Nếu việc cạnh tranh khốc liệt trong việc gia tăng doanh số vẫn kéo dài, cộng thêm sự chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến các nhà sản xuất ô tô “va vào nhau” với một thương tích đau đớn cho tất cả các bên.
Sôi động thị trường carbon
- Cập nhật : 29/01/2018
Ngày càng nhiều doanh nghiệp “tự giác” áp đặt các mức giá cho việc xả thải carbon của chính mình.
Các chuyên gia kinh tế từ lâu cho rằng cách hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng trái đất nóng lên là đưa ra một mức giá đối với lượng khí nhà kính thải ra - thủ phạm gây nên biến đổi khí hậu. Tổng cộng 41 chính phủ trong khối OECD và nhóm G20 đã tuyên bố hoặc áp dụng mức thuế carbon hoặc áp dụng cơ chế mua bán phát thải carbon hoặc áp dụng cả hai (theo cơ chế mua bán phát thải carbon, mỗi quốc gia có một mức độ khí thải tối đa mà các cơ sở được cho phép “xả”.
Những quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép sẽ có quyền bán “sức chứa” khí thải còn dư của mình cho những quốc gia mà lượng khí thải vì nhiều lý do vượt quá giới hạn cho phép).
Nếu cộng thêm các cơ chế của các bang và chính quyền địa phương, họ “phủ sóng” tới 15% lượng khí thải nhà kính của thế giới, tăng từ mức 4% trong năm 2010. Việc người dân ngày càng quan tâm đến biến đổi khí hậu cũng là một động lực khác. Các chủ doanh nghiệp cũng vậy. Ngày càng nhiều doanh nghiệp “tự giác” áp đặt các mức giá như thế lên chính mình, thậm chí tại những thị trường mà các nhà làm chính sách nơi đó lại đang ậm ừ chậm chạp triển khai.
Trong số khoảng 6.100 doanh nghiệp báo cáo các dữ liệu liên quan đến khí hậu cho CDP, một tổ chức giám sát của Anh, có 607 công ty hiện tuyên bố áp dụng cơ chế định giá carbon trong nội bộ doanh nghiệp. Con số này đã tăng gấp 4 lần kể từ khi CDP bắt đầu thực hiện khảo sát thường niên đối với doanh nghiệp cách đây 3 năm. 782 công ty khác thì cho biết họ sẽ ra mắt các biện pháp tương tự trong vòng 2 năm. Tổng doanh thu hằng năm của gần 1.400 doanh nghiệp này lên tới 7.000 tỉ USD. Hầu hết trong số đó đến từ các nước giàu nhưng ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở các nước đang phát triển gia nhập sân chơi này.
Định giá carbon trong doanh nghiệp có 2 phương thức chính. Một là các bộ phận trong doanh nghiệp trả một khoản phí căn cứ trên lượng khí carbon họ thải ra. Microsoft, chẳng hạn, tính phí tất cả các phòng ban đối với mỗi kilowatt giờ năng lượng “bẩn” mà họ “ký kết” hoặc số dặm bay của các nhà điều hành nhằm đạt các chỉ tiêu khí hậu mà toàn công ty đặt ra. Khoản phí này, tương đương 8USD mỗi tấn khí CO2, nhằm khuyến khích những ai đã và đang nỗ lực hạn chế lượng khí thải ra sẽ càng đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm cũng như khuyến khích mọi người phải chung tay nỗ lực làm điều gì đó có ý nghĩa, theo Rob Bernard, giám sát các hoạt động môi trường của Microsoft.
Tuy nhiên, theo dõi chính xác lượng điện năng một bộ phận/phòng ban của doanh nghiệp tiêu thụ lại không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Các hệ thống dựa trên phí như của Microsoft vì thế vẫn rất hiếm hoi. Mặc dù một số công ty nhỏ hơn đã thử sức với cơ chế này, nhưng Disney là tập đoàn đa quốc gia lớn khác sử dụng cơ chế định giá carbon nội bộ.
Ngày càng nhiều doanh nghiệp hơn sử dụng cơ chế ước lượng giá carbon để kiểm tra tình trạng “sức khỏe môi trường” của các khoản đầu tư cho một tương lai mà theo đó, chính phủ các nước sẽ áp hàng loạt các mức thuế. Giới đầu tư ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp phải xem xét một cách nghiêm túc khả năng này: 81 quốc gia đề cập đến chi phí carbon trong các cam kết quốc gia nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu theo Hiệp định khí hậu Paris 2015.
