Tính chung tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 10 tháng đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.
Khơi thông dòng chảy tín dụng cuối năm
- Cập nhật : 23/10/2017
Hạn mức tín dụng được nới rộng tạo điều kiện cho các ngân hàng có thêm dư địa cho vay, nhất là khi dư nợ dần cải thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, để khơi thông dòng tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Tín dụng tăng trưởng cao
Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh TP.HCM cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 12,16% so với cuối năm 2016, mức tăng trưởng khá cao trong vài năm gần đây.
Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 17,6%, công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, thương mại và dịch vụ tăng 18,1%. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tính đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so với cuối năm 2016. Tín dụng tăng trưởng cao đã hỗ trợ tích cực giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của cùng kỳ năm trước.
“Ước tính 10 tháng đầu năm, tín dụng TP.HCM tăng 14%. Từ nay đến cuối năm còn dư địa khoảng 6% (tức khoảng 100.000 tỷ đồng) để hỗ trợ vốn cho khách hàng trong dịp cao điểm”, ông Minh chia sẻ.
Theo ông Minh, ngân hàng không thiếu vốn để cho vay. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn chính đáng sẽ được tiếp cận vốn vay. Song, để thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, doanh nghiệp cần phải có phương án sản xuất, kinh doanh minh bạch, tính khả thi cao và có tài sản thế chấp.
Ông Minh cũng đưa ra một số giải pháp đối với NHNN - Chi nhánh TP.HCM trong việc tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, đó là: Cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp có uy tín, thông qua Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; điều chỉnh giảm dần lãi suất cho vay ở mức hợp lý; doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ với lãi suất 2-3%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 5-6%/năm đối với trung và dài hạn…
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Việc sống còn đối với nền kinh tế
Chia sẻ về kết nối giữa ngân hàng - doanh nghiệp, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, doanh nghiệp luôn cần vốn và ngân hàng luôn cần khách hàng, nhưng thực tế, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay, trong khi ngân hàng thì khó cho vay.
“Vì vậy, các hội nghị về kết nối ngân hàng-doanh nghiệp liên tục được tổ chức là nhằm đưa ra giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ngân hàng”, ông Tú nói.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, đã có hơn 300 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Các ngân hàng cam kết cho vay gần 570.000 tỷ đồng và đã giải ngân 550.000 tỷ đồng cho khách hàng.
“Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng đã tích cực đổi mới, đưa ra 70 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có 15 chương trình áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Tần chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp là việc sống còn đối với nền kinh tế.
“80% vốn của nền kinh tế dựa vào vốn vay ngân hàng và 80% sức sống của ngân hàng là dựa vào cho vay, trong đó chủ yếu là cho vay doanh nghiệp. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, là quyền lợi của cả đôi bên”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Để gắn kết hơn nữa mối quan hệ này, theo ông Hiếu, doanh nghiệp cần làm tốt “3 có”: Có phương án kinh doanh khả thi, có sức khỏe tài chính và có tài sản thế chấp. Nếu không có tài sản thế chấp thì ngân hàng cần tìm cách cho vay tín chấp.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, các ngân hàng cần đặt niềm tin nhiều hơn vào doanh nghiệp.
“Trong bối cảnh tỷ giá ổn định, lãi suất đã giảm dần, nợ xấu cũng đang được rốt ráo xử lý, thì các ngân hàng cần phải giải quyết tình trạng ‘đói vốn’ của doanh nghiệp”, ông Lịch nói.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Giới chuyên gia cho rằng, việc chịu lãi suất cao khiến doanh nghiệp hạn chế đầu tư trung - dài hạn và điều này không có lợi cho nền kinh tế về lâu dài.
Để chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, theo TS. Trần Du Lịch, các ngân hàng cần tập trung vào những doanh nghiệp có khả năng mở rộng đầu tư, nhưng chưa được ngân hàng yên tâm “chọn mặt gửi vàng”.
“Để gỡ nút thắt này, giúp doanh nghiệp có thể đến với ngân hàng dễ dàng hơn, cần sự phối hợp chặt chẽ của cả cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và ngân hàng”, ông Lịch nói.
4 giải pháp nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Thứ hai, thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tỉnh, thành phố trong việc triển khai chương trình; kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vay vốn ngân hàng.
Thứ ba, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh chương trình bằng cách liên tục rà soát, cải tiến quy trình thủ tục vay vốn; nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay; khuyến khích các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm, trong đó có các gói tín dụng đặc thù cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện và triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phía doanh nghiệp, cần cải thiện hơn nữa trình độ quản trị doanh nghiệp, nâng cao uy tín với các tổ chức tín dụng, tham gia sản xuất-kinh doanh theo chuỗi sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn… (Nguồn: NHNN)
Theo Đầu tư Chứng khoán