Với quyết tâm của nhiều nước, khả năng rất cao Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2019.
Thị trường cao su thiên nhiên sẽ hưởng lợi nhờ giá dầu tăng
- Cập nhật : 17/05/2018
Giá dầu thô đang tiến dần tới mốc 80 USD/thùng, và cao su tổng hợp bị giảm dần sức hấp dẫn đối với các ngành sử dụng nguyên liệu cao su, trong đó có các hãng sản xuất lốp xe, thúc đẩy họ hướng tới sử dụng cao su thiên nhiên.
Còn nhớ năm 2011, khi giá dầu thô thế giới vượt mức 100 USD/thùng, giá cao su thiên nhiên tại Ấn Độ cũng lên kỷ lục cao 243 rupee/kg. Nhưng kể từ đó, giá liên tiếp giảm, xuống chỉ 95 Rs/kg vào 2015.
Nhưng gần đây cao su thiên nhiên đang tăng trở lại, đã vượt mức 120 Rs/kg sau khi dầu thô lên mức cao nhất kể từ 2014.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dự báo sẽ còn khiến cho thị trường dầu mỏ nóng thêm nữa.
Ngày 10/5/2018, giá cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới đạt mức tương đương 118 Rs/kg, trong khi tại Ấn Độ giá loại RSS-4 giao dịch ở 122 Rs/kg.
"Rõ ràng là nhu cầu cao thiên nhiên tăng khi giá dầu thô và giá cao su tổng hợp – sản phẩm của dầu mỏ - tăng lên", ông N M Mathew, phó chủ tịch Viện Cao su Ấn Độ cho biết, và thêm rằng mặc dù mùa mưa đang tới, song sản lượng cao su trong nước sẽ tăng nếu giá cao su thiên nhiên tăng.
Về những yếu tốc khác cũng tác động lên giá cao su thiên nhiên, chuyên gia N Rajagopal thuộc Ủy ban Cao su Ấn Độ (Rubber Board India) cho biết, nhu cầu cao su thiên nhiên của Trung Quốc và tỷ giá hối đoái cũng có vai trò quan trọng quyết định giá cao su thiên nhiên.
Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, sử dụng khoảng 40% tổng sản lượng toàn cầu. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng với tốc độ cao và dựa vào xuất khẩu, kinh tế toàn cầu suy yếu đã buộc Trung Quốc phải dần chuyển đổi nền kinh tế của mình sang dựa vào tiêu thụ nội địa. Do đó, nhu cầu các loại hàng hóa, trong đó có cao su, chậm lại. Tuy nhiên nhu cầu từ thị trường này đang ổn định dần trong bối cảnh kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng ổn định trong mấy quý vừa qua.
Tại Ấn Độ, tỷ giá đồng rupee so với USD cũng có thể giúp đẩy tăng giá cao su thiên nhiên nội địa, vì cao su nhập khẩu trở nên kém hấp dẫn hơn. Ngày 10/5 đồng rupee ở mức 67 Rs/USD, thấp nhất 15 tháng. Giá cao su thế giới cũng đang tăng lên.
Các nhà sản xuất Ấn Độ sẽ buộc phải chuyển hướng tới các nhà sản xuất trong nước để có đủ nguyên liệu đáp ứng nhu cầu, và điều đó sẽ có lợi cho nông dân nước này. Tuy nhiên, cao su khối tại các thị trường Đông Á hiện vẫn rẻ hơn 25-30 Rs/kg so với cao su tấm Ấn Độ. Vậy nên cao su khối vẫn chiếm khoảng 70% tổng nhập khẩu cao su của các công ty sản xuất lốp xe Ấn Độ.
Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Ấn Độ, Siby Moniapally, cho biết, nền kinh tế lớn nhất thế giới – Mỹ - sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, do đó nhu cầu tiêu thụ các các sản phẩm như ô tô dự báo sẽ tăng. Theo ông, khi giá dầu thô tăng, cao su tổng hợp sẽ giảm sức hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất, và cao su thiên nhiên sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng cao cũng đã khiến nhu cầu cao su thiên nhiên tại đây tăng mạnh trong mấy năm qua, vượt mức 1 triệu tấn. Giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới vẫn thấp hơn so với tại Ấn Độ nên khối lượng nhập khẩu khá lớn.
Tuy nhiên đối với ngành cao su Ấn Độ, chủ tịch công ty Waynad, Thomson M, cho biết nếu giá cao su thiên nhiên dưới 120 Rs/kg thì vẫn rất khó khăn cho người trồng cao su để có thể đủ đủ trang trải chi phí sản xuất. Theo ông, giá cần phải lên mức 150 Rs mới đủ để họ duy trì sản xuất.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong quý 1/2018, nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu tăng 7,6% lên 3,361 triệu tấn, trong khi đó sản lượng tăng 3,3% lên 3,152 triệu tấn (so với 3,051 triệu tấn quý 1 năm ngoái) do tăng ở Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và Campuchia. Dự báo tổng cung cao su thế giới năm 2018 sẽ đạt 14,300 triệu tấn, tăng 7,2% so với 13,341 triệu tấn năm 2017.
Với tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2017 đạt 3,8% - cao nhất kể từ 2011, hy vọng nhu cầu sẽ tăng thêm nữa để kích thích giá cao su thiên nhiên tăng theo. Những hành động như các nước Đông Á (Thái Lan, Indonesia và Malaysia) nỗ lực hạn chế xuất khẩu cao su thiên nhiên hồi đầu năm nay cũng có thể góp phần kéo giá cao su thiên nhiên tăng trở lại.
Nguồn: Vân Chi/CafeF, Nhịp sống kinh tế