Hàn Quốc đang thắt chặt quan hệ với Việt Nam, và nhiều khả năng sẽ biến Việt Nam vượt qua Mỹ, trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của mình, theo hãng tin Bloomberg.
Tận dụng lợi thế giao thương với Trung Quốc
- Cập nhật : 17/12/2017
Doanh nghiệp Việt Nam đang cải thiện dần năng lực trong tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng muốn hưởng lợi nhiều hơn từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc thì cần hiểu rõ về những cơ hội, lợi ích cũng như những thách thức từ các FTA này.
Chưa đến 1/3 hàng xuất tận dụng được ưu đãi thuế
Với nhiều thỏa thuận, cam kết quan trọng đã có giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) năm 2004, tổng kim ngạch thương mại hai chiều liên tục tăng, đạt xấp xỉ 70 tỷ USD năm 2016.
Năm 2016, Nghị định thư sửa đổi ACFTA cũng đã có hiệu lực với mục tiêu chính là nâng cấp các quy định về quy tắc xuất xứ và tạo thêm nhiều thuận lợi thương mại song phương.
Mới đây, ngày 12/11, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hong Kong (Trung Quốc) đã được chính thức ký kết, mở ra con đường ưu tiên cho hàng hóa Việt Nam vào khu vực kinh tế đặc biệt này của Trung Quốc.
Đây chính là những cơ hội lớn để các DN Việt gia tăng thương mại và hưởng lợi trong kinh doanh với thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế lợi ích mà các DN thu được từ việc tận dụng các thỏa thuận này còn rất hạn chế.
Hội thảo "Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc và Hồng Kông: Làm sao để doanh nghiệp hưởng lợi?" được tổ chức ngày 15/12 tại Hà Nội, đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội và cộng đồng DN đã lý giải phần nào nghịch lý đó.
“Trung Quốc là một thị trường lớn và tiềm năng bậc nhất thế giới mà tất cả các quốc gia phải quan tâm. Tiếc là chưa thật nhiều DN Việt Nam hiểu rõ và khai thác được các cơ hội kinh doanh với thị trường quan trọng này”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định.
Cung cấp những con số tổng quan về các cam kết thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI cho biết, từ góc độ các FTA, Trung Quốc không phải đối tác đầu tiên của ASEAN cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc là đối tác lớn nhất, có quy mô, tốc độ tăng trưởng nhanh, mạnh nhất, đem đến thị trường lớn nhất của chúng ta.
Đặc biệt, xuất phát từ lợi thế là đối tác duy nhất có chung biên giới cả về đất liền và biển với Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế hơn hẳn những nước khác trong quan hệ giao thương với thị trưởng “khổng lồ” này.
Tuy nhiên, theo bà Trang, các DN Việt Nam vẫn chưa tận dụng được nhiều những lợi ích mà các FTA với Trung Quốc đem lại.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan ACFTA (bằng tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi trên tổng giá trị hàng xuất đi) lên xuống rất thất thường và ở mức thấp, chỉ cao hơn tỷ lệ tận dụng của FTA với khu vực ASEAN.
Số liệu của năm 2016 cho thấy, DN chỉ tận dụng được 32% ưu đãi từ ACFTA, nghĩa là chưa đầy 1/3 số hàng hoá xuất khẩu đi Trung quốc tận dụng được những ưu đãi thuế quan này. “Đây là một tỷ lệ rất thấp so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, nhất là khi so với những cơ hội, thuận lợi mà ACFTA đem lại”, bà Trang cho biết.
Làm sao để được hưởng lợi?
Với tư cách là một nhà học giả tham gia rất nhiều tham vấn chính sách quan trọng trong các vấn đề kinh tế và chiến lược quan trọng với Trung Quốc, TS. Phạm Sỹ Thành nhận định: “Việc làm sao tận dụng được những lợi thế từ Trung Quốc cũng như các FTA đã ký là một bài toán lâu dài và một phương hướng cần lộ trình cụ thể để tiến tới”.
Theo ông Phạm Sỹ Thành, một thực tế cũng là một điểm yếu khi thực hiện các hiệp định thương mại là mức độ tận dụng ưu đãi rất thấp, nguyên nhân phần nhiều do các DN gặp khó trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được nhận ưu đãi.
“Vì thế, cần học tập kinh nghiệm của các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… đưa việc phổ biến thông tin, hướng dẫn thực hiện về các điều khoản, ưu đãi trong các hiệp định thương mại lên hàng đầu. Trong đó, các hiệp hội ngành, nghề đóng vai trò nền tảng”.
Bên cạnh đó, ông Phạm Sỹ Thành nhấn mạnh, để tận dụng tốt lợi thế thương mại của Việt Nam với Trung Quốc, chúng ta phải giảm thương mại tiểu ngạch, đây cũng là nội dung đàm phán trọng tâm, cần được chú ý trong các phiên đàm phán giữa hai nước trong thời gian tới.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, trước hết DN cần phải thực sự tìm hiểu những cơ hội, lợi ích và cả những thách thức từ những hiệp định này.
Bên cạnh đó, để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ Trung Quốc, Hong Kong, cần phải tìm được lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm việt. “Nếu họ có sức cạnh tranh rất mạnh về giá thì Việt Nam phải có chính sách cạnh tranh về chất lượng, cũng như có khả năng tiếp cận các thị trường ngách”.
Trên thực tế, có nhiều vấn đề nằm ngoài hiệp định nhưng lại có ảnh hướng rất nhiều đến hiệu quả tiếp cận thị trưởng như: Thị hiếu thị trường, thông tin về cơ chế quản lý hàng hoá ở biên giới, cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics… đây cũng là những yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến việc tận dụng lợi ích.
“Nếu DN quan tâm đến và tìm được giải pháp khắc phục thì vừa là đem lợi ích cho các DN trực tiếp xuất nhập khẩu, vừa là cơ hội cho các DN cung cấp dịch vụ logistics và những nhân tố khác của nền kinh tế”, bà Trang nêu quan điểm.
Từ góc độ cơ quan quản lý, việc cải cách các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho việc cấp chứng nhận xuất xứ, giảm nhẹ quy trình hải quan và các quy trình có liên quan với hàng xuất cũng là yếu tố để thể hiện sự đồng hành với DN.
Cũng theo bà Trang, mặc dù thâm hụt thương mại với Trung Quốc còn lớn, nhưng 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sang Trung quốc đã tăng đến 54% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 30 tỷ USD, trong khi hàng hóa nhập khẩu từ thị trường này chỉ tăng 15%.
“Để có thể cân bằng cán cân XNK với Trung Quốc là thách thức lớn, tuy nhiên đây cũng là tín hiệu cho thấy các DN Việt cũng đang cải thiện dần năng lực của mình trong tiếp cận thị trường Trung Quốc. Tôi tin rằng cùng với nỗ lực của DN, các chính sách tạo thuận lợi từ góc độ Nhà nước cho hoạt động xuất khẩu, Việt Nam sẽ dần có thể có giải pháp thích hợp cải thiện mối quan hệ giao thương với thị trường lớn nhất thế giới này”, bà Trang tin tưởng.
Theo Thu Lê - baochinhphu.vn