Cho đến thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định mới của nước bạn trong việc minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm hay đảm bảo an toàn thực phẩm có thể là rào cản khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận thị trường này.
Đồng nhân dân tệ tăng giá, nhập khẩu vào Việt Nam có đáng lo?
- Cập nhật : 13/09/2017
Hai mặt hàng nhập khẩu lớn nhất là vải các loại và sản phẩm từ chất dẻo. Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều chuyên gia, do các hợp đồng thương mại hiện nay thường đươc ấn định bằng USD nên đồng nhân dân tệ tăng giá sẽ không tác động quá nhiều.
Giữa năm 2015, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc liên tục mất giá. Tỷ giá CNY/USD tăng mạnh và chạm đỉnh 7 nhân dân tệ đổi 1 USD hồi đầu năm 2017.
Đà tăng nóng mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ của tỷ giá CNY/USD thời điểm đó cùng tâm lý lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất đã khiến NHNN Việt Nam đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2% vào ngày 12/8/2015. Tới ngày 19/8/2015, NHNN tiếp tục phá giá đồng nội tệ thêm 1%, đồng thời nới biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Tỷ giá CNY/USD giảm mạnh trong hơn một tháng qua
Lấy lại những gì đã mất, đồng CNY bất ngờ tăng giá "chóng vánh" từ đầu tháng 7 tới nay. Hiện tỷ giá CNY/USD đã giảm về mức tương đương với hồi tháng 5/2016.
Không chỉ đồng nhân dân tệ, EUR cũng đã vươn lên mức cao nhất 2 năm rưỡi. Chỉ số USD đo sức mạnh của đồng bạc xanh với 6 loại tiền tệ khác đã giảm 10,8% từ đầu năm tới nay.
Giá trị đồng USD giảm sâu thời gian qua được lý giải bởi nguyên nhân đến từ nội tại nền kinh tế Mỹ. Số liệu việc làm gây thất vọng với số đơn trợ cấp thất nghiệp tăng và số việc làm tạo mới giảm, tồn kho của Mỹ cũng tăng so với kỳ vọng, số liệu lạm phát yếu và vụ từ chức của Phó chủ tịch Fed Stanely Fischer đều làm tăng khả năng Fed sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất.
Tuy vậy, tỷ giá VND/USD lại không bị ảnh hưởng nhiều. Cơ chế điều chỉnh tỷ giá hiện nay đang cho phép tỷ giá trung tâm "bình chân" trước những biến động của các đồng tiền trên thế giới. 8 đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam gồm USD, EUR, CNY, Bath, JPY, SGD, KRW, TWD có diễn biến trái chiều. Nhờ đó, trong khi USD giảm, thì EUR, CNY, JPY,.. đều tăng, đồng nội tệ vì thế không nhiều thay đổi so với rổ tiền này.
Tỷ giá trung tâm hiện đang được NHNN giữ ở mức 22.438 đồng/USD, tăng 280 đồng/USD. Trong khi cả năm 2016 - năm đầu tiên NHNN áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, tỷ giá trung tâm cũng chỉ tăng 268 đồng/USD.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá VND/USD giảm 30 đồng/USD so với đầu năm, về mức 22.760 đồng/USD chiều bán ra, vẫn không thấm là bao so với mức giảm 10,8% của chỉ số DXY.
Trong khi nhiều đồng tiền tăng giá mạnh so với USD việc VND gần như đi ngang tạo lợi thế không nhỏ cho các mặt hàng xuất khẩu cạnh tranh trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua mối quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc, quốc gia láng giềng hiện đang xuất khẩu nhiều nhất vào Việt Nam. Ghi nhận trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 36,5 tỷ USD trong khi tổng nhập khẩu đạt gần 135,88 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất là vải các loại và sản phẩm từ chất dẻo.
Việt Nam nhập khẩu 36.5 tỷ USD và xuất khẩu 18,73 tỷ USD vào Trung Quốc - Nguồn: Tổng cục Hải Quan
Tỷ giá CNY/VND không được yết chính thức tại các ngân hàng thương mại. Tại BIDV, tỷ giá CNY (chỉ có ý nghĩa hạch toán kế toán chứ không có giá trị giao dịch với khách hàng) là 3,442 đồng/CNY chiều mua vào và 3,522 đồng/CNY chiều bán ra, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Trên thị trường tự do, 1 CNY đang đổi được 3,47 đồng.
Với diễn biến này, hàng hóa được mua bằng đồng nhân dân tệ sẽ đắt đỏ hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, cơ hội lai mở ra nhiều hơn với hàng hóa xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc nếu được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ nhờ có được lợi thế tỷ giá.
Số liệu không chính thức từ Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC, kim ngạch thanh toán bằng Nhân dân tệ cuối năm 2013 ước tính đạt khoảng 15 tỷ USD tại vùng biên mậu Việt Nam - Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, hợp đồng thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc qua đường chính ngạch đang được ấn định bằng đồng USD, trừ các dự án tài trợ bằng vốn ODA của Trung Quốc có yêu cầu thanh toán bằng đồng CNY.
Chuyên gia kinh tế Ts. Cấn Văn Lực cũng cho rằng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ chưa thật sự phổ biến trong thương mại Việt Nam - Trung Quốc. Tỷ lệ sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế hiện cũng chỉ ở mức 3-4%.
Khi các hợp đồng được thanh toán bằng USD, việc đồng nhân dân tệ tăng giá so với đồng Việt Nam do đó sẽ không có ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc.
Thanh Thủy
Theo NDH.VN