tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cơn sốt đầu tư vào Myanmar: Nóng nhất châu Á!

  • Cập nhật : 21/06/2016

Tổng giá trị các khoản đầu tư nước ngoài đã được cấp phép ở Myanmar đã tăng tới 18,4% trong giai đoạn 2015-2016, đạt 9,48 tỉ USD.

Một ngày tháng 5 oi bức ở Myanmar, các nhà đầu tư, doanh nhân trốn cái nắng nóng này trong một quầy Harry’s Bar vừa mới khai trương ở Yangon, vừa tận hưởng ly bia mát lạnh vừa bàn tán rôm rả về các cơ hội đầu tư ở nước này.

Nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân vây quanh Jasmine Thazin Aung, một Giám đốc Điều hành 40 tuổi rất năng động ở Yangon thuộc PricewaterhouseCoopers (PwC). Cô đã từ Singapore trở về nước vào năm 2012 để xây dựng mảng tư vấn doanh nghiệp về M&A. Họ nói với nhau về những ngành đang rất nóng ở Myanmar, đặc biệt là cơ sở hạ tầng và tiêu dùng. “Các dự án cứ liên tục đổ về. Chúng tôi đang phải làm thêm việc. Thị trường chắc chắn sẽ cất cánh sớm thôi mà thực tế, nó đã bắt đầu”, Thazin Aung cho biết.

Với việc Mỹ gỡ bỏ thêm một số cấm vận hồi tháng 5 sau sự kiện đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi chính thức lên nắm quyền, Myanmar đang chào đón dòng vốn đầu tư nước ngoài ồ ạt chảy vào. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng hơn 8% trong năm nay và năm tới. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất ở châu Á. Thu nhập của 54 triệu người tiêu dùng Myanmar cũng đang tăng lên. Những cải cách dự kiến về luật đầu tư trong năm nay theo hướng cởi mở hơn cho người mua nước ngoài sẽ càng gia tăng thêm sức hút của Myanmar.

“Khi đất nước mở cửa, chúng tôi cho rằng sẽ có thêm nhiều cơ hội”, Thura Ko, Giám đốc Điều hành tại YGA Capital và là nhà tư vấn cho công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Mỹ TPG Capital, cho biết. Năm ngoái TPG đã mua 50% cổ phần trong Myanmar Distillery Co. trị giá hơn 100 triệu USD. “Có lượng tiền lớn đáng kể đang chờ đợi rót vào. Các doanh nhân đã bỏ ra công sức, tiền bạc trong hàng chục năm qua cũng sẽ đưa doanh nghiệp của họ bước sang giai đoạn phát triển tiếp theo”, ông nói.

Đầu tư nước ngoài đã được cấp phép ở Myanmar tăng tới 18,4% đạt 9,48 tỉ USD trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2016 so với năm 2015, theo DICA, cơ quan cấp phép đầu tư của nước này. Myanmar có thể thu hút tới 100 tỉ USD vốn FDI vào năm 2030 nếu nước này chi ra số tiền đủ để đạt tiềm năng tăng trưởng kinh tế của mình, theo báo cáo của McKinsey Global Institute.

adb du bao nen kinh te myanmar se tang truong hon 8% trong nam nay va nam toi - anh: son pham

ADB dự báo nền kinh tế Myanmar sẽ tăng trưởng hơn 8% trong năm nay và năm tới - Ảnh: Sơn Phạm

Những thương vụ đang diễn ra cho thấy tiềm năng của thị trường tiêu dùng Myanmar. Colgate - Palmolive (Mỹ) đã mua một doanh nghiệp kem đánh răng Myanmar với giá khoảng 60 triệu USD vào năm 2014. Kirin Holdings Co. (Nhật) mua 55% cổ phần của Myanmar Brewery Ltd., nhà sản xuất bia lớn nhất nước này, với giá 560 triệu USD vào tháng 8 năm ngoái. Axiata Group Bhd. của Malaysia đã rót 125 triệu USD vào một công ty viễn thông hồi tháng 12.

Mặc dù không có thương vụ lớn nào được công bố trong năm nay, nhưng các nhà đàm phán vẫn đang rất năng nổ và tích cực. Khoản đầu tư 2 triệu USD từ Omidyar Network là 1 trong 2 thương vụ đầu tư mạo hiểm được công bố trong năm nay, theo hãng nghiên cứu Preqin Ltd. Hãng đầu tư này đã đồng ý mua cổ phần trong Phandeeyar, một trung tâm công nghệ cộng đồng ở Yangon. Năm ngoái, 4 khoản đầu tư mạo hiểm đã được rót vào các công ty Myanmar trị giá tổng cộng 7,2 triệu USD, theo Preqin.

Chỉ đến lúc này, môi trường đầu tư mới trở nên thuận lợi hơn. Mỹ đã tháo dỡ cấm vận đối với 10 doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng vào tháng 5, dù các lệnh trừng phạt khác vẫn còn đó (Mỹ đã tháo dỡ cấm vận sau những cải cách chính trị của Myanmar vào năm 2012). Sau kết quả bầu cử tháng 11 vừa qua đưa bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD của bà bước lên bục chiến thắng, Bộ Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp Mỹ được sử dụng cảng, đường bộ có thu phí và sân bay ở nước này.

Trong năm nay các nhà làm luật có thể bỏ phiếu về việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp trong nước mà không phải lập liên doanh như quy định hiện tại. Dưới các quy định mới dự kiến, các tổ chức nước ngoài có thể mua tới 35% cổ phần trực tiếp mặc dù điều đó có thể thay đổi vì luật còn phải chờ Quốc hội thông qua trong vài tháng tới, theo ông Aung Naing Oo, Thư ký Ủy ban Đầu tư Myanmar.

“Nếu nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần tự do hơn trong các doanh nghiệp nội địa, chúng tôi dự kiến các thương vụ M&A liên quan đến doanh nghiệp nội địa sẽ tăng lên. Nhiều hoạt động M&A hơn có thể giúp các doanh nghiệp Myanmar tăng trưởng, cải thiện sản phẩm, dịch vụ và hoạt động hiệu quả hơn cùng nhịp với thị trường quốc tế”, ông Aung Naing Oo nói. Và một bộ luật mới cũng sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào nhiều ngành hơn so với hình thức liên doanh hiện tại như khoáng sản và một số hoạt động nông nghiệp.

“Vào lúc này, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ các chính sách của chính phủ mới. Mọi doanh nghiệp ở Myanmar đều đang chờ cơn sốt đầu tư sắp tới”, Takeshi Mukawa, đối tác tại hãng luật Mori Hamada & Matsumoto, nhận xét. Hãng luật này đã mở văn phòng tại Yangon vào năm 2014.

Con sot dau tu vao Myanmar: Nong nhat chau A!

TPG đang tìm kiếm nhiều thương vụ hơn trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông, cơ sở hạ tầng và tiêu dùng, theo Thura Ko. Ngoài thương vụ với Myanmar Distillery Co. hồi năm ngoái, TPG đã đầu tư vào một công ty viễn thông hồi năm 2014, vốn dự kiến xây dựng các tháp điện thoại di động trên khắp Myanmar. Ông David Bonderman, đồng sáng lập TPG, đã đi sang Myanmar vào năm 2012, gặp gỡ quan chức chính phủ, các nhà điều hành doanh nghiệp và bà Aung San Suu Kyi để đánh giá môi trường chính trị và đầu tư ở nước này.

Tại Myanmar Brewery, một cuộc mở rộng quy mô đang diễn ra khi ông Takeshi Minakata, Giám đốc Điều hành của công ty này, đang gia tăng công suất hằng năm tới 50% trong 3 năm, từ mức công suất hiện tại là 200 triệu lít. Ông cho biết người Myanmar “đang thay đổi thói quen để thử những điều mới mẻ và tìm kiếm một lối sống toàn cầu”. Công ty đã giới thiệu 2 loại bia cao cấp mới vào cuối tháng 3 vừa qua nhắm đến người tiêu dùng ở đây. Theo Minakata, tiêu thụ bia bình quân đầu người ở Myanmar, hiện vào khoảng 5 lít/năm, có nhiều dư địa để tăng trưởng. Con số này là 40 lít/năm ở Việt Nam và 30 lít/năm ở Thái Lan, ông cho biết.

Trong khi đó, PMM Partners, được thành lập vào năm 2013 tại Yangon, đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực từ đồ uống có cồn cho đến dầu khí với quỹ đầu tiên 50 triệu USD. Công ty dự định sẽ ra mắt quỹ thứ 2 vào tháng tới, huy động ít nhất 150 triệu USD.

Đối với Nick Powell, Giám đốc Điều hành PMM Partners, sức hút tăng trưởng mạnh của Myanmar đã bù đắp cho những cái chưa được ở đây. Tại Myanmar, một thị trường M&A còn non trẻ, có thể phải mất hàng tháng trời mới đưa được những người bán tiềm năng ngồi tại bàn đàm phán. Và có thể mất 1 ngày trời để lấy được chữ ký, vốn chỉ là một bước trong quá trình gian khổ xúc tiến một thương vụ, Powell cho biết.

Cũng có những rủi ro về biến động tiền tệ. Và những người bán có thể từ bỏ đàm phán khi bị hỏi quá nhiều câu hỏi. Chẳng có luật chơi nào trong giao dịch và có rất ít nhà môi giới thực hiện các giao dịch, theo ông. “Nếu bạn ở đây, chấp nhận những rủi ro của thị trường cận biên, nếu kỳ vọng của bạn không phải là 30-40% mức sinh lời thì bạn không nên ở đây”, Powell nói.

Còn đối với Thazin Aung của PwC, ngày làm việc của cô bận rộn hơn. Cô cho biết, lúc trước khách hàng của cô chỉ hứng thú với việc thảo luận về những thay đổi ở Myanmar, nhưng giờ ngày càng nhiều khách hàng tỏ ra nghiêm túc trong việc tìm kiếm thương vụ và suy nghĩ về một chiến lược tại đây. Văn phòng của cô có thể tăng lên tới 200 người trong vòng 3 năm, từ con số chỉ 4 người khi cô mới quay về nước, theo Thazin Aung.


Đàm Hoa
(Theo Nhịp Cầu Đầu Tư)

Trở về

Bài cùng chuyên mục