Trong quý 3/2015, ngành hàng đồ uống vẫn đóng góp lớn nhất vào sự tăng trưởng của toàn ngành (38%) và đạt mức tăng trưởng 9,9%, chủ yếu nhờ tăng sản lượng (+7,3%)
10 thương hiệu biểu tượng Mỹ đã bị các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu
- Cập nhật : 14/05/2017
Ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc sở hữu một phần hoặc toàn bộ các thương hiệu lớn có ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân Mỹ.
Việc các tập đoàn Trung Quốc mua cổ phần tại các công ty và bất động sản của Mỹ dường như không còn là điều mới lạ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên khi HNA Group của Đại lục đang đàm phán để mua cổ phần chi phối nhà xuất bản tạp chí danh tiếng Forbes. Ý tưởng về kịch bản một trong những tổ chức tin tức lớn của Mỹ do công ty Trung Quốc điều phối đã khiến nhiều người phải giật mình cảnh giác. Song hiện vẫn còn nhiều thương hiệu mang tính biểu tượng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã về tay đất nước châu Á này, theo CNBC.
Sở Giao dịch chứng khoán Chicago
Mặc dù thỏa thuận trao đổi vẫn đang được giải quyết, nhưng nó đã vượt qua những rào cản đáng kể vào cuối tháng 12.2016 và nhận được tín hiệu “đèn xanh” từ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ. Tập đoàn Chongqing Casin Enterprise Group của Trung Quốc nói rằng họ “không có mối quan ngại về an ninh quốc gia nào chưa được giải quyết” trong thỏa thuận, ngoại trừ một số lo ngại không đáng kể được nêu ra trong Quốc hội Mỹ. Tập đoàn này cũng cho biết họ muốn sử dụng hệ thống trao đổi để tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Đại lục trong việc tiếp cận thị trường Mỹ. Giá trị trao đổi giữa hai bên không được công khai, nhưng theo Bloomberg con số sẽ dưới 100 triệu USD.
AMC
Chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất của Mỹ đã được tập đoàn Dailian Wanda Group mua vào năm 2012 với giá 2,6 tỉ USD. Không chỉ vậy, tỉ phú Vương Kiện Lâm, người điều hành tập đoàn trên, vốn có sở thích đặc biệt dành cho Hollywood nên đã cố gắng mua cả cổ phần chi phối trong hãng phim nổi tiếng Paramount Pictures vào năm ngoái, nhưng đã bị công ty mẹ Viacom của hãng phim này từ chối.
Motorola Mobility
Motorola là nhà tiên phong trong lĩnh vực viễn thông bắt đầu từ năm 1928. Khi các thiệt bị di động bắt đầu chiếm ưu thế trên thị trường, Motorola đã chuyển sang tập trung vào lĩnh vực này và hoạt động với tên gọi Motorola Mobility. Vào năm 2012, Google đã mua lại Motorola Mobility. Hai năm sau đó, “người khổng lồ” công nghệ công bố bán lại Motorola Mobility cho Lenovo với giá 2,9 tỉ USD, giúp thương hiệu của Trung Quốc trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới.
Smithfield Foods
Hợp đồng trị giá 7,1 tỉ USD để các công ty Trung Quốc có được Smithfiled Foods đã hoàn thành vào năm 2013. Thương vụ mua lại biểu tượng nổi tiếng của ngành công nghiệp thực phẩm Mỹ đã gây ra nhiều tranh cãi và quan tâm của dư luận vào thời điểm đó, nhưng tính đến nay Smithfiled Foods vẫn cho thấy sự phát triển, đồng thời đạt được kỷ lục doanh thu trong năm 2014.
Legendary Entertaiment Group
Sau khi mua AMC, Dailian Wanda Group lại tiếp tục một hợp đồng trị giá 3,5 tỉ USD mua lại hãng phim Legendary
và được đồng phụ trách tài chính cho các bộ phim nổi tiếng của Mỹ bao gồm Jurassic World, Warcraft và Pacific Rim. Ban đầu, tập đoàn Trung Quốc này lên kế hoạch sáp nhập Legendary, tuy nhiên sau đó lại quyết định để Legendary vận hành độc lập trong một thời gian cho đến khi thấy được lợi nhuận ổn định.
General Electric Appliances
Bếp, tủ lạnh, máy giặt và máy sấy General Electric của Mỹ đã có mặt từ hơn 100 năm nay, nhưng bắt đầu từ năm ngoái thương hiệu biểu tượng này đã thuộc quyền sở hữu của một công ty Trung Quốc. Hợp đồng trị giá 5,4 tỉ USD của Qingdao Haier được cho là thương vụ mua lại có giá trị lớn nhất của Đại lục trong việc kinh doanh điện tử ở nước ngoài. Hiện General Electric vẫn có trụ sở tại Louisville, Kentucky (Mỹ) và hoạt động như một đơn vị độc lập.
The Waldorf Astoria
Anabang Insurance Group đã không được biết đến cho đến khi hãng bảo hiểm Trung Quốc trả gần 2 tỉ USD để mua lại The Waldorf Astoria, khách sạn nổi tiếng tại Manhattan (Mỹ) vào năm 2014. Kể từ đó, Anabang đã trở thành cái tên phổ biến đối với các nhà đầu tư. Song mặc dù có hồ sơ được đánh giá cao, nhưng hãng này vẫn được xem là một trong những bí ẩn của Đại lục.
Strategic Hotels & Resorts
Quan tâm đến lĩnh vực khách sạn của Anabang không chỉ giới hạn ở The Waldorf Astoria, năm ngoái hãng này đã chi 3,93 tỉ USD để mua Strategic Hotels & Resorts từ Blackstone Group. Thỏa thuận này đã giúp Anabang có quyền phụ trách 16 bất động sản gồm các chi nhánh khác nhau ở nhiều bang của Mỹ.
Riot Games
League of Legends của Riot Games, thương hiệu trị giá hàng tỉ USD của Mỹ, là một trong những cái tên lớn nhất trong thế giới trò chơi điện tử và chịu trách nhiệm một phần cho sự bùng nổ eSports trong tám năm qua. Tuy nhiên, vào năm 2011 Tencent của Trung Quốc đã mua phần lớn cổ phần của Riot với giá 400 triệu USD, và năm 2015 đã mua phần còn lại với một khoản không được tiết lộ.
Ingram Micro
Ingram Micro có thể còn khá lạ lẫm với người tiêu dùng, nhưng thực tế công ty này chịu trách nhiệm phân phối mọi thứ từ iPhone của Apple đến các thiết bị mạng của Cisco. Vào tháng 12.2016, sau khi mọi thỏa thuận được hoàn tất, Ingram Micro đã thuộc về tập đoàn HNA Group, đơn vị đang đàm phán để mua cổ phần của tạp chí Forbes, với giá 6 tỉ USD.
Phương Anh
Theo Thanhnien.vn