Thông tư số 24/2017/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định 4 nguyên tắc thu hồi Giấy phép, thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 26/2/2018.
Nóng bỏng cuộc đua phát hành thẻ tín dụng
- Cập nhật : 23/12/2017
Gia tăng số lượng thẻ ngân hàng đem lại nguồn thu lớn cho các ngân hàng, vì thế cuộc đua giành thị phần ngày càng diễn ra gay gắt.
10 tháng đầu năm 2017, số lượng thẻ do các NHTM phát hành cũng tăng lên nhanh, đạt trên 110 triệu thẻ các loại, trong đó có khoảng gần 9% là thẻ tín dụng quốc tế. Nguồn: Internet
Các ngân hàng thương mại (NHTM) từ trước đến nay luôn cạnh tranh quyết liệt trong hoạt động tín dụng và huy động vốn, nhưng nay mở thêm một hướng cạnh tranh mới là phát hành thẻ tín dụng.
Có thể nói, hoạt động này đang diễn ra rất sôi động tại các NHTM trên cả nước. Đặc biệt, trong những tháng cuối cùng của năm, các ngân hàng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng.
Thị trường nhộn nhịp cuối năm
Vào các tháng cuối năm, nhu cầu chi tiêu, mua sắm của người dân trên cả nước ngày càng tăng lên với con số “khủng”. Đây cũng là một dịp thuận lợi để các NHTM hoạt động với công suất đạt tối đa, tạo ra cơ hội để tăng cường một lượng lớn khách hàng.
Ngoài những “cơn lốc” quà tặng đến dồn dập, nhiều ngân hàng còn đưa ra chương trình khuyến mãi miễn phí phí thường niên trong năm đầu khi khách hàng mở thẻ hoặc hưởng các ưu đãi giảm giá khi mua hàng khiến nhiều người khó lòng chối từ lời mời chào mở thẻ tín dụng.
Chẳng hạn, Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đang áp dụng chương trình “Lo gì vé Tết – Ngại gì quê xa”, khách hàng sẽ được hoàn 10% giá trị vé máy bay, tối đa 500.000 đồng, khi mua tại website hay đại lý chính thức của 10 hãng hàng không (Vietnam Airlines, VietjetAir, Jetstar…) và thanh toán bằng thẻ tín dụng quốc tế tại ngân hàng này.
Ngoài việc đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi ưu đãi cho khách hàng sử dụng sản phẩm, các ngân hàng cũng tích cực tìm kiếm những nguồn tín dụng mới bằng việc liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực ẩm thực, thời trang, đồ gia dụng… để phát hành thẻ tín dụng.
Tại hệ thống cửa hàng điện máy Thế giới di động, khách hàng sẽ được hỗ trợ mua hàng trả góp thông qua việc phát hành thẻ tín dụng của TPBank.
Chị Hương (nhân viên bán hàng) cho hay: “Với những khách có nhu cầu mua hàng trả góp, cửa hàng chúng tôi luôn có nhân viên tín dụng của TPBank có mặt ngay lập tức để hỗ trợ làm thủ tục đăng ký thẻ tín dụng. Chỉ trong khoảng 2 giờ, khách hàng đã được giải ngân và mua sản phẩm”.
Có thể thấy, trước đây, thị phần thẻ tín dụng chỉ dành cho những “ông lớn” ra đời trước như: Vietcombank, BIDV… thì nay, các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ cũng nhảy vào phân khúc này. Thậm chí, nhiều tên tuổi mới trong ngành ngân hàng có số lượng phát hành thẻ tín dụng vượt trội trong thời gian qua như: Sacombank, TPBank, VIB…
Nguồn thu lớn
Để đạt được tốc độ tăng trưởng vượt bậc, nhiều ngân hàng đã dùng “chiêu” ép doanh số đối với nhân viên tín dụng.
Anh Hùng (nhân viên phát hành thẻ một NHTM nhà nước) cho biết mỗi tháng, anh phải hoàn thành chỉ tiêu phát hành thẻ nhất định, đặc biệt chỉ tiêu thẻ tín dụng. Nếu không hoàn thành sẽ bị trừ lương, thậm chí khó có thể “trụ” lại được vị trí này.
Để “chạy” chỉ tiêu, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm, nhân viên phát hành thẻ sẵn sàng làm thẻ ngay tại nhà hoặc cơ quan, nhân viên ngân hàng sẽ chuẩn bị đầy đủ thủ tục, khách hàng chỉ việc ký và chờ ngày có thẻ.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết năm 2016, số lượng thẻ trên thị trường đạt trên 12 triệu thẻ, tăng 30% so với năm 2015. Trong đó, số lượng thẻ nội địa đạt gần 92,1 triệu thẻ, tương đương trung bình 1 người sử dụng 1 thẻ ngân hàng.
10 tháng đầu năm 2017, số lượng thẻ do các NHTM phát hành cũng tăng lên nhanh, đạt trên 110 triệu thẻ các loại, trong đó có khoảng gần 9% là thẻ tín dụng quốc tế.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc đầu tư vào thẻ tín dụng mang lại lợi nhuận lớn cho các ngân hàng, bởi lãi suất lớn hơn nhiều so với cho vay thông thường.
Hiện, lãi suất cho vay thẻ tín dụng trung bình từ 18 – 25%/năm nên dễ hiểu khi các ngân hàng không ngừng chào mời khách hàng mở thẻ qua điện thoại, phát tờ rơi hoặc quảng cáo… Các khoản thu từ thẻ tín dụng như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn cũng không hề nhỏ, đem lại nguồn thu lớn cho ngân hàng.
Đối với khách hàng, thẻ tín dụng vẫn có tính ưu việt của nó, góp phần thuận tiện trong các giao dịch trực tuyến, đặc biệt với những người đang có nhu cầu mua hàng hóa nhưng chưa đủ tiền có thể vay qua thẻ tín dụng mà không tốn thời gian đến ngân hàng làm thủ tục. Chưa kể, sau 30 ngày sử dụng thẻ tín dụng nếu khách hàng chưa hoàn trả tiền gốc, ngân hàng mới tính lãi vay.
Lãnh đạo một NHTM cổ phần cho hay, cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ở các NHTM, nhất là phân khúc thẻ, ngày một gay gắt. Các nhà băng không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin, cho nên về mặt kỹ thuật sẽ không có sự cách biệt quá lớn.
Vì thế, “Chìa khóa thành công nằm ở chất lượng dịch vụ thẻ cung cấp cho khách hàng. Ngân hàng nào quan tâm đến chất lượng dịch vụ và yếu tố con người trong phục vụ khách hàng, ngân hàng đó sẽ giành được thị phần trong cuộc đua tranh khốc liệt này”, vị lãnh đạo này nói.
Theo Huyền Anh/thoibaokinhdoanh.vn