Biên lợi nhuận của các cửa hàng bán lẻ khi bán các sản phẩm của Trung Quốc lên tới 40%, trong khi các sản phẩm của Điện Quang chỉ 10%. Một cuộc chiến khốc liệt.
Chiếc điện thoại Samsung 'Made in Vietnam': DN Việt chỉ làm nổi vỏ hộp và dây nối, toàn bộ 5 bộ phận cốt lõi đều do FDI làm
- Cập nhật : 16/11/2017
Có một điều khó có thể chối bỏ trong thực trạng ở Việt Nam hiện tại là sự hiện diện của những ông lớn FDI như Samsung, Formosa... đã và đang mang đến nguồn sức mạnh đáng kể cho nền kinh tế.
Năm nay, trên con đường đầy thử thách để cán đích 6,7%, kinh tế Việt Nam đã trải qua 2 quý gần đây tăng trưởng đầy thần kỳ, với mức 7,46% của quý III cao nhất sau nhiều năm. Tại buổi công bố số liệu thống kê quý này, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê gián tiếp thừa nhận: ‘GDP tăng kỷ lục nhờ vào những chiếc Galaxy Note 8 và hoạt động mở rộng sản xuất của Samsung tại Việt Nam’
Mỗi sản phẩm tinh hoa được các doanh nghiệp FDI làm ra và xuất sang nước ngoài sẽ đều đóng góp một con số dương không nhỏ vào GDP nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là trong những chiếc điện thoại Samsung ‘Made in Vietnam’ (Sản xuất tại Việt Nam) kia, có bao nhiêu % thực sự là đóng góp của người Việt?
Khi câu hỏi này được nhắc đến thì truyền thuyết 'doanh nghiệp Việt không làm nổi chiếc ốc vít' bổng trở lại. Trong một chương gần đây của VTV mang tên "10 năm WTO viết tiếp con đường hội nhập", một chuyến khám phá đến các nhà máy Samsung tại Việt Nam để tiết lộ rằng doanh nghiệp Việt chỉ đóng góp được vỏ hộp điện thoại, dây nối và 20% cánh tay robot làm công việc đơn giản trong một dây chuyền sản xuất điện thoại Samsung.
Đầu tiên là vỏ hộp điện thoại. Mỗi vỏ hộp có giá 2 USD, khi so với giá cả toàn bộ chiếc điện thoại là 1.000 USD thì vỏ hộp chiếm 0,2% giá trị. Hiện tại cũng chỉ có đúng 2 doanh nghiệp Việt có cơ hội cung cấp vỏ hộp cho điện thoại Samsung làm ra ngay trên đất Việt Nam. Thế nhưng, họ lại phải cạnh tranh với 6 nhà cung cấp có vốn nước ngoài khác. Với mức 0,2% giá trị trên mỗi chiếc điện thoại, tính ra giá trị doanh nghiệp Việt đóng góp chỉ là con số ít ỏi 0,04%.
Tuy nhiên, dù chỉ tỷ lệ nhỏ này những để chen chân vào, doanh nghiệp đã phải đầu tư 1.400 tỷ đồng cho một dây chuyền chỉ chuyên sản xuất vỏ hộp điện thoại dành riêng cho Samsung. Đó là chưa kể áp lực có thể bị 'hất cẳng' bất cứ lúc nào.
Ông Phạm Cao Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần in và bao bì Goldsun chia sẻ về cuộc chiến đầy áp lực của doanh nghiệp mình, dù sản phẩm làm ra mới chỉ là một phần quá nhỏ của chiếc điện thoại nghìn USD: "Có những lúc tôi đã phải đứng ở dưới nhà máy liên tục trong 15 ngày để tham gia sản xuất 24/24. Nếu chúng ta không đứng trong các nhà cung cấp cấp 1 thì sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc chơi rất nhanh chóng và có người thế chân ngay".
Bộ phận thứ hai có doanh nghiệp Việt tham gia là cánh tay robot thực hiện hai động tác đơn giản là gắp và thả màn hình.
Thế nhưng, một chủ doanh nghiệp làm ra chính những cánh tay robot nói trên là bà Phạm Thị Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần chế tạo máy Autotech Việt Nam, cũng phải thừa nhận rằng: 'tính chất Việt Nam' của những chiếc máy này chiếm khoảng 20%, còn lại 80% linh kiện là nhập khẩu từ nước ngoài. Như vậy, ''robot Việt' nhưng chưa hẳn đã thuần Việt.
Tổng quát, với tất cả 5 bộ phận cốt lõi nhất của một chiếc điện thoại Samsung bao gồm: CPU, chip, màn hình, camera và pin thì 100% đều được nhập khẩu và sản xuất bởi các doanh nghiệp FDI là công ty thành viên của Samsung.
Do đó, điện thoại Samsung tuy ‘Made in Vietnam’ nhưng người Việt hiện chỉ đóng góp rất nhỏ, linh kiện Việt mới ở vỏ hộp và dây nối. Ở Việt Nam lúc này, chỉ có 27 doanh nghiệp Việt cấp 1 tham gia chuỗi cung ứng sản xuất điện thoại cho Samsung, còn lại là 80 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài FDI.
Trả lời phỏng vấn, ông Hyun Woo Bang, Phó Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho rằng phải cần tới khoảng thời gian 1 thập kỷ hoặc nhiều hơn thế để các doanh nghiệp Việt có thể tiến sâu hơn vào chuỗi sản xuất của Samsung trên chính đất Việt Nam.
“Các doanh nghiệp Việt mới chỉ cung ứng một số linh kiện đơn giản như bao bì, in ấn và dây nối. Để tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của chúng tôi, doanh nghiệp Việt cần tăng quy mô và đầu tư công nghệ hiện đại hơn. Để làm được điều này không thể ngày một ngày hai mà phải là 10 năm hoặc lâu hơn nữa” - Vị này nói.
Điều đáng nói, điện thoại và linh kiện chính là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam ở vào thời điểm này.
Điện thoại và linh kiện luôn là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu (Đơn vị: Tỷ USD)
Có thể thấy ở biểu đồ trên thể hiện 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong vòng 5 tháng gần đây, xuất khẩu điện thoại đều xếp hàng đầu. Những chiếc điện thoại đó, có thể nói bao gồm phần lớn là những chiếc Samsung 'Made in Vietnam' - được làm ra tại Việt Nam nhưng 'tính chất Việt Nam' lại không hề nhiều.
Theo Nhất Hạnh - Trí Thức Trẻ