Khởi đầu bằng 10m2 ao nuôi với 20 con ba ba giống, sau hơn 10 năm gắn bó cùng sự tính toán đầu tư hợp lý, anh Hà Tiến Hùng (tổ 28, phường Yên Ninh, Yên Bái) đã sở hữu ao ba ba trị giá cả tỷ đồng và mỗi năm lãi 500 triệu đồng.
Trồng quất “tạo dáng” kiếm tiền triệu xài Tết
- Cập nhật : 27/12/2015
(Khoi nghiep)
Hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng làng hoa, cây kiểng Chợ Lách (Bến Tre) đã tất bật “tạo dáng” cho tắc (quất) để phục vụ thị trường. Từ những cây quất bình thường, các nghệ nhân tạo thành hình con thú, cây thông… rất độc đáo kiếm tiền triệu trong dịp Tết.
Ông Đặng Văn Tư, ngụ xã Hưng Khánh Trung B (Chợ Lách, Bến Tre) trồng 700 chậu quất chuẩn bị bán Tết. Trong đó, ông đang chăm chút tạo dáng 20 chậu thành hình con rồng rất độc đáo.
Ông Tư cho biết: “Để có cây quất bán Tết thì phải chuẩn bị từ đầu năm, sau khi chăm sóc đến tháng 6 (âm lịch) sẽ xử lý cho ra hoa, kết quả làm sao cho quả vừa chín vàng ngay dịp Tết mới đẹp”.
Những ngày này, ông Tư thuê nhân công tạo dáng thành hình con rồng dự kiến tung ra thị trường ngay Tết Nguyên đán Bính Thân với giá khoảng 1,5 triệu đồng/chậu.
Theo ông Tư, hiện tại ông chỉ mới xử lý phần thân đến khi gần Tết sẽ làm xong phần đuôi, đầu để có được hình con rồng uốn éo và lộ quả ra bên ngoài. Trước đây, người dân chỉ trồng quất bình thường để bán Tết nhưng mấy năm gần đây các nghệ nhân ở làng nghề sáng tạo ra nhiều hình dáng độc, lạ phục vụ người tiêu dùng.
Một số hộ dân còn làm hình con thú, cây thông, búp sen theo yêu cầu của khách hàng. Ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Vĩnh Thành (Chợ Lách, Bến Tre) trồng hơn 1.000 chậu quất và đang tạo dáng hơn chục chậu hình cây thông, còn lại là những cây quất đang ra quả được chăm sóc cẩn thận chuẩn bị bán Tết.
Ông Hùng cho biết: “Thông thường gần Tết sẽ làm theo nhu cầu của khách hàng, nghệ nhân sẽ ghép những chậu quất đang ra quả lại với nhau để có hình theo ý muốn như: cây thông, tháp, búp sen, con vật…”. Bình thường giá mỗi chậu quất khoảng vài chục ngàn mỗi chậu nhưng khi ghép nhiều chậu lại với nhau thành hình dáng độc đáo giá trị có thể lên đến tiền triệu.
Vùng đất Chợ Lách được xem là “vương quốc” hoa, cây kiểng khi mỗi năm sản xuất hàng triệu sản phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh Nam Bộ.
Ông Lê Văn Đơn, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Toàn huyện có khoảng 250 ha với 5.000 hộ sản xuất hoa, cây kiểng như: kiểng hình thú, mai vàng, bonsai, hoa kiểng… Trung bình mỗi năm sản xuất ra khoảng 10 triệu sản phẩm, trong đó khoảng 70% phục vụ thị trường Tết Nguyên đán”.