Nhiều cam kết Paris vẫn còn hiện hữu cho đến nay nhưng các ông chủ doanh nghiệp chọn phớt lờ những cam kết này trong khi sự phớt lờ đó có thể gây rủi ro cho họ, theo đánh giá của Feike Sijbesma, đồng Chủ tịch Carbon Pricing Leadership Coalition, tổ chức tập hợp các doanh nghiệp và chính phủ có ý thức bảo vệ môi trường dưới sự bảo trợ của World Bank.
Ở một vai trò khác là CEO của nhà sản xuất lương thực Hà Lan Royal DSM, Sijbesma đã cho kiểm tra tất cả các dự án, kế hoạch được trình lên để xem liệu tổng kinh phí làm dự án có còn thỏa đáng nếu một tấn CO2 có mức giá 50 euro (60USD), cao hơn nhiều so với mức giá thông thường khoảng 6 euro theo hệ thống giao dịch khí thải của Liên minh châu Âu (EU). Nếu không thỏa đáng, sẽ phải tìm kiếm các nguồn cấp nhiên liệu có thể thay thế được hoặc các nhà cung cấp năng lượng sạch hơn. Nếu vẫn bị đánh giá là không có khả năng sinh lời thì dự án đó có thể bị loại. Các doanh nghiệp từ các chuỗi siêu thị châu Âu (Carrefour của Pháp và Sainsbury’s của Anh) cho đến các nhà sản xuất xi măng Ấn Độ (ACC, Ambuja và Dalmia) đều nhất trí phương pháp ước lượng giá carbon. Một số còn hoan nghênh nhiệt liệt.
Bên cạnh việc đánh giá các kế hoạch vốn ở mức 30 euro mỗi tấn CO2, Saint-Gobain, một nhà sản xuất vật liệu xây dựng của Pháp, còn tính mức giá cao hơn là 100 euro mỗi tấn khi chọn giữa các dự án nghiên cứu và phát triển dài hạn. AkzoNobel, một gã khổng lồ trong ngành hóa chất của Hà Lan, sử dụng mức giá 50 euro mỗi tấn cho hầu hết các khoản đầu tư, nhưng áp mức giá gấp đôi con số ấy đối với những dự án có vòng đời 30 năm hoặc hơn.
Đây là một số trong những cơ chế tham vọng nhất; nhiều cơ chế khác thì khá hời hợt. Thực tế, không ít doanh nghiệp cũng công bố cơ chế ước lượng giá carbon nhưng đưa ra mức giá dưới 10 USD mỗi tấn CO2. John Ward, thuộc hãng tư vấn Vivid Economics chỉ ra rằng mức giá này “chỉ vừa đủ cao, nên không tạo ra tác động thực sự”. Các doanh nghiệp áp dụng cơ chế giá cao hơn không nên xem nó chỉ đơn thuần là một “bảng tính”, theo một chuyên gia về biến đổi khí hậu. Bởi một thực tế là các tập đoàn dầu mỏ đã tính phí carbon trong nhiều năm trời khi đánh giá các dự án thăm dò.
Nhưng hầu như không có bằng chứng nào cho thấy viễn cảnh giá carbon cao (tức dự án tạo ra rủi ro môi trường cao hơn) lại làm thay đổi các quyết định đầu tư của họ. Có nghĩa là các doanh nghiệp nên có ý thức sẵn sàng từ bỏ dự án nếu dự án đó gây hại cho môi trường.
Dẫu vậy, xu hướng các doanh nghiệp định giá carbon lại rất đáng hoan nghênh. Một số cơ chế định giá ít ấn tượng hơn có thể học hỏi mô hình của Microsoft hoặc Royal DSM. Việc tự nguyện học hỏi sẽ không thể ngăn được tình trạng trái đất nóng lên, nhưng ít nhất giúp các doanh nghiệp chuẩn bị tốt khi chính phủ các nước thực sự đưa vào áp dụng các cơ chế định giá carbon.
Mới đây, vào tháng 12.2017 Trung Quốc đã cho ra mắt thị trường giao dịch khí thải carbon lớn nhất thế giới. Với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng, chính phủ các nước khác cũng sẽ không tránh khỏi phải thực hiện những bước đi tương tự để ngăn chặn thảm họa môi trường.
Đàm Hoa
Theo Nhipcaudautu.vn