Việc tiếp cận các chân hàng (nơi tập trung các đầu mối thu gom hàng hóa) nhập khẩu than có quy mô lớn, không có yêu cầu cao về kỹ thuật nhưng vẫn nằm ngoài tầm với của đội tàu biển Việt Nam.
Ngành dệt thu hút gần 5 tỷ USD vốn FDI
- Cập nhật : 05/08/2017
Trong 5