 37% của chứng khoán Mỹ năm 2008. Nhưng tính cả tiền cổ tức và chỉ tính từ khi lập đỉnh vào tháng 4/2015, chỉ số Hang Seng đã giảm 22%.
Khủng hoảng châu Âu
Trong một đàm phán hồi tháng 9/2011, Soros nhận định nợ công châu Âu còn kinh khủng hơn khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm ngoái, ông dự đoán khả năng Hy Lạp rời EU là 50-50.
Thế giới ngày càng ít quan tâm đến khu vực kinh tế đồng EUR do nhà đầu tư đang chuyển mối quan tâm vào Trung Quốc. Hy Lạp và chủ nợ tại khối tiền chung châu Âu có lẽ đang tiến gần đến thỏa thuận cho gói viện trợ mới, giúp Hy Lạp có khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong mùa hè này và đưa Hy Lạp trở lại hệ thống tái tài trợ thường xuyên của ECB.
Kể từ nhận định của Soros năm 2011, chỉ số Bloomberg European 500 Index tăng 82%. Tính trên đồng USD, nợ công châu Âu tăng 14%.
Trái phiếu Argentina
Soros có lợi ích cá nhân tại Argentina. Từ nhiều thập kỷ, ông đã đầu tư vào đây và hầu hết là thành công khi đặt cược vào trái phiếu chính phủ của quốc gia vỡ nợ này. Qua thời gian ông có những cuộc tiếp xúc thân mật với cựu Tổng thống Cristina Fernandez de Kirchner để bàn về triển vọng nền kinh tế.
Năm 2014, tòa án Mỹ ra lệnh cho ngân hàng Bank of New York Mellon chi nhánh London không chuyển cho các nhà đầu tư (trong đó có Soros) số tiền 226 triệu euro mà Chính phủ Argentina đã gửi vào ngân hàng này để trả cho các trái chủ. Soros đã cùng với một nhóm các nhà đầu tư đâm đơn kiện ngân hàng, cho rằng Chính phủ Mỹ không nên áp đặt luật lệ với những trái phiếu được quản lý bởi các luật lệ nằm bên ngoài nước Mỹ.
Sau khi Fernandez từ chức năm ngoái, Soros vẫn đầu tư vào Argentina. Nhều đại diện quỹ của ông tham gia vào chương trình tuyên truyền trái phiếu chính phủ Argentina hồi tháng 4 sau khi chính phủ bán 16,5 tỷ USD trái phiếu ra thị trường nợ toàn cầu.
Trái phiếu Argentina đã tăng trung bình 57% kể từ vụ lùm xùm tháng 8/2014.
Đồng Yên giảm giá
Quỹ gia đình của Soros thu về 1 tỷ USD lợi nhuận kể từ tháng 11/2012 đến tháng 2/2013 do phía này đặt cược rằng đồng yên Nhật sẽ giảm sau cuộc bầu cử của Thủ tướng Shinzo Abe – người tạo áp lực cho ngân hàng Nhật phải bổ sung biện pháp kích thích. Vài tháng sau, vị tỷ phú cảnh báo động thái nới lỏng chính sách tiền tệ có thể khiến đồng yên cắm đầu lao dốc do người dân sẽ chuyển sang nắm giữ ngoại tệ.
Tháng 5/2013, trả lời CNBC Soros cho biết: “Nhật Bản đang hành động khá liều lĩnh sau 25 năm giữ nền kinh tế ổn định. NHTW Nhật Bản có thể không đủ khả năng để ngăn đồng yên lao dốc.”
Ngay sau nhận định của Soros đồng yên tiếp tục giảm mạnh.