10 tháng đầu năm, Việt Nam nhập hơn 795.000 tấn điều thô, đạt 99,4% kế hoạch năm.
Việt Nam - EAEU: Kỳ vọng 12 tỉ USD
- Cập nhật : 28/11/2015
(Kinh te)
Với việc đưa gần 90% dòng thuế về 0%, Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu sẽ giúp kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên tăng mạnh
50 doanh nghiệp (DN) thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) và 70 DN Việt Nam đã tham gia Diễn đàn DN Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu tổ chức tại Hà Nội ngày 25-11 để hiểu rõ hơn những lợi ích sau khi hai bên chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hồi tháng 5 vừa qua, đồng thời tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng gấp ba
FTA giữa Việt Nam và EAEU (gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan) có phạm vi toàn diện. Việc gần 90% dòng thuế của hai bên được cắt giảm về 0% (tương đương 90% kim ngạch thương mại song phương hiện nay) ngay sau khi hiệp định có hiệu lực (đầu năm 2016) và một loạt biện pháp dỡ bỏ các rào cản thương mại, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên được kỳ vọng đạt 10-12 tỉ USD vào năm 2020, gần gấp 3 lần so với năm 2014. Ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU sẽ tăng khoảng 18%-20%/năm.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết theo nội dung của hiệp định, hai bên sẽ tiến tới hình thành hệ thống điện tử chung để xác minh nguồn gốc xuất xứ; thủ tục hải quan khi nhập khẩu không quá 48 giờ, trao đổi thông tin hiệu quả khi làm thủ tục hải quan; phấn đấu mức chung về bảo hộ đối với các nước thành viên; có những điều khoản quy định cấp chứng từ điện tử để thực hiện thương mại điện tử, cho phép thừa nhận chữ ký điện tử của DN hai bên, quy định tiêu chí bảo đảm công khai minh bạch trong mua sắm chính phủ…
Thủy sản là ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam sẽ được hưởng lợi ngay sau khi FTA giữa Việt Nam và EAEU có hiệu lực Ảnh: Ngọc Trinh
Phân tích thêm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) Dương Hoàng Minh khẳng định với việc giảm thuế đồng thời cam kết trong các lĩnh vực khác như phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, lĩnh vực hải quan, thuận lợi hóa thương mại, dỡ bỏ các hàng rào kỹ thuật trong thương mại, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)… sau khi hiệp định có hiệu lực, DN Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều từ việc cắt giảm thuế quan, đặc biệt với những ngành Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, dệt may, giày dép, các sản phẩm đồ gỗ…
Về đầu tư, các DN EAEU có thể tăng cường hợp tác đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, chế tạo máy, sản xuất phân bón. DN Việt Nam có thể phối hợp với DN EAEU đầu tư vào các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh và EAEU có nhu cầu ở một số ngành: may mặc, giày dép, chế biến thủy hải sản, sữa…
Rào cản an toàn vệ sinh thực phẩm
Ông Minh lưu ý thời gian qua, vấn đề ATVSTP cản trở rất nhiều đến việc xuất khẩu nông thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Nga nói riêng và các nước EAEU nói chung. Đây là thị trường có yêu cầu cao về ATVSTP. Một sản phẩm muốn xuất khẩu sang EAEU phải đáp ứng tất cả quy định từ khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu.
Hệ thống quản lý nhà nước của quốc gia muốn xuất khẩu nông thủy sản sang EAEU cũng phải đáp ứng yêu cầu để được xác nhận là DN đủ điều kiện xuất khẩu hàng sang liên minh này. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống quản lý nhà nước của Việt Nam về ATVSTP chưa đáp ứng được yêu cầu nên phía EAEU vẫn tiến hành kiểm nghiệm trực tiếp sản phẩm nhập khẩu.
“Hiện có trên 500 DN Việt Nam được xuất khẩu nông thủy sản sang Liên minh châu Âu nhưng mới chỉ có hơn 20 DN xuất khẩu sang EAEU. Do đó, thời gian tới các DN phải nghiên cứu kỹ những quy định của EAEU đối với việc quản lý ATVSTP hàng nhập khẩu, khi đó lượng hàng xuất khẩu sẽ tăng lên nhiều” - ông Minh khẳng định.
Ông Minh cũng cho biết yêu cầu đối với quy tắc xuất xứ của EAEU rất chặt chẽ. DN Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các quy tắc xuất xứ này để thực hiện cho đúng mới được hưởng ưu đãi về thuế quan. Về thanh toán, các DN Nga thường dùng hình thức thanh toán một phần (khoảng 30%) trước và thanh toán 70% còn lại sau khi nhận hàng nên cũng gây ra tâm lý quan ngại với DN Việt Nam.
Thủy sản, dệt may, giày dép hưởng lợi
Theo cam kết, đối với các mặt hàng thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang EAEU, 95% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình 10 năm, trong đó 71% số dòng thuế sẽ được giảm về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Với các sản phẩm dệt may, 95% số dòng thuế được giảm và xóa bỏ thuế nhập khẩu, trong đó 42% số dòng thuế sẽ được giảm về 0% theo lộ trình 10 năm. Với các sản phẩm giày dép, 77% số dòng thuế sẽ được cắt giảm và xóa bỏ thuế nhập khẩu, trong đó 73% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ theo lộ trình 5 năm.