Mattala Rajapaksa, sân bay quốc tế lớn thứ hai của Sri Lanka, đang được rao bán để trả nợ cho Trung Quốc bởi chính phủ nước này đã mất khả năng chi trả.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ thời Tổng thống Trump
- Cập nhật : 17/09/2017
Sự tăng trưởng kinh tế Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đi kèm với những thách thức về môi trường và bất bình đẳng.
Tổng thống Donald Trump đã hứa hẹn rằng các chính sách của ông sẽ giúp Mỹ tăng trưởng bền vững 3 - 4% trong nhiều năm tới. Dự đoán của ông hoàn toàn trái ngược với ý kiến của giới chuyên môn, bao gồm cả Phố Wall và Cục Dự trữ liên bang (FED), vốn cho rằng may mắn lắm Mỹ cũng chỉ đạt mức tăng trưởng 2%.
Nhưng liệu có khả năng ông Trump nói đúng? Nếu đúng, các chính sách của ông sẽ có tác động đến mức nào và liệu việc tăng trưởng nhanh đó có phải đánh đổi về môi trường và bất bình đẳng thu nhập dài hạn hay không? Thị trường chứng khoán có thể chỉ quan tâm đến mức tăng trưởng, nhưng đa số người dân Mỹ đặc biệt lo lắng về cách thức đạt đến mức tăng trưởng đó.
Thừa hưởng thành quả
Dự báo của ông Trump về tăng trưởng kinh tế tổng quan của nước Mỹ không phải quá ngây ngô. Các dữ liệu kinh tế thời gian qua cho thấy mức tăng trưởng thường niên giờ đã tăng nhanh lên 2,5%. Hơn nữa, việc làm cũng tăng mạnh trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Chứng khoán đang tăng vọt lên mức cao. Cả hai yếu tố này thúc đẩy chi tiêu cao hơn.
Với màn thể hiện như thế, việc đạt đến 3% tăng trưởng thường niên sẽ không cần đến phép màu. Việc đạt đến mục tiêu của Tổng thống Trump thậm chí sẽ dễ dàng hơn nữa nếu bộ máy chính phủ của ông bỗng dưng hoạt động trơn tru hơn.
Dĩ nhiên tăng trưởng năm nay về nhiều mặt là sự tiếp nối những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ của người tiền nhiệm Barack Obama. Thay đổi lộ trình của một con tàu khổng lồ - trong trường hợp này là nền kinh tế Mỹ - phải mất nhiều thời gian, kể cả khi Tổng thống Trump xoay xở đưa một số nội dung chính sách kinh tế vượt qua ải quốc hội Mỹ, thì cũng đến năm 2018 mới có thể cảm nhận được những tác động tăng trưởng này.
Phải thừa nhận rằng Tổng thống Trump đã tước bớt quyền hành của cơ quan bảo vệ môi trường (nhờ vậy mà ngành khai thác than được lợi), nới lỏng giám sát tài chính (quá tốt cho cổ phiếu của các ngân hàng), và không mấy quan tâm đến thực thi chống độc quyền (một diễn biến đầy khích lệ cho các công ty độc quyền công nghệ như Amazon và Google). Nhưng các sáng kiến chính sách then chốt của ông về cải cách thuế doanh nghiệp và tăng chi cơ sở hạ tầng vẫn nằm trên bàn giấy. Thêm vào đó, các kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ và giảm mạnh nhập cư, nếu được hiện thực hóa, đều sẽ có tác động tiêu cực đáng kể đối với tăng trưởng.
Lựa chọn quan trọng
Có lẽ quyết định quan trọng nhất mà Tổng thống Trump cần đưa ra cho nền kinh tế là việc lựa chọn ai thay thế bà Janet Yellen giữ chức Chủ tịch FED. Trong những quyết định bổ nhiệm khác, ông Trump đã ưu tiên giới tướng lĩnh và doanh nhân hơn là các nhà kỹ trị. Nhưng nhìn chung, các nhà quản lý ngân hàng thành công nhất những năm gần đây lại là loại chuyên gia mà ông Trump có vẻ muốn né tránh.
Bất kỳ ai mà ông Trump bổ nhiệm đều chắc chắn đối mặt với các thách thức lớn. Cách FED giải quyết quá trình chuyển hóa sang giai đoạn tăng mức lương sẽ mang ý nghĩa quyết định. Nếu các nhà hoạch định chính sách nâng mức lãi suất quá hấp tấp, hệ quả sẽ là suy thoái. Nếu họ nâng mức lãi suất quá chậm, lạm phát sẽ cao và di họa.
Vậy thì Tổng thống Trump có thể sẽ đạt được con số tăng trưởng mà mình muốn, đặc biệt nếu ông tìm ra cách để bình thường hóa quá trình hoạch định chính sách kinh tế. Nhưng kể cả khi nước Mỹ đạt được mục tiêu 3%, đó cũng không phải là chiếc chìa khóa vạn năng như ông Trump mong ước.
Đầu tiên, tăng trưởng nhanh hơn khó lòng đảo ngược được xu thế bất bình đẳng hiện nay. Và vài biện pháp can thiệp cục bộ nhỏ bằng quyền hạn tổng thống nhằm vào hoạt động của vài bang và công ty cụ thể cũng khó thay đổi được xu thế này. Ngược lại, không có cơ sở nào để dự đoán rằng những người sở hữu tư bản không còn tiếp tục giữ vị thế là nhóm hưởng lợi nhiều nhất.
Mức tăng trưởng thấp thời gian gần đây đã khiến các nhà khởi nghiệp tiềm năng ái ngại chuyển sang nước khác hoặc đổi việc, điều này nhìn chung làm giảm sự vận động của nền kinh tế. Và nếu nền kinh tế Mỹ bị suy yếu đáng kể trong thời gian dài sẽ đẩy nước Mỹ đến gần viễn cảnh không còn ưu thế áp đảo quân sự so với các đối thủ.
Những ai, giống ông Trump, muốn giảm sự can dự quân sự của Mỹ ở nước ngoài có thể biện luận rằng chẳng có gì đáng lo. Nhưng họ đã sai. Dẫu vậy, các chính sách tạo ra sự tăng trưởng được chia sẻ bình đẳng hơn và giúp môi trường bền vững vẫn tốt hơn nhiều so với các chính sách duy trì xu hướng phân chia lợi ích hiện tại và khoét sâu thêm các vết thương của người Mỹ.
K.R - Ngọc Mai (chuyển ngữ)
© Project Syndicate
Kenneth Rogoff
(Cựu Kinh tế gia trưởng của IMF, Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Harvard)
Theo Thanhnien.vn