Tính chung cả năm 2015, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7,94 triệu lượt người, giảm 0,2% so với năm trước và đây là năm đầu tiên khách đến Việt Nam giảm kể từ năm 2009.
Du lịch tăng trưởng mạnh cả 3 chỉ tiêu
- Cập nhật : 25/12/2015
(Du lich)
Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra trên cả 3 chỉ tiêu tăng trưởng về lượng khách, doanh thu và cơ sở vật chất.
Theo báo cáo tổng kết của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, về tăng trưởng số lượng khách, sau 5 năm thực hiện Chiến lược, tốc độ tăng trưởng trung bình khách quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2011-2015 xấp xỉ 5,7%/năm, khách nội địa đạt khoảng 16,3%/năm.
Cụ thể, năm 2011, ngành du lịch đã đón được hơn 6 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 30 triệu lượt khách nội địa. Năm 2014 đón gần 7,9 triệu lượt khách quốc tế và 38,5 triệu lượt khách nội địa. Trong 11 tháng năm 2015, Việt Nam đón được gần hơn 7 triệu khách quốc tế và 53,8 triệu lượt khách nội địa.
So với mục tiêu Chiến lược đặt ra (năm 2015 đạt từ 7-7,5 triệu lượt quốc tế; 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa) thì chỉ tính đến tháng 11 năm 2015 ngành du lịch thực hiện vượt mức 6,7% khách quốc tế và khách nội địa vượt 46%.
Các chỉ tiêu về khách quốc tế còn có thể đạt cao hơn nếu không bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố mang tính toàn cầu như chiến tranh, dịch bệnh và thiên tai...
Ngành du lịch cũng hoàn thành vượt kế hoạch mục tiêu về tổng thu từ du lịch và đóng góp vào GDP với mức tăng trưởng trung bình hơn 25%/năm. Nếu như năm 2011 tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 130.000 tỷ đồng, đến năm 2014 đạt 230.000 tỷ đồng, thì 11 tháng năm 2015 đã đạt gần 313.000 tỷ đồng.
Như vậy, so với mục tiêu của Chiến lược về thu nhập ngoại tệ (năm 2015 đạt 10-11 tỷ USD, tương đương 220.000-230.000 tỷ đồng theo giá hiện hành), thì thực tế có thể vượt hơn 100.000 tỷ đồng (tương đương 44%).
Chỉ tiêu về cơ sở vật chất kỹ thuật và lao động ngành du lịch cũng đạt vượt kế hoạch ban đầu đề ra: Đến năm 2015, cả nước đã có 14.535 cơ sở lưu trú với hơn 419.280 buồng. Bình quân tăng trưởng số buồng khách sạn là 15,87%/năm.
Như vậy, nếu so với mục tiêu 390.000 buồng của Chiến lược đặt ra thì trên thực tế đã phát triển hơn 29.000 buồng.
Các cơ sở lưu trú du lịch đã được xếp hạng 3-5 sao bao gồm: 91 cơ sở hạng 5 sao với 24.412 buồng; 219 cơ sở hạng 4 sao với 27.649 buồng; 442 cơ sở hạng 3 sao với 30.799 buồng. Các cơ sở 1-2 sao và đạt tiêu chuẩn kinh doanh gồm: 13.880 cơ sở với 335.420 buồng các loại.
Trong lĩnh vực khách sạn, đã hình thành những khu du lịch (resorts) cao cấp tại các bãi biển miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ, Phú Quốc và một số bãi biển phía Bắc theo mục tiêu Chiến lược đã đặt ra. Chất lượng khách sạn được nâng cao.
Đặc biệt, xu hướng huy động nguồn vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng đã diễn ra rất mạnh trong 5 năm qua.
Lĩnh vực khách sạn thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Sự hiện diện của các tập đoàn quản lý khách sạn hàng đầu thế giới như Accord, IHG, Mariot, Movenpick, Park Hyatt, Starwood, Hilton, Victoria…; sự hình thành chuỗi khách sạn Vinpearl của tập đoàn Vingroup, Sun Group, Mường Thanh, khách sạn A25, khách sạn Golf, Công ty H&K… đã nâng cao cả số lượng và chất lượng khách sạn cũng như năng lực phục vụ khách của du lịch Việt.
Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp được đầu tư đã hướng tới phân khúc khách hạng sang với mức chi tiêu lớn.
Số lao động trong ngành du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp) tăng trưởng bình quân 13,4%, chiếm 2,5% trong tổng số lao động trong cả nước với hơn 1,2 triệu lao động.
Mặc dù còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng ngành du lịch Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, vượt kế hoạch đặt ra. Du lịch đang thực sự là một ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp tích cực cho GDP bằng doanh thu, ngoại tệ và tạo công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tại những khu vực khó khăn không có điều kiện phát triển công nghiệp như miền Trung và Duyên hải Nam Trung Bộ, du lịch đã góp phần xóa đói giảm nghèo, qua đó thay đổi bộ mặt của địa phương.