Rời vị trí quản lý tại một công ty Nhật Bản, Nguyễn Thị Cẩm Loan tìm hướng đi riêng cho mình với túi vải không dệt.
Triệu phú 8x làm giàu từ lan rừng
- Cập nhật : 05/11/2015
(Doanh nhan)
Dù mới 27 tuổi, nhưng chàng thanh niên Phạm Trường Sơn đã sở hữu vườn lan rừng khoảng 700m2 cho thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.
Từ trung tâm xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, men theo con đường trải dài chừng 5km lởm chởm đá để vào thôn Tân Bình 1 (xã Lộc Thanh). Khi vào tới cổng văn hóa thôn, trước mắt chúng tôi là một vườn lan rừng xanh ngút, đó là vườn lan của “triệu phú 8x” Phạm Trường Sơn (27 tuổi, xã Lộc Thanh, TP Bảo Lộc).
Vốn “yêu” cây lan rừng từ nhỏ nên học hết lớp 12, Sơn không tiếp tục theo đuổi con chữ mà anh quyết định tìm đến cây lan rừng để tạo sự nghiệp riêng cho bản thân.
Sơn tâm sự: “Ai cũng có một niềm đam mê riêng và niềm đam mê ấy sẽ đưa ta tới thành công nếu ta quyết tâm đeo đuổi đến cùng. Từ lúc học cấp 2, tôi đã yêu thích loài hoa được mệnh danh là “nữ hoàng sắc đẹp” (hoa phong lan hay còn gọi là lan rừng). Qua nhiều năm mày mò, tìm kiếm, sưu tầm rồi nhân giống và giờ đây những giò lan trong vườn của tôi đã đơm chồi, nở hoa”.
Thông qua việc nắm bắt thị hiếu của người dân, Sơn nhận thấy nhu cầu chơi hoa phong lan ngày một nhiều và anh quyết định thuyết phục gia đình giúp vốn để mình khởi nghiệp bằng nghề trồng lan rừng.
Ông Phạm Ngọc Điều, bố của Sơn chia sẻ: “Thấy con mình không ăn, không ngủ mà dồn hết tâm trí vào mấy bụi lan rừng đưa ở đâu về làm tôi vô cùng lo lắng. Nhưng rồi, khi nghe dự định mở vườn trồng lan của con, vợ chồng tôi mới hiểu ra ý tưởng của con và ủng hộ hết mình. Ngoài ra tôi cũng góm góp hết vốn liếng của gia đình để giúp con phát triển vườn lan”.
Để có được các giống lan rừng đẹp và quý hiếm như hiện tại, Sơn đã bỏ công nhiều năm liền đi tới nhiều vườn trồng lan có tiếng khắp các vùng trong và ngoài tỉnh để sưu tầm rồi mua về nhân giống.
Trong khoảng thời gian 6 năm liền, Sơn đã sưu tầm được nhiều giống lan rừng quý là các giống như lan Long tu, lan Kim điệp và lan Giả hạc Di Linh, Đen rô… Sơn còn tự mình làm giàn, nhà lưới, lắp đặt cả hệ thống tưới nhỏ giọt tự động để bắt đầu cho công việc “nuôi” và kinh doanh lan rừng.
Theo Phạm Trường Sơn, khí hậu ôn hòa tại vùng Bảo Lộc (Lâm Đồng), rất thích hợp để lan rừng sinh trưởng và phát triển. Nhờ vậy, bên cạnh các giống lan rừng, thì Sơn còn trồng thêm giống lan Úc (lan Hoàng phi hạc) để làm đa dạng vườn lan và tăng thêm nguồn thu nhập.
Chỉ sau 2 năm nhân giống, với lòng quyết tâm không mệt mỏi, đến nay Sơn đã có một vườn lan rộng khoảng 500m2; trong đó, có khoảng 2/3 diện tích sẽ được xuất bán vào dịp Tết cuối năm nay.
Nói về công việc trồng lan của mình, Sơn bộc bạch: Trừ mọi chi phí, mỗi năm vườn lan này mang lại cho Sơn nguồn thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng. Theo dự định, trong thời gian tới anh sẽ mở rộng vườn lan của mình lên 1500m2.
Nói về đầu ra sản phẩm, theo Sơn thì thú chơi cây kiểng hiện nay thì lan rừng vẫn là số 1. Vì thế tôi không phải tìm mối để bán mà tự khách hàng tìm đến vườn để đặt mua. Hiện nay, trong vườn Sơn có nhiều dò lan quý có giá từ 10 – 15 triệu đồng. Khách hàng không chỉ tìm đến mua lan mà thường ngày họ còn tìm đến để học hỏi cả kinh nghiệm trồng lan.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, Phạm Trường Sơn còn là một thanh niên năng động, nhiệt tình làm tốt công tác tập hợp, phát huy sức mạnh đoàn kết trong thanh niên nông thôn. Mô hình trồng lan rừng của anh cũng đang được Ban chấp hành Đoàn xã Lộc Thanh xem xét, nhân rộng cho các đoàn viên, thanh niên tại địa phương để họ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, năm 2012, Phạm Trường Sơn vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Cuối năm 2014, Sơn được nhận giải thưởng Lương Định Của.