Thị trường xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm 2019
- Cập nhật : 05/08/2019
Xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm 2019 đạt 12,19 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hàng dệt may ra thị trường nước ngoài sau khi sụt giảm 7,5% trong tháng 4/2019, thì sang tháng 5/2019 tăng trở lại mức 16,6% so với tháng 4/2019 và tăng 16,1% so với cùng tháng năm 2018, đạt 2,73 tỷ USD; nâng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong cả 5 tháng đầu năm 2019 lên 12,19 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 12,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.
Mỹ là thị trường lớn nhất tiêu thụ hàng dệt may của Việt Nam chiếm 46,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 5,7 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ; riêng tháng 5/2019 đạt 1,29 tỷ USD, tăng 17,3% so với tháng liền kề trước đó.
Trong tháng 5/2019 xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường EU tăng rất mạnh 31,9% so với tháng 4/2019, đạt 397,36 triệu USD; nâng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này 5 tháng đầu năm 2019 lên 1,53 tỷ USD, chiếm 12,6% trong tổng kim ngạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Ngoài thị trường Mỹ và EU, còn có 2 thị trường đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, đó là Nhật Bản và Hàn Quốc; trong đó xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 1,46 tỷ USD, chiếm 12%, tăng 4,8% so với cùng kỳ; xuất sang Hàn Quốc đạt 1,16 tỷ USD, chiếm 9,5%, tăng 7%.
Hiện nay ngành dệt may đang đứng trước nguy cơ không tận dụng được ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) khi không giải quyết được nguồn nguyên liệu tại chỗ.
Theo tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện nay đơn hàng đến với các doanh nghiệp may đang ổn định theo chiều hướng tăng 8-10% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho quí 3/2019, tình hình đơn hàng tương đối tốt vì trong “thực đơn” áp thuế của Mỹ đối với Trung Quốc chưa có may mặc, khách hàng vẫn tiếp tục đặt hàng bình thường ở Việt Nam và Trung Quốc. Trong trường hợp hàng may mặc Trung Quốc bị áp thuế, thì có khả năng một phần đơn hàng sẽ dịch chuyển sang Việt Nam. Mặt khác, các mặt hàng may xuất khẩu đi các thị trường khác nằm ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng ít ảnh hưởng.
EVFTA được kỳ vọng ký kết trong năm nay, mang lại tiềm năng xuất khẩu sản phẩm may mặc với giá trị trên 100 tỷ USD/năm. Hiện thuế xuất khẩu hàng dệt may sang EU bình quân là 9,6%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực thì thuế sẽ giảm dần về 0% (trong vòng 7 năm).
Trong khi đó, CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1-2019, giúp xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình). CPTPP được xem là cơ hội để mở ra các thị trường lớn mới như Canada, Úc, New Zealand, Peru, Chile. Trước đây, hàng Việt Nam xuất sang các quốc gia này đều phải thông qua các đối tác thứ ba.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội khi EVFTA và CPTPP có hiệu lực thì thách thức cũng không nhỏ. Khác biệt của CPTPP so với các hiệp định khác là dệt may có chương riêng, đứng riêng, độc lập, cho thấy tầm quan trọng của ngành hàng dệt may trong hiệp định này. Cụ thể, nếu như trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã tham gia chỉ áp dụng nguyên tắc từ 1-2 công đoạn thì CPTPP áp dụng nguyên tắc ba công đoạn gồm tạo xơ, xe sợi; dệt và hoàn thiện vải; cắt may. Các công đoạn này đều phải thực hiện ở các nước thành viên nằm trong hiệp định CPTPP. Quy tắc xuất xứ từ vải trở đi đánh vào khâu yếu của dệt may trong nước khi phải nhập đến 80% vải cho may xuất khẩu, trong đó gần 50% từ Trung Quốc, 18% từ Hàn Quốc, 15% từ Đài Loan; trong khi đó, Trung Quốc không tham gia các FTA lớn, đặc biệt là CPTPP, có nghĩa là Việt Nam không tận dụng được ưu đãi về thuế quan.
Nhờ lợi thế sẵn có về ngành và cơ hội sẽ mang lại từ EVFTA và CPTPP, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may và nguyên phụ liệu nước ngoài đang xem Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.
Các chuyên gia đánh giá thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển do chi phí sản xuất còn thấp, lao động dồi dào và có lợi thế xuất khẩu khi tham gia các FTA. Tuy nhiên, việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu từ sợi trở đi hiện gặp nhiều khó khăn, đáng chú ý là các dự án liên quan đến dệt nhuộm thường bị một số địa phương từ chối vì lo ngại ảnh hưởng đến môi trường, nếu các địa phương không cấp phép thì sẽ không có sợi, vải mà xuất khẩu và như thế ngành dệt may vẫn chủ yếu thuần gia công. Theo VITAS, khâu nhuộm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhưng nếu dự án được đầu tư công nghệ xử lý nước thải tốt thì nên xem xét cấp phép. Các địa phương cần tạo điều kiện ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư dệt nhuộm có công nghệ hiện đại xử lý nước thải.
Xuất khẩu hàng dệt may 5 tháng đầu năm 2019
ĐVT: USD
Thị trường | T5/2019 | +/- so tháng T4/2019 (%) | 5T/2019 | +/- so cùng kỳ năm trước (%) |
Tổng cộng | 2.733.202.729 | 16,64 | 12.192.150.826 | 11,7 |
Mỹ | 1.289.378.032 | 17,26 | 5.704.817.798 | 10,85 |
Nhật Bản | 298.752.501 | 12,56 | 1.460.310.704 | 4,8 |
Hàn Quốc | 183.875.872 | -17,7 | 1.163.794.112 | 7,01 |
Trung Quốc đại lục | 122.345.744 | 19,8 | 535.160.497 | 11,09 |
Đức | 78.574.796 | 46,76 | 287.660.732 | -0,2 |
Anh | 63.057.539 | 26,54 | 284.182.575 | 4,14 |
Canada | 77.882.412 | 36,3 | 280.067.125 | 21,61 |
Hà Lan | 70.608.970 | 39,33 | 249.385.698 | 13,14 |
Campuchia | 57.099.567 | 38,11 | 235.684.706 | 38,36 |
Pháp | 54.861.756 | 46,98 | 209.127.675 | 8,32 |
Tây Ban Nha | 34.131.003 | 31,4 | 151.547.474 | -0,47 |
Bỉ | 32.670.921 | 17,93 | 122.275.607 | 38,48 |
Italia | 33.661.803 | 2,19 | 118.555.375 | 28,31 |
Hồng Kông (TQ) | 29.181.245 | 27,82 | 111.551.848 | 29,59 |
Nga | 40.126.830 | 58,91 | 104.995.652 | 88,08 |
Indonesia | 15.434.534 | -28,31 | 102.479.747 | 53,78 |
Đài Loan(TQ) | 22.193.959 | 30,91 | 102.101.202 | 29,05 |
Australia | 20.153.424 | 12,41 | 98.466.761 | 24 |
Thái Lan | 21.456.802 | 40,89 | 83.978.541 | 48,54 |
Chile | 15.992.745 | -5,87 | 64.317.114 | 57,81 |
Mexico | 13.749.371 | 36,58 | 46.327.688 | 32,34 |
Philippines | 14.156.419 | 49,59 | 45.586.844 | 18,82 |
Malaysia | 10.822.627 | 16,32 | 44.790.290 | 12,72 |
Singapore | 9.335.696 | 10 | 38.214.078 | -2,42 |
Ấn Độ | 9.822.351 | 33,45 | 33.794.456 | 56,4 |
Bangladesh | 6.215.728 | 9,85 | 33.782.999 | 60,5 |
U.A.E | 9.748.807 | 64,82 | 31.364.540 | -16,21 |
Thụy Điển | 7.898.392 | 37,74 | 30.869.798 | -4,88 |
Đan Mạch | 7.381.501 | 41,66 | 28.755.637 | -17,62 |
Brazil | 4.466.411 | 1,71 | 22.844.578 | 1,82 |
Ba Lan | 4.998.864 | 27,26 | 21.446.892 | -8,48 |
Saudi Arabia | 4.183.689 | -2,55 | 19.564.714 | 0,84 |
Nigeria | 2.390.803 | 61,25 | 15.190.800 | 354,96 |
Áo | 4.307.801 | 10,45 | 13.885.428 | -21,14 |
Angola | 1.771.280 | -51,1 | 13.268.491 | 102,03 |
Nam Phi | 2.935.256 | 3,46 | 12.820.813 | 8,87 |
Myanmar | 2.253.141 | -17,16 | 12.217.046 | 32,97 |
New Zealand | 2.363.684 | -8,01 | 11.681.223 | 53,5 |
Sri Lanka | 2.720.433 | -25,99 | 11.320.731 |
|
Thổ Nhĩ Kỳ | 2.546.776 | 2,19 | 10.730.519 | -44,21 |
Na Uy | 2.279.414 | 90,85 | 8.178.511 | -14,97 |
Israel | 1.796.722 | 34,53 | 7.348.466 | -7,66 |
Panama | 2.087.545 | 29,9 | 7.279.455 | -5,95 |
Achentina | 1.082.731 | -28,49 | 7.071.516 | -21,65 |
Cộng hòa Tanzania | 392.622 | 150,09 | 6.824.119 |
|
Séc | 1.758.477 | 13,74 | 5.325.733 | 11,42 |
Colombia | 1.327.172 | 19,19 | 5.234.431 |
|
Phần Lan | 1.048.754 | -44,17 | 4.790.213 | -19,64 |
Pê Ru | 1.498.229 | 27,03 | 4.459.007 |
|
Thụy Sỹ | 1.420.117 | 41,22 | 4.244.594 | -7 |
Ghana |
|
| 3.690.859 | 235,04 |
Mozambique |
| -100 | 3.457.559 |
|
Lào | 836.437 | -9,2 | 3.340.742 | 31,42 |
Hy Lạp | 1.230.805 | 73,4 | 3.267.800 | -9,3 |
Ai Cập | 585.547 | -1,59 | 2.616.443 | 12,11 |
Kenya | 275.562 | -63,86 | 2.552.234 |
|
Luxembourg | 908.142 | 160,59 | 2.367.900 |
|
Ukraine | 1.044.424 | 40,86 | 2.219.161 | 29,89 |
Senegal |
|
| 878.739 | 854,74 |
Slovakia | 72.425 | -46,35 | 545.870 | 22,6 |
Bờ Biển Ngà | 348.275 |
| 350.671 |
|
Hungary | 185.607 |
| 337.174 | -81,69 |
(*Tính toán theo số liệu của TCHQ)
Theo Vinanet.vn