Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có một chính sách thuế và quy trình quản lý thuế riêng cho hoạt động thương mại điện tử. Thời gian tới, khi kinh tế Việt Nam hội nhập đầy đủ và chuyển từ kinh tế hàng hoá sang kinh tế dịch vụ, hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến, chính sách thuế thương mại điện tử sẽ phải được hệ thống hóa và pháp điển hóa hợp lý để đáp ứng đầy đủ việc quản lý loại hình thuế này.
Đại gia bán lẻ ngoại “oanh kích” thị trường Việt
- Cập nhật : 07/11/2015
(Kinh doanh)
Tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Pháp - Auchan - bắt đầu mở siêu thị ở Hà Nội, tiếp tục đánh dấu sự “oanh kích” của các ông lớn nước ngoài đối với thị trường bán lẻ Việt.
Theo kế hoạch, ngày mai (3/11), Auchan (Pháp), đối thủ của các ông lớn như Wal-Mart, Carrefour, Lotte, Metro, Big C…, sẽ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Hóa dầu Quân đội. Cùng với đó, hợp đồng thuê mặt bằng Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên cũng được ký kết.
Với cú bắt tay chiến lược này, đại gia bán lẻ hàng đầu của Pháp Auchan chính thức đặt chân đến thị trường Hà Nội, bắt đầu kế hoạch triển khai chuỗi siêu thị bán lẻ Simply Mart tại miền Bắc. Siêu thị mới này có diện tích 3.700 m2, đặt tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên.
Theo kế hoạch, siêu thị Simply Mart tại Trung tâm Thương mại MIPEC Long Biên sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, đúng thời điểm Dự án MIPEC Reverside do MIPEC đầu tư bàn giao căn hộ cho người mua. Simply Mart Long Biên cung ứng từ 1.000 - 4.500 chủng loại sản phẩm gia dụng cho người tiêu dùng Hà Nội.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị Simply Mart để tới năm 2020 sẽ phủ kín khu vực phía Bắc với 20 siêu thị”, ông Gilbert Infantes, thành viên Ban điều hành Tập đoàn Auchan tiết lộ.
Với tiết lộ trên, có lẽ Auchan đã tiếp tục hiện thực hóa kế hoạch rót 500 triệu USD vào thị trường Việt Nam mà Tập đoàn đã chia sẻ cách đây hơn 2 năm. Cụ thể, cuối tháng 4/2015, khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Philippe Longuet, Giám đốc điều hành Auchan đã công bố “sự trở lại” của tập đoàn này.
Tại thị trường phía Nam, Auchan đã hợp tác với Tập đoàn C.T để phát triển hệ thống siêu thị S-Mart và cũng đang lên kế hoạch mở rộng hệ thống Simply Mart vào năm 2016. Như vậy, Auchan sắp đổ bộ vào Việt Nam, đúng thời điểm kinh tế Việt Nam bắt đầu hồi phục và cũng đúng vào thời điểm các đại gia bán lẻ ngoại thi nhau “oanh kích” thị trường Việt Nam.
Vừa cách đây 1 tuần, đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon đã mở cửa Trung tâm Thương mại AeonMall Long Biên trên diện tích 120.000 m2, sau khi đã thành công với 2 trung tâm AeonMall ở TP.HCM và Bình Dương. Ông Yukio Konishi, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AeonMall Việt Nam cho biết, Aeon sẽ mở 10 - 20 trung tâm như vậy tại Việt Nam.
Aeon cũng từng công bố kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, cuối tháng 7/2015, đại gia bán lẻ của Mỹ 7-Eleven đã ký thỏa thuận nhượng quyền với Công ty Seven System Vietnam để mở chuỗi cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam, theo chân các tên tuổi FamilyMart và Ministop…
Thực tế, sau khi Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ từ năm 2009 theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các đại gia bán lẻ nước ngoài đã không ngừng đổ bộ vào Việt Nam, từ Metro Cash&Carry, tới BigC, Lotte và bây giờ là Aeon, Auchan… Lời cảnh báo về việc các nhà đầu tư ngoại sẽ thâu tóm thị trường béo bở này đãhơn một lần được đặt ra.
Trong một báo cáo gần đây liên quan đến vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã khẳng định, đa số doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam tham gia thị trường vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp, vẫn đối mặt với nguy cơ bị các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài thâu tóm.
Hiện có hai bức tranh khá trái ngược trên thị trường bán lẻ. Một là của các nhà đầu tư ngoại, với Auchan, 7-Eleven sắp vào Việt Nam, với Metro Cash & Carry, BigC, Lotte, Aeon… và với hàng loạt động thái như Berli Jucker (BJC) muốn mua lại Metro, BJC đã nắm quyền điều hành Tập đoàn Phú Thái - với hệ thống Family Mart - từ năm 2013, hay Aeon mua cổ phần của Citimart, Fivimart…
Một là của doanh nghiệp nội, với động thái rất tích cực là sự phát triển khá mạnh của Vingroup thời gian gần đây, khi vừa công bố mua lại hệ thống trung tâm thương mại Maximark, sau khi đã chi bộn tiền để sở hữu hệ thống Vinatex và Ocean Mart. Tính đến tháng 10/2015, hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+ của Vingroup đã có 125 cơ sở. Hệ thống Vincom Retail cũng đã có 12 trung tâm thương mại Vincom và Vincom Mega Mall, đã đi vào hoạt động, dự kiến sẽ tăng lên gần 40 trung tâm thương mại vào năm 2016 và tiến tới 100 trung tâm thương mại vào năm 2020.
Cùng với Vingroup, Co.op Mart, Fivimart… cũng đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, đã có những tên tuổi phải chấp nhận rời cuộc chơi. Chẳng hạn, Sơn Hà sau 3 năm mở siêu thị Hiway Supercenter đầu tiên tại Hà Nội, đã phải tuyên bố thoái toàn bộ vốn khỏi hệ thống siêu thị này và quyết tâm trở về với lĩnh vực cốt lõi. Còn Trung Nguyên cũng đã phải chấm dứt liên doanh với Ministop trong phát triển chuỗi G7Mart. Ministop thay vì hợp tác với Trung Nguyên lại đang tìm tới Sojitz. Hệ thống Family Mart vốn do Phú Thái dày công xây dựng, cũng đã nằm trong tay nhà đầu tư Thái Lan…
Một tín hiệu khá tích cực là gần đây, một số doanh nghiệp Việt đang nỗ lực giành lại thị phần trên thị trường bán lẻ nội. Thậm chí, Thế giới Di động cũng “nhảy vào” thị trường này, dù chỉ bắt đầu bằng bán rau củ, thịt tươi… Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường bán lẻ sẽ ngày càng gay gắt hơn, nếu doanh nghiệp Việt không nỗ lực, thì thị trường rất dễ bị rơi vào tay đại gia ngoại.