tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phú Quốc - Đảo ngọc du lịch của cả nước và thế giới

  • Cập nhật : 06/09/2015
Phú Quốc là hòn đảo du lịch lớn nhất Việt Nam, thuộc huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Từ lâu, Phú Quốc đã nổi tiếng với du khách trong và ngoài nước được mệnh danh là hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Cảnh quan đẹp cùng các bãi tắm sạch là những điểm thu hút ngày càng đông du khách đến với Phú Quốc.


Tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú

Diện tích đảo Phú Quốc 573km², chiều dài 50km, nơi rộng nhất ở phía bắc đảo 25km, có nhiều bãi biển đẹp trải dài từ phía Bắc đến phía Nam và mang trên mình 99 ngọn núi trập trùng, với dãy rừng nguyên sinh trùng điệp một màu xanh ngút ngát ẩn chứa bao điều kỳ thú, bí ẩn khó mà chinh phục, khám phá hết được. Chính vì thế đã tạo cho hòn đảo ngọc này bức tranh “sơn thủy hữu tình,” tiềm năng du lịch dồi dào, phong phú hấp dẫn du khách thập phương.

Đặc biệt năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là K hu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có Phú Quốc, là niềm vinh dự tự hào của người dân nơi hòn đảo.

Những ai chưa biết Phú Quốc đều mong ước một lần đặt chân đến hòn đảo ngọc để thưởng thức những sản phẩm du lịch ở đây như: tắm biển, tắm suối, leo núi, nghỉ dưỡng, ngắm nhìn thắng cảnh thiên nhiên trong mối giao hòa giữa biển - trời - mây - nước - núi rừng.

Sản phẩm du lịch ở đây còn gắn kết với nhiều loại hình tìm hiểu các di tích lịch sử-văn hóa, lịch sử-cách mạng, đời sống phong tục, tập quán cư dân xứ đảo, những làng chài, làng nghề truyền thống, nghiên cứu hệ sinh thái tự nhiên và đặc biệt là tham quan di tích lịch sử Nhà tù Cây Dừa - một biểu tượng đẹp đẽ, sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của đất Nam bộ thành đồng.

Những địa danh như Dương Đông, Dương Tơ, An Thới, Hàm Ninh, bãi Vòng, bãi Khem, bãi Sao, Gành Dầu, Cửa Cạn, suối Tranh, suối Đá Bàn… luôn đọng lại trong lòng du khách khi chia tay Phú Quốc và hẹn ngày trở lại.

Phía Nam đảo có 12 hòn đảo nhỏ to khác nhau thuộc quần đảo An Thới và phía Bắc đảo, với hòn Móng Tay, hòn Đồi Mồi… là những nơi lý tưởng cho các hoạt động du thuyền, câu cá, lặn ngắm san hô, dã ngoại, khám phá đảo hoang.

Những năm qua, tỉnh Kiên Giang đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn khá sang trọng, với khoảng 1.800 phòng đủ tiện nghi sinh hoạt phục vụ du khách tham quan, du lịch Phú Quốc, đồng thời mời gọi và thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch. Đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng phát triển hệ thống giao thông đường bộ kết nối trung tâm huyện đảo Phú Quốc với các điểm du lịch. Hệ thống đường biển, đường hàng không nối đảo Phú Quốc với đất liền được đầu tư nâng cấp đảm bảo vận chuyển hành khách an toàn, thuận lợi.

Hiện nay, đường biển với tàu cao tốc xuất phát từ thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên với 5 chuyến đi và về mỗi ngày, bình quân 150-300 khách/tàu, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách ra đảo. Đường hàng không có sân bay Phú Quốc tầng suất 15-20 chuyến/ngày nối Phú Quốc với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Rạch Giá đưa du khách khắp mọi miền đất nước, khách quốc tế đến với đảo rất tiện lợi.

Ông Trần Quốc Khanh, phó trưởng Phòng Kinh tế huyện đảo Phú Quốc cho biết, bình quân mỗi tháng Phú Quốc đón khoảng 3.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, du lịch, trong đó hơn 30% là khách quốc tế đến từ nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Kiên Giang phấn đấu đến năm 2020 phát triển đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại, chất lượng cao, tầm cỡ các quốc gia trong khu vực và thế giới, làm động lực thúc đẩy phát triển du lịch cả nước, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chủ đạo của đảo gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Để Phú Quốc thật sự là đảo ngọc

Huyện đảo Phú Quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trở thành đặc khu hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Đây là điều kiện thuận lợi để Phú Quốc tiếp tục phát triển ngành du lịch mũi nhọn chủ lực và thật sự trở thành hòn đảo ngọc của đất nước.

Kiên Giang đã quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc đến năm 2020, với mục tiêu năm 2015 đón 1-1,2 triệu lượt du khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 35%, tổng doanh thu 209 triệu USD; năm 2020 đón 2-3 triệu lượt du khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 40%, tổng doanh thu 771 triệu USD.

Phú Quốc khai thác mạnh thị trường khách du lịch nội địa, chú trọng các đô thị lớn trong nước và Đồng bằng sông Cửu Long; mở rộng thị trường quốc tế, nhất là tập trung vào các thị trường có khả năng chi trả cao như Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu và ASEAN.

Phú Quốc đầu tư phát triển và nâng cấp các sản phẩm du lịch gắn với các loại hình tắm biển, nghỉ dưỡng, tham quan thắng cảnh và các di tích lịch sử-văn hóa, lịch sử-cách mạng, du lịch sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí, hội nghị, hội thảo, cắm trại, mua sắm, tham quan làng nghề truyền thống, trang trại, nuôi trồng thủy sản, nghiên cứu sinh thái tự nhiên… Hình thành các tuyến du lịch trên đảo trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc trưng ở từng khu vực phục vụ du khách.

Kết nối Phú Quốc với các trung tâm du lịch quốc gia, các nước trong khu vực và quốc tế. Ngoài ra, Phú Quốc quy hoạch xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, trung tâm hội nghị quốc tế kết hợp dịch vụ casino tại bãi Đá Chồng thuộc ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm phía đông bắc của đảo quy mô 135 ha. Sân bay quốc tế Phú Quốc diện tích 1.000 ha đang tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phục dụ khách du lịch.

Tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện các biện pháp mang tính đột phá, hình thức thích hợp, linh hoạt trong huy động nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước để đầu tư phát triển du lịch đảo Phú Quốc. Đầu tư phát triển nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, dịch vụ gắn với tăng cường đầu tư, hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng cạnh tranh cao với các quốc gia trong khu vực và thế giới, thể hiện được thương hiệu du lịch Phú Quốc. Phát triển du lịch đảo Phú Quốc đặt trong mối quan hệ đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ vững chủ quyền, an ninh quốc gia, đồng thời bảo vệ tài nguyên môi trường bền vững và thân thiện.
 
Lê Huy Hải (TTXVN/Vietnam+)
Trở về

Bài cùng chuyên mục