Tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường, tình trạng già hóa dân số ... là những thách thức mà Trung Quốc phải giải quyết nếu muốn có bước nhảy vọt.
Âm mưu của Trung Quốc đằng sau hải đăng ở Trường Sa
- Cập nhật : 21/10/2015
(Bien dong)
Các chuyên gia quốc tế nhận định việc Trung Quốc xây hải đăng phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là một âm mưu xảo quyệt nhằm khiến các nước "vô tình" công nhận tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Chính quyền Trung Quốc ngang ngược tuyên bố việc xây đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa chỉ vì mục đích dân sự và “sẽ không ảnh hưởng tự do hàng hải ở Biển Đông”. Cũng theo nước này, hai ngọn hải đăng Bắc Kinh mới xây dựng phi pháp ở Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) đã bắt đầu cung cấp dịch vụ định vị hàng hải, hỗ trợ tìm kiếm và cứu trên biển cho tất cả các quốc gia.
Hôm 13.10, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hải Bình đã khẳng định việc Trung Quốc xây dựng hai ngọn hải đăng tại Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, theo TTXVN.
Mặc cho các tuyên bố về "mục đích dân sự" của Bắc Kinh, các chuyên gia, nhà ngoại giao và quan chức hải quân quốc tế cho rằng những ngọn hải đăng của Trung Quốc là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, theo Reuters.
Mỹ và hải quân các nước đa số dùng thiết bị điện tử và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để xác định vị trí tàu của họ, dù vậy họ vẫn phải định vị trên biển bằng cách quan sát trực tiếp hải đăng (đèn biển) trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn khi tàu di chuyển gần những bãi đá ngầm hoặc khi không thể sử dụng thiết bị điện tử, Reuters cho hay.
“Việc sử dụng hải đăng ngày càng giảm đi ở khắp nơi, nhưng cũng có những thời điểm tàu bè không thể không dùng hải đăng”, ông Trevor Hollingsbee, cựu chuyên gia phân tích tình báo hải quân của Bộ Quốc phòng Anh, cho hay.
Bất kỳ tàu bè nào dùng hải đăng của Trung Quốc để định vị sẽ rơi vào bẫy chiến lược của Trung Quốc, tức vô tình công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, ông Ian Storey, chuyên gia nghiên cứu về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nhận định.
Những ngọn hải đăng có thể xuất hiện trong các biểu đồ, sổ đăng ký hàng hải quốc tế và những sổ ghi chép của hải quân các nước. Điều này sẽ giúp Bắc Kinh hợp pháp hóa những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, bất chấp Mỹ và các quốc gia khu vực lên tiếng phản đối thông qua con đường ngoại giao chính thức, theo nhận định của Reuters.
Chính vì vậy, có thể nói những ngọn hải đăng phi pháp sẽ giúp Trung Quốc củng cố chiến lược “thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông”, ông Storey nói.
Trong khi đó, chuyên gia phân tích tình báo hải quân Hollingsbee nhận định xây hải đăng ở Trường Sa là một động thái “xảo quyệt” của Trung Quốc.Tàu tác chiến ven biển USS Fort Worth (LCS 3) của Hải quân Mỹ tuần tra trong vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông hồi tháng 5.2015 - Ảnh: Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ
Trong hai năm qua, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng phi pháp nhằm biến 7 bãi đá ở Trường Sa thành đảo nhân tạo. Mỹ và các quốc gia trong khu vực cảnh báo những đường băng, cơ sở phi pháp mà Bắc Kinh xây dựng ở những đảo này là nhằm mục đích quân sự.
Washington đã quyết định điều tàu chiến và máy bay tuần tra sâu vào trong vùng 12 hải lý quanh những đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Trường Sa, thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Nếu tàu chiến Mỹ áp sát các đảo nhân tạo này, những sĩ quan hải quân trên tàu sẽ phải đưa ra quyết định đối phó như thế nào với hai hải đăng ở Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma.
Người phát ngôn của Hạm đội 7 Mỹ không nói rõ trong điều kiện nào thì tàu Mỹ sẽ dùng hải đăng, nhưng cho Reuters biết những ngọn hải đăng “không ảnh hưởng đến tàu chiến và máy bay hoạt động tuần tra trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông”.