Nếu Walmart là niềm tự hào của nền kinh tế Mỹ trong lĩnh vực bán lẻ thì nước Đức lại hãnh diện khi có Metro AG - tập đoàn bán buôn, bán lẻ giữ thị phần lớn nhất ở Đức, đứng thứ hai ở châu Âu và thứ tư trên toàn cầu.
Cục thuế nói gì vụ truy thu, phạt Nguyễn Kim hơn 148 tỉ đồng?
- Cập nhật : 10/07/2018
Sau khi có thông tin siêu thị điện máy Nguyễn Kim bị Cục Thuế TP.HCM truy thu, phạt với tổng số tiền hơn 148 tỉ đồng nhiều người đã đặt câu hỏi vì sao Nguyễn Kim bị truy thu số thuế "khủng" như vậy.
Khách hàng mua hàng tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên đường Trần Hưng Đạo, Q.1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Nguyễn Kim có số lượng lao động lớn, trong đó ban vị trí Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc cao cấp 9 người, còn giám đốc trung tâm 36 người...
Thu nhập khủng nhưng chỉ khai "lương cơ bản"
Bảng lương của những cán bộ này thể hiện mức thu nhập hằng tháng của các vị trí lãnh đạo rất cao, nhưng Nguyễn Kim chỉ lấy lương cơ bản làm cơ sở tính thuế thu nhập cá nhân cho người lao động. Số tiền còn lại bao nhiêu, Nguyễn Kim đưa vào tiền tăng ca để lách thuế thu nhập cá nhân.
Chẳng hạn các vị trí lãnh đạo cao nhất có mức lương chức danh 300 triệu đồng/tháng.
Lẽ ra, căn cứ vào biểu thuế lũy từng phần thì số thuế phải nộp hàng tháng lên đến 95,15 triệu đồng, nhưng Công ty này chỉ tính thuế trên phần lương cơ bản là 30 triệu đồng.
Phần chênh lệch 270 triệu đồng/tháng được chuyển sang tiền tăng ca, do vậy số tiền nộp thuế thu nhập cá nhân không đáng là bao.
Tương tự, cấp giám đốc trung tâm mức lương là 45 triệu đồng/tháng. Nguyễn Kim chỉ tính thuế trên lương cơ bản là 12 triệu đồng.
Số tiền chênh lệch sẽ được chuyển thành lương tăng ca (chỉ nộp bằng giờ làm việc bình thường, phần chênh lệch sẽ được miễn thuế).
Các khoản tiền thưởng hàng quý, hàng năm của hàng ngàn nhân viên cũng được Nguyễn Kim chuyển thành lương ngoài giờ để trốn thuế phần chênh lệch.
Qua thanh tra, Siêu thị điện máy Nguyễn Kim đã bị Cục thuế TP.HCM truy thu thuế thu nhập cá nhân với số tiền hơn 104,74 tỉ đồng và xử phạt phạt vi phạm hành chính đối với điện máy Nguyễn Kim hơn 19,41 tỉ đồng và phạt chậm nộp thuế TNCN hơn 24,18 tỉ đồng.
Như vậy, tổng số tiền mà điện máy Nguyễn Kim phải nộp vào ngân sách là hơn 148 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online cuối ngày 9-7, ông Lê Duy Minh, Cục Phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết cơ quan thuế thanh tra siêu thị điện máy Nguyễn Kim trong niên độ khá dài, bắt nguồn từ đơn tố cáo, và cơ quan này tuân theo đúng quy định của Luật khiếu nại và tố cáo.
Chỉ là "kê khai không đúng"
Cục thuế đã cử đoàn xuống thanh tra tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim và phát hiện nhiều khoản thu nhập trả cho người lao động lẽ ra phải "khấu trừ tại nguồn" nhưng đã không được thực hiện.
Do vậy căn cứ vào Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, Cục Thuế TP.HCM đã phải truy thu.
Theo ông Lê Duy Minh, Nguyễn Kim đang có văn bản xin ý kiến Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính, vì thế nếu hai cơ quan này có ý kiến khác thì Cục thuế TP.HCM sẽ xem xét.
Trước mắt cơ quan thuế vẫn ra quyết định xử lý theo đúng quy trình. Theo quy định, 10 ngày sau khi Cục thuế ra quyết định (ngày ra quyết định là ngày 29-6), Nguyễn Kim sẽ phải nộp số tiền này vào ngân sách.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về việc số tiền truy thu thuế rất lớn, lên đến hơn 148 tỉ đồng, vậy liệu có áp dụng hình thức xử phạt nào khác bên cạnh việc truy thu, phạt và tính tiền chậm nộp?
Ông Lê Duy Minh cho biết Nguyễn Kim kê khai không đúng nhưng vẫn thể hiện thu nhập chi trả cho nhân viên trên sổ sách kế toán chứ không có hành vi che giấu, giả mạo hay để ngoài sổ sách.
Do vậy Cục thuế chỉ xử phạt về hành vi lê khai sai chứ không xử lý về tội trốn thuế, vì thế doanh nghiệp này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
A.Hồng
Theo Tuoitre.vn