Người Thái dù có nắm được Big C, Family Mart, Metro, và Nguyễn Kim, và dù những doanh nghiệp, những siêu thị này có quy mô lớn, nhưng chúng không phải là tất cả trong nền kinh tế Việt Nam.
CEO Lazada Việt Nam: Chúng tôi chưa cạn vốn và sẽ không rời khỏi thị trường
- Cập nhật : 13/02/2016
(Tin kinh te)
Ông Alexandre Dardy – CEO Lazada Việt Nam nói về nghi án sắp hết vốn mà dư luận đang râm ran những ngày gần đây và nhận định của ông khi thị trường thương mại điện tử (TMĐT) xuất hiện các đối thủ nặng kí như Adayroi, Tiki.
Hiện nay có thông tin là Lazada Group đang cạn vốn và có thể rút khỏi thị trường Việt Nam, ông có chia sẻ gì về điều này?
Thông tin này là không chính xác và tôi khẳng định Lazada sẽ tiếp tục phát triển tại thị trường Việt Nam. Bằng chứng là năm 2015 vừa qua, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của Lazada Việt Nam tăng 3,3 lần so với năm trước. Số lượng nhà bán hàng đạt đến gần 6.000, cung cấp 400.000 sản phẩm thuộc 13 ngành hàng khác nhau, mua sắm trên điện thoại chiếm gần 60% trên tổng giao dịch của Lazada.
Những kết quả đạt được năm vừa qua cho thấy người tiêu dùng trực tuyến đã hài lòng hơn với những dịch vụ và cải tiến mà Lazada mang lại, bao gồm việc rút ngắn thời gian giao hàng, đổi trả sản phẩm và giảm thiểu chi phí vận chuyển.
Năm 2015 là một năm đầy thách thức của thị trường TMĐT Việt Nam, khi hàng loạt các trang TMĐT đã phải đóng cửa. Lazada có bị ảnh hưởng bởi điều này?
Đúng là thương mại điện tử Việt Nam là một thị trường mang nhiều thách thức. Tất cả những khó khăn về giao nhận, vận hành, thanh toán đều đang là bài toán chung mà nhiều trang thương mại điện tử hiện nay phải đối mặt.
Mặc dù vậy, năm 2016 chúng tôi đều có đường hướng phát triển và đẩy mạnh các lĩnh vực quan trọng:
Về marketing, trong năm tới, Lazada sẽ vẫn ưu tiên phát triển xu hướng thương mại di động song song với việc chú trọng xây dựng hình ảnh thương hiệu. Ngoài ra, các hoạt động marketing trong năm nay sẽ hướng nhiều hơn đến ngành hàng thời trang và mặt hàng phục vụ đời sống.
Về thương mại, chúng tôi chú trọng vào 3 mục tiêu chính gồm: Mở rộng thị trường theo mô hình tự động hóa, mang đến các giải pháp tự chủ cho đối tác, tăng cường hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước và, đầu tư hơn về chiều sâu chất lượng của sản phẩm.
Lazada sẽ có những biện pháp kiểm soát hàng hóa chặt chẽ, như chính sách “không khoan nhượng” được thực hiện vào cuối năm 2015, nhằm xây dựng và củng cố hơn nữa niềm tin của khách hàng vào mua sắm trực tuyến.
Về vận hành, trong năm 2016 Lazada sẽ mở thêm một nhà kho tại Đà Nẵng để phục vụ nhu cầu của khách hàng ở miền Trung.
Chưa thấy trong kế hoạch của Lazada nói về yếu tố lợi nhuận. Lazada vẫn đang thực hiện chiến lược “chịu lỗ để thâu tóm thị trường” trong năm 2016 này?
Tôi không cho rằng đây là khoản lỗ mà là chi phí đầu tư ban đầu của bất kì doanh nghiệp nào khi tham gia thị trường mới phải bỏ ra.
Nó cũng giống như khi bạn mở một nhà hàng hay quán cà phê thì không thể thu lời ngay từ đầu mà phải chấp nhận lỗ những tháng đầu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không dự định kéo dài chu kì này và đang có sự tính toán cắt giảm các chi phí về mức thấp nhất.
Nghĩa là Lazada vẫn tin tưởng vào tiềm năng của thị trường TMĐT?
Chúng tôi tin rằng thị trường TMĐT sẽ còn phát triển ít nhất gấp 3-4 lần so với hiện nay. Việt Nam là một nền kinh tế có nhiều tiềm năng và triển vọng, do đó tôi tin rằng không gì có thể kiềm hãm sự tăng trưởng đó trong thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, sự đi lên của thương mại điện tử cũng tạo nên nhiều cơ hội cho hệ thống thanh toán cũng như dịch vụ giao nhận, góp phần hoàn thiện hệ thống sinh thái TMĐT trong thời gian tới.
Mới đây, có thông tin Tiki nhận được góp vốn tới 18 triệu USD, ông có lo ngại trước sự phát triển lớn mạnh của các trang TMĐT Việt Nam?
Tôi không có lý do để lo ngại khi các website bán hàng trực tuyến khác như Adayroi và Tiki xuất hiện, họ chính là động lực cho thị trường phát triển.
(Theo Người Đồng Hành)