“Nếu bạn ở trong trường hợp như tôi, không tìm được việc làm hoặc không hài lòng với công việc hiện tại, hãy cân nhắc trở thành một chủ doanh nghiệp”, Dan Scanlo – một giám đốc đến từ Digitalux khuyên.
Có một “phần hồn” bí mật của Samsung tại Việt Nam
- Cập nhật : 02/11/2015
Với vẻ đầy tự tin, pha lẫn chút tự hào, ông Đỗ Đức Dũng – Trưởng phòng quản lý dự án tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung tại Hà Nội (SVMC), khẳng định rằng trình độ của trung tâm này không thua kém bất cứ trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) về phần mềm nào của Samsung trên thế giới.
Trung tâm R&D tại Hà Nội
Lời khẳng định đó chẳng hề nói quá chút nào, bởi hiện tại trung tâm R&D này đang chịu trách nhiệm cung cấp phần mềm cho các sản phẩm điện thoại của Samsung, và cả phần mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng LTE tại khu vực Đông Nam Á, Úc và New Zealand. Tính trên khắp thế giới, Samsung cũng chỉ có 25 trung tâm R&D chuyên thực hiện nghiên cứu về mảng điện thoại như vậy.
“Nhìn trên biểu đồ, toàn bộ thị trường Đông Nam Á, Úc và New Zealand đang chiếm 10% thị phần điện thoại Samsung trên toàn cầu. Tức là toàn bộ phần mềm được SVMC nghiên cứu và phát triển chiếm 10% thị phần phần mềm toàn cầu của Samsung” – ông Dũng cho biết.
Trong suốt 8 năm qua, Samsung đã dần biến VN thành cứ điểm sản xuất đồ điện tử lớn nhất của tập đoàn này trên thế giới, thông qua 3 tổ hợp sản xuất lớn tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM. Tổng số tiền cam kết đầu tư của Samsung tại thị trường này đã lên tới 14,2 tỷ USD, và số lao động tại hai tổ hợp Thái Nguyên và Bắc Ninh là hơn 110.000 người. Hiện tại, cứ 10 chiếc điện thoại Samsung được sản xuất trên thế giới thì có ít nhất 3 cái được sản xuất tại VN.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng sự mở rộng đầu tư của Samsung chỉ nhằm tận dụng những ưu đãi về thuế và chi phí nhân công rẻ, và hầu như không có giá trị gia tăng được tạo ra cho các sản phẩm của Samsung tại VN. Tuy nhiên, lại không có nhiều người biết về sự tồn tại và quy mô của SVMC nằm ngay tại Hà Nội. Nếu như coi việc sản xuất ra chiếc điện thoại tại hai nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh là tạo ra phần xác, thì hoạt động của SVMC là hoạt động tạo ra phần hồn của chiếc điện thoại.
Và “trình” quốc tế của người Việt
Sở dĩ, có ít thông tin về SVMC được công bố từ trước tới nay, là bởi vì hoạt động của trung tâm này luôn được bảo mật. Các khoản đầu tư ban đầu, cũng như chi phí cho hoạt động R&D cũng được cho Samsung cho là thông tin mật. Bởi một lẽ đơn giản, các ý tưởng về phần mềm rất dễ bị đánh cắp nếu lộ ra ngoài, theo như chia sẻ của ông Dũng. Chính vì thế, bất cứ nhân viên nào làm việc trong trung tâm khi đi ra khỏi cửa đều phải qua máy kiểm tra nghiêm ngặt như ở sân bay.
Tuy nhiên, những thông tin sơ bộ về SVMC cho thấy đầu tư vào R&D của Samsung tại VN cũng đang tỷ lệ thuận với đầu tư sản xuất, một hoạt động mà tất cả các quốc gia khi thu hút FDI đều muốn nhận nhằm đạt được mục đích chuyển giao công nghệ.
Dù mới được đưa vào hoạt động từ tháng 9 năm 2012, trung tâm R&D của Samsung Việt Nam đã có hơn 1.500 nhân viên, phần lớn là chuyên gia và kỹ sư làm việc. Với số lượng nhân viên lớn như vậy, SVMC đã phải thuê tới 8 tầng trong tổng số 24 tầng thuộc tòa nhà PVI Holdings.
Theo kế hoạch của Samsung, số lượng nhân viên làm việc tại trung tâm này sẽ tăng đạt con số 2.600 vào năm 2018. Đó là còn chưa kể tới 2.000 kỹ sư và kỹ thuật viên hiện đang tham gia vào các hoạt động R&D tại hai tổ hợp sản xuất của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh. Như vậy, nếu tính đến năm 2018 số nhân viên tham gia vào hoạt động R&D của Samsung tại VN ít nhất sẽ là 2.800 người.
Báo cáo tóm tắt của SVMC cho biết ngay từ năm đầu hoạt động trung tâm này đã hoàn tất 10 dự án phần mềm phục vụ cho thị trường Đông Nam Á. Đến năm 2015, dự kiến sẽ có 180 dự án phần mềm được hoàn tất. Điều đặc biệt là tất cả các phần mềm đó đều do nhân viên người Việt đảm nhận, vì trong tổng số 1.500 nhân viên hiện tại ở SVMC, chỉ có 5 người là người nước ngoài.
“Chúng tôi đủ trình độ để làm việc ở bất cứ trung tâm R&D chuyên nghiên cứu về phần mềm nào của Samsung. Thực tế thì có nhiều bạn vẫn ra các trung tâm khác làm viêc theo từng dự án” – ông Dũng cho biết.
Theo ông Dũng, mục tiêu của SVMC thời gian tới sẽ là mở rộng thị trường và tham gia sâu rộng hơn vào các dự án của Samsung trên toàn cầu. Điều đó cũng lý giải tại sao SVMC cần tuyển thêm hàng nghìn nhân viên nữa cho hoạt động R&D trong những năm tới.
Tuy nhiên để đạt được như vậy không phải là chuyện dễ dàng. Chất lượng nguồn nhân lực luôn là rào cản với các nhà đầu tư nước ngoài tại VN, với Samsung cũng vậy. Hầu hết nhân sự đang làm việc tại SVMC đều được tuyển từ 3 trường đại học tại Hà Nội, gồm Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Hà Nội và Học viện Bưu chính Viễn thông. Ông Dũng chia sẻ phải mất ít nhất 6 tháng đào tạo một nhân viên mới được tuyển vào mới có thể làm việc được tại SVMC. Nhưng đó cũng có thể coi là sự chuyển giao công nghệ cho người Việt.
Theo vinanet