Vào năm 2009, tổng tài sản của Tập đoàn Phương Trang ước đạt khoảng 5.500 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của Mai Linh chỉ đạt gần 5.100 tỷ đồng và Vinasun chỉ có tổng tài sản hơn 1.300 tỷ đồng. Điều gì đã giúp Tập đoàn Phương Trang lớn nhanh như thổi chỉ trong khoảng 7 năm hoạt động? Nguồn nhân lực đặc biệt đội xe chất lượng và trạm dừng chân, giá vé ổn định, không "cơm tù"… là những mấu chốt giúp Tập đoàn Phương Trang hái ra tiền trong lĩnh vực vận tải.
Đầu tư bất động sản thời kỳ bong bóng sắp vỡ
Trong vòng 3 năm trở lại đây, chất lượng xe, dịch vụ vận tải hành khách, thái độ nhân viên, chất lượng phục vụ tại các trạm dừng đang xuống cấp là những phàn nàn dễ dàng nghe được về dịch vụ vận tải của Phương Trang. Đồng thời, tuần qua khi Ngân hàng Xây dựng (CB) công bố khởi kiện Phương Trang để thu hồi 3.000 tỷ đồng nợ khó đòi đã khiến người ta dễ dàng hiểu được vì sao xe khách Phương Trang trở nên xuống chất lượng.
Cũng giống nhiều doanh nghiệp lớn nhanh như thổi khác vào giai đoạn nền kinh tế Việt Nam ổn định, thuận lợi, Tập đoàn Phương Trang đã đầu tư mạnh vào bất động sản từ năm 2007 - 2008 mà không thể lường được họ đang đầu tư tài sản ở giai đoạn bong bóng sắp vỡ và lãi suất vay sẽ tăng cao trong giai đạn 2011 - 2012.
Điển hình của thương vụ đầu tư bất động sản thời kỳ bong bóng vỡ được “điểm mặt” là thương vụ khu đất phía Nam cuối đường Phạm Văn Đồng, Đà Nẵng nêu trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, năm 2006, Đà Nẵng chuyển nhượng cho ông Hoàng Hải và bà Trung Thị Lâm Ngọc khu đất trên với giá trị 84 tỷ đồng.
Năm 2008, ông Hải và bà Ngọc không triển khai thực hiện dự án, và chuyển nhượng dự án cho ông Phạm Đăng Quan - người sáng lập ra Tập đoàn Phương Trang với giá 581 tỷ đồng (thu chênh lệch 495 tỷ đồng).
Năm 2009, ông Phạm Đăng Quan lại tiếp tục chuyển nhượng cho CTCP Đầu tư địa ốc ô tô Phương Trang - tiền thân của CTCP Bất động sản Phương Trang (FutaLand), thành viên của Tập đoàn Phương Trang với giá là 585 tỷ đồng.
Hay khu đất A4, A5 (khu dân cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc), năm 2007 được chuyển nhượng cho CTCP Xây dựng thương mại Phú Mỹ để xây dựng chung cư, căn hộ cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn du lịch theo giá đất sản xuất kinh doanh, bằng 0,7 giá đất ở. Đến năm 2010, Xây dựng thương mại Phú Mỹ chuyển nhượng khu đất trên cho Futaland với số tiền là 285,6 tỷ đồng.
“Say men chiến thắng” có thể đẩy doanh nghiệp vào vòng xoáy nợ
Đầu năm 2010, Tập đoàn Phương Trang công bố bất động sản là lĩnh vực then chốt của họ. Futaland khi đó phát triển trên 20 dự án với quỹ đất hơn 300ha gồm các dự án căn hộ cao cấp, khu phức hợp căn hộ - thương mại, căn hộ dịch vụ cao cấp, khách sạn, khu nghỉ dưỡng resort cao cấp, biệt thự biển, khu đô thị mới cao cấp, khu dân cư và chung cư tập trung, và khu công nghiệp. Các dự án của FutaLand rải rộng khắp từ thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết và Quy Nhơn.
Tập đoàn Phương Trang cho biết, ưu điểm nổi trội của các dự án bất động sản FutaLand đều là đất “sạch” nên việc triển khai thực hiện đều không ngoài tầm kiểm soát khi mở rộng đầu tư.
Tuy nhiên đến nay, nhiều dự án không còn là của Futaland và số nợ của Phương Trang và các thành viên tại Ngân hàng CB được cho có thể lên đến 9.500 tỷ đồng.
Giới thạo tin và quan sát cho rằng, “quá nhiều tiền”, “say men chiến thắng” và “quá dễ” để có được dự án bất động sản trong giai đoạn 2007 -2009 đã khiến cho Tập đoàn Phương Trang trượt dài, nhất là khi bong bóng bất động sản vỡ và lãi suất vay tăng nhanh, cao. Chỉ tính riêng khoản nợ vay của Tập đoàn Phương Trang vào cuối năm 2009 là hơn 3.000 tỷ đồng trên báo cáo tài chính đến nay cả lãi và gốc số dư này đã cao hơn rất nhiều bởi lãi suất vay giai đoạn 2010 – 2012 rất cao, trên 20%/năm đó là chưa tính các chi phí đi kèm khác.
Bên cạnh đó, vai trò của các nhà sáng lập như ông Phạm Đăng Quan hay ông Nguyễn Hữu Luận đã giúp cho Phương Trang dễ dàng “có được” các dự án bất động sản.
Thay lời kết, dù cho số nợ của FutaCorp tại Ngân hàng CB là 3.436 tỷ đồng hay một con số cao hơn thì việc các dự án bất động sản phải chuyển nhượng ở trạng thái mua giá đỉnh, “nằm chờ”; sở hữu nhập nhằng và chất lượng vận tải hành khách đi xuống cho thấy “lớn nhanh như thổi”, “quá dễ” để kiếm tiền hay kiếm dự án có thể đẩy doanh nghiệp rơi vào vòng xoáy nợ khi bối cảnh kinh tế thay đổi và quản trị doanh nghiệp không theo kịp sự phát triển.
Ngoài ra, mô hình phát triển thành tập đoàn đa ngành là một hướng đi không sai nhưng việc đầu tư dàn trải, lơ là ngành nghề cốt lõi (vận tải) của mình đã khiến Tập đoàn Phương Trang phải trả giá... Và đây là bức tranh chung của nhiều doanh nghiệp “lắm tiền”, nhiều “quan hệ” trong giai đoạn đó không chỉ có Phương Trang.
HỒNG QUÂN
Theo Bizlive