tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

'Tỷ phú đô la trắng' vào thị trường Mỹ

  • Cập nhật : 29/01/2018
hai ti phu “do la trang” (chi nhung doanh nhan ti phu trong nganh sua) cua viet nam da chinh thuc buoc chan vao thi truong my.

Hai tỉ phú “đô la trắng” (chỉ những doanh nhân tỉ phú trong ngành sữa) của VIệt Nam đã chính thức bước chân vào thị trường Mỹ.

Không có gì là phi lý khi các quý bà Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các quý ông phương Tây. Cho nên, sẽ có lý khi các “quý bà” quyền lực trong giới kinh doanh có thể đạt được thỏa thuận “hợp đồng hôn nhân bạc tỉ” với các quý ông vạm vỡ thuộc các siêu cường quốc (dù không hề dễ dàng). 

Ông Jaime Brown, Chủ tịch Công ty thực phẩm Delori, vừa tuyên bố sẽ cùng “hôn thê” NutiFood của ông thu về một khoản kha khá sau “hợp đồng hôn nhân” này, dự kiến là 100 triệu USD mỗi năm. Ông Jaime cũng hứa hẹn sẽ giúp “cô dâu” tỏa sáng trên đất Mỹ, tại Walmart hay trên những hệ thống bán lẻ quyền lực bậc nhất. Theo đó, trước mắt, NutiFood ký kết với Công ty Delori (Mỹ) hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sữa bột pha sẵn dành cho trẻ em biếng ăn Pedia Plus sang thị trường Mỹ.

Sau thời gian dài kín tiếng, NutiFood, một trong ba “quý bà” ngọt ngào và danh tiếng của ngành sữa Việt Nam, tiếp tục ghi vào lịch sử ngành này những cuộc chinh phục thị trường nước ngoài. Như vậy, chỉ trong 24 tháng gần nhất, hai tỉ phú “đô la trắng” (chỉ những doanh nhân tỉ phú trong ngành sữa) là kỹ sư Mai Kiều Liên (CEO Vinamilk) và bác sĩ Trần Thị Lệ (CEO NutiFood) đã chính thức bước chân vào thị trường Mỹ.

Vinamilk với doanh thu khoảng 50.000 tỉ đồng, dẫn đầu ngành sữa nước (xấp xỉ 50%), trong khi NutiFood là khoảng 10.000 tỉ đồng, thống trị ngành sữa bột pha sẵn, sữa đặc trị cho trẻ (lần lượt là 37,4% và 39,3%, theo Nielsen). Chiến lược cơ bản của Vinamilk là đa dạng hóa sản phẩm có nguồn gốc từ sữa, tập trung mạnh vào sữa nước (mass market), còn Nutifood tập trung vào thị trường ngách với sữa đặc trị cho trẻ em và người già (niche market).

Nhưng dù ngành sữa Việt Nam đang tăng trưởng tốt với doanh thu toàn ngành 100.000 tỉ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân 15-17%, thì thị trường trong nước vẫn đang là chiếc áo quá chật với những người dẫn đầu.
Bà Mai Kiều Liên từng nói, Vinamilk tăng 1-2% thị phần trong nước đã là giỏi. Trong khi đó, cả Vinamilk lẫn NutiFood đều đang trong giai đoạn tăng trưởng và cuộc chinh phạt thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, nếu thành công sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, cũng như giúp các doanh nghiệp này tăng hạng trên bản đồ sữa thế giới.

Vào thị trường Mỹ có khó không? Câu trả lời là khó, khi bà Liên chia sẻ về thương vụ mua lại toàn bộ nhà máy sữa Driftwood của Mỹ hồi năm 2016 và bắt đầu tiến công thị trường rất lớn này. Trong diễn biến gần nhất, NutiFood cũng đã rất nỗ lực để “chiến thắng” hàng chục điều khoản trong hệ thống kiểm định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA (được xem là chuẩn khó nhất thế giới về thực phẩm dinh dưỡng và thức uống) để có cuộc “hôn nhân” với Công ty Thực phẩm Delori, do ông Jaime Brown sáng lập.

Chưa một kế hoạch nào về tăng trưởng tại Mỹ do Vinamilk công bố, dù rằng công ty này vẫn đang có kế hoạch M&A các nhà máy. Trong khi đó, NutiFood dự kiến xuất khẩu 20 triệu USD trong năm đầu tiên và đạt 100 triệu USD 5 năm sau đó. Đây là một con số hết sức tham vọng đối với một tân binh trên đất nước có tiềm lực về sản xuất sữa.

Dĩ nhiên, cả Vinamilk lẫn NutiFood đều thuộc nằm lòng bài toán kinh doanh 4P quốc tế qua lịch sử chinh chiến của họ tại các thị trường ngoài Mỹ. Vậy cách của họ tư duy tại thị trường Mỹ lúc này có gì mới?

Trước hết, có thể thấy, cả hai tiếp tục sử dụng nhóm sản phẩm chiến lược ở thị trường Mỹ. Trong khi Vinamilk trung thành với dòng sữa nước chuẩn mực organic, thì NutiFood sẽ tung sản phẩm sữa đặc trị (cho trẻ biếng ăn, béo phì, suy dinh dưỡng của người già) tại thị trường này. Ông Jaime Brown cho biết, là người Mỹ và kinh doanh nhiều năm, ông hiểu rằng nhu cầu sữa đặc trị tại thị trường Mỹ đang tăng mạnh và đây là cơ hội cho các nhà sản xuất. Đó là lý do ông chọn NutiFood mà không phải là công ty sữa nào khác ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, kênh phân phối là yếu tố sống còn của các nhà kinh doanh Việt trên đất Mỹ. Việc tìm kiếm hệ thống phân phối sẵn có, hợp với chiến lược sản phẩm, là một lý do đầy thuyết phục và dường như bắt buộc cho các nhà kinh doanh ngoại quốc trên đất nước rộng lớn này. Vinamilk hợp tác với Driftwood và NutiFood bắt tay với Delori.

Có thể thấy, Driftwood là một trong những công ty có tiếng và lớn nhất tại bang California, Mỹ chuyên sản xuất, phân phối các sản phẩm từ sữa, nước hoa quả và đồ ăn nhẹ. Trong khi đó, đối tác của NutiFood là Delori có 30 năm kinh nghiệm trong sản xuất, phân khối, nhập và xuất khẩu các sản phẩm jello, bánh flan, nước giải khát probiotic, sữa đặc trị và sữa chua. Trong các hợp tác với đối tác Mỹ, cả Vinamilk lẫn NutiFood có lẽ không dừng lại ở quốc gia này. Đây chính là bàn đạp để cả hai dễ dàng tiếp tục tiến công vào khu vực lân cận và các quốc gia khó tính trên toàn cầu.

Như vậy, các sản phẩm mang thương hiệu Vinamilk (sữa tươi, sữa đặc có đường và creamer) do Driftwood phân phối có lẽ sẽ bước đầu được ủng hộ bởi các kiều bào. Driftwood cung cấp khoảng trên 1,4 triệu sản phẩm sữa cho các trường học. Driftwood cũng là đối tác cung cấp sữa cho nhiều gia đình, nhà hàng, bệnh viện... vào tất cả các ngày trong tuần.

Trong lúc đó, Delori sẽ phân phối sữa dành cho trẻ biếng ăn Pedia Plus của NutiFood vào 300 siêu thị của bang California. Các công ty thể hiện tham vọng sẽ mở rộng ở các khu vực Bắc, Trung và Nam Mỹ. Dĩ nhiên, đối thủ lớn nhất của Vinamik và NutiFood là các tay chơi đáng gờm đang hoạt động tại các thị trường này.

Dù vậy, ông Jaime Brown, người bản địa có kinh nghiệm lâu năm trên chính thị trường này, nhận định: “Thật ra, Mỹ rộng lớn hơn bạn tưởng, nên bạn chỉ cần tìm cách vào những ngách thị trường quan trọng thì có thể bạn sẽ thành công”.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết, Việt Nam đang có tham vọng lớn trong việc xuất khẩu sữa. Năm 2015, Việt Nam sản xuất 1,9 tỉ lít sữa với kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 triệu USD. Đến năm 2020 sản xuất 2,6 tỉ lít, kim ngạch khoảng 130 triệu USD. Và đến năm 2025, sản xuất 3,4 tỉ lít, kim ngạch khoảng 200 triệu USD. Với tỉ lệ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao này thì việc các công ty trong nước như Vinamilk hay NutiFood tham gia những thị trường lớn sẽ là bàn đạp rất quan trọng, đặc biệt với những nhà tiêu thụ khổng lồ như Mỹ.


Tàng Long
theo nhipcaudautu.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục