Báo chí quốc tế đưa tin, nguồn cung cấp tài chính lớn nhất của IS chính là từ dầu mỏ, tuy nhiên liên quân do Mỹ cầm đầu dường như đang cố tỉnh “buông lỏng” việc triệt hạ nguồn tiền chính này của IS.
Tin thế giới đọc nhanh sáng 15-06-2016
- Cập nhật : 15/06/2016
Trung Quốc than thở “bị bôi nhọ” về biển Đông
Hôm 14-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết một số quốc gia đang “bôi nhọ danh tiếng” của nước này liên quan tới các tranh chấp ở biển Đông.
Tại một cuộc họp báo hàng ngày, ông Lục cáo buộc một số quốc gia đang cố tình “bôi nhọ” Trung Quốc sau khi Bắc Kinh bị tố đẩy mạnh hoạt động bành trướng và khiêu khích ở biển Đông.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh các quốc gia này không đủ tiếng nói để đại diện cho cộng đồng quốc tế. Thay vào đó, họ gây ra những hiểu lầm, biến nhận thức về vấn đề biển Đông từ đúng thành sai, đồng thời cố gắng kiểm soát dư luận.
Chưa hết, ông Lục gửi lời cảm ơn đến “hơn 40 quốc gia đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc”, mà mới nhất là các nước châu Phi Sierra Leone và Kenya, liên quan tới vụ Manila kiện yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Bắc Kinh ở biển Đông.
Vụ kiện được gửi lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), The Hague – Hà Lan và Philippines đang chờ đợi PCA ra phán quyết chính thức.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết từ The Hague. Washington không liên quan tới tranh chấp ở biển Đông nhưng tuyên bố họ có trách nhiệm bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Giữa thời điểm Bắc Kinh nỗ lực giảm bớt lo ngại về yêu sách chủ quyền phi lý của nước này tại biển Đông, Ngoại trưởng các nước Đông Nam Á cũng như Trung Quốc đã nhóm họp vào ngày 14-6 tại tỉnh Vân Nam, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng Trung Quốc – ASEAN.
Phát biểu tại cuộc họp, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các bên liên quan tới tranh chấp ở biển Đông mở rộng sự đồng thuận và hợp tác, "xử lý và kiểm soát những khác biệt một cách đúng đắn".
Nga vào top các nước "quyền lực mềm"
Hãng Quan hệ công chúng Portland của Anh lần đầu tiên đưa Nga vào danh sách 30 quốc gia hùng mạnh nhất theo tiêu chí "quyền lực mềm".
Báo "Kommersant" giải thích: "Được xếp hạng trong danh sách này đồng nghĩa với khả năng ảnh hưởng của quốc gia này đến các quốc gia khác bằng các giá trị xã hội dân sự, chứ không phải bằng tiền bạc hay vũ khí".
Nga xếp thứ 27 trong bảng xếp hạng trong bối cảnh các cuộc xung đột ở Donbass đã có xu hướng giảm, và hiệu quả của chiến dịch chống nhóm khủng bố "nhà nước Hồi giáo" IS tại Syria của Moskva.
Vị trí dẫn đầu vào năm 2016 là Mỹ, tiếp theo là Đức, Nhật Bản đóng top ba.
Theo Kommersant, kết quả này là minh chứng cho việc Nga có tầm bao quát mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và tham gia vào việc chống lại những thách thức toàn cầu."
U ám bao trùm kinh tế Trung Quốc
Một chiều chủ nhật yên tĩnh ở TP Đông Hoản, thuộc tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, khung cảnh rất khác so với cách đây ít nhất 2 năm khi đường phố đông đúc và ống khói xả đều.
Là địa phương sản xuất đồ chơi, đồ nội thất, giày dép, điện thoại di động…, Đông Hoản thu hút 8 triệu người từ các nơi khác đến làm việc. Thời thế đổi thay, nhiều người giờ đây tính chuyện quay trở lại quê nhà.
“Đây là thời điểm tồi tệ nhất. Các nhà máy chịu thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là những nhà máy nhỏ nhưng giờ, những cơ sở lớn cũng bị ảnh hưởng” - một nữ công nhân họ Vu cám cảnh nói với trang Bloomberg. Vu đang cân nhắc trở về TP Trùng Khánh, nơi cô khăn gói ra đi cách đây 20 năm.
Một ký túc xá tại Đông Hoản từng có đến 2.000 công nhân cách đây 1 năm song hiện chỉ còn khoảng 100 người. Sự sụt giảm này diễn ra sau khi phần lớn hoạt động sản xuất được chuyển sang các nước Đông Nam Á có chi phí lao động thấp hơn. Tình cảnh ảm đạm một phần cũng vì năm 2015, chính quyền Đông Hoản thay thế 43.684 công nhân bằng robot trong nỗ lực cắt giảm chi phí sản xuất. Phó Giám đốc Lư Diểu của Nhà máy Lyric Robot ở TP Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông cho biết nhà chức trách trả đến 50.000 nhân dân tệ (khoảng 169 triệu đồng) cho mỗi robot được sử dụng để thay thế người lao động.
Việc tự động hóa sản xuất và đóng bớt nhà máy khiến không ít người lao động bất bình. “Tôi bán tuổi trẻ của mình cho Đông Hoản. Hãy xem cách thành phố này đối xử với tôi” - một nhà quản lý dây chuyền sản xuất tuổi tứ tuần phản ứng chuyện công ty ông cắt giảm sản lượng.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục gây lo lắng sau khi số liệu mới nhất cho thấy đầu tư vào tài sản cố định của nước này từ tháng 1 đến tháng 5-2016 chỉ tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 10,5% trong 4 tháng đầu năm. Tệ hơn, đầu tư của tư nhân chỉ tăng trưởng 3,9% trong 5 tháng đầu năm 2016, giảm so với mức 5,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4.
Báo The Wall Street Journal dẫn lời người phát ngôn Cục Thống kê quốc gia Sanh Lại Vân hôm 13-6 cho rằng tình trạng dư thừa công suất và sự khó khăn trong vay vốn là lý do các công ty tư nhân không muốn đầu tư. Thực trạng này cũng phần nào cho thấy doanh nghiệp tư nhân vẫn còn chưa mấy tin tưởng vào tương lai của nền kinh tế Trung Quốc.
Hậu phán quyết PCA, đâu sẽ là điểm nóng ở Biển Đông?
PCA chuẩn bị ra phán quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông, Tư lệnh Các chiến dịch Hải quân của Mỹ, Đô đốc John Richardson, lên tàu sân bay USS John C. Stennis (CVN-74) đang tuần tra Biển Đông tuyên bố “bảo vệ hòa bình khu vực”. Vậy đâu sẽ là điểm nóng tiếp theo ở vùng biển hằng năm chiếm một nửa lượng vận tải biển trên toàn cầu này?
Trước đó 1 tháng cái tên “Đá Chữ Thập” đã trở thành tâm điểm chú ý sau thông tin Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long đã đặt chân (phi pháp) lên đây để kiểm tra công tác.
Việc Washington và Bắc Kinh liên tục có hành động nắn gân nhau ở vùng biển xung quanh Đá Chữ Thập đã làm dấy lên dự đoán nơi này là sẽ trở thành tâm điểm “ngửa bài” Trung - Mỹ ở Biển Đông.
Tờ “Global Times” của Trung Quốc tuần qua dẫn lời chuyên gia quân sự Tào Vệ Đông cho rằng sau khi phán quyết của PCA được công bố, những bãi, đá tranh chấp giữa nước này và Philippines như bãi cạn Scarborough, Bãi Cỏ Mây… sẽ trở thành tiêu điểm mâu thuẫn.
Phía Trung Quốc cần phải đề phòng Philippines lợi dụng sự bảo vệ của tài chiến Mỹ hành động ở bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây, ngoài việc giám sát, kiểm soát tàu sân bay của Mỹ cần phải tăng cường tần suất diễn tập, hình thành sức răn đe hữu hiệu đối với quân đội Mỹ, khiến Mỹ và Philippines không dám manh động.
Đối với khả năng Biển Đông xuất hiện đồng thời 2 cụm tàu chiến đấu sân bay của Mỹ, theo Tào Vệ Đông, 2 cụm tàu chiến đấu sân bay này đã hình thành năng lực tác chiến quy mô nhỏ, mục đích chủ yếu là răn đe giống như khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1996.
Bởi trong trường hợp muốn hình thành năng lực tác chiến quy mô lớn, quân đội Mỹ chí ít phải huy động 3 cụm tàu chiến đấu sân bay.
Về đối sách của Trung Quốc, Tào Vệ Đông cho rằng Bắc Kinh chủ yếu áp dụng chính sách phòng vệ tích cực, nếu biên đội tàu sân bay Mỹ hoạt động ở vùng biển gần Trung Quốc, phía Trung Quốc thông thường sẽ theo dõi, giám sát. Trong trường hợp tới sát lãnh hải, phía Trung Quốc sẽ điều động máy bay hoặc tàu chiến để điều tra.
Xem xét quan hệ Trung - Mỹ hiện nay, Tào Đông Vệ dự đoán hai nước không thể xảy ra đối đầu hay xung đột quân sự nghiêm trọng được, do vậy, phía Trung Quốc chỉ cần áp dụng phương thức trinh sát, giám sát và điều tra đối với hoạt động của hạm đội tàu Hải quân Mỹ.(Tintuc)
Thủ lĩnh IS đã chết?
Thủ lĩnh tối cao của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi được cho là đã thiệt mạng trong cuộc không kích ở Syria hồi tuần trước nhưng nay vẫn chưa có xác nhận chính thức.
Theo phương tiện truyền thông nhà nước Iran, Baghdadi chết trong một cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu vào thành trì Raqqa của IS ở miền Bắc Syria. Thông tin của Iran được dẫn lại từ trang mạng al-Amaq ủng hộ IS. Báo Yenis Safak của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dẫn nguồn tin tương tự.
Theo thông báo của al-Amaq, “Abu Bakr al-Baghdadi thiệt mạng do các cuộc không kích của liên quân ở Raqqa vào ngày thứ năm của tháng Ramadan”. Tuy nhiên, liên quân do Mỹ dẫn đầu chưa phản hồi về thông tin này.
Trước đó, thông tin trên kênh truyền hình Al Sumariya (Iraq) hôm 13-6 cho biết al-Baghadi đã bị thương vào ngày 12-6 trong một cuộc không kích của liên quân ở vị trí cách TP Mosul - Iraq 65 km về phía Tây, vốn do IS kiểm soát.
Thông tin al-Baghdadi thiệt mạng được đưa ra sau khi có thông tin cho rằng Baghdadi cố gắng tránh bị liên quân chống IS giết hoặc bắt giữ. Các phương tiện truyền thông phương Tây, trong đó có đài CNN, loan tin Baghdadi đã “đi đây đó” trong 6 tháng qua và đã đi đến Mosul. Đầu tên này được treo giải thưởng lên tới 25 triệu USD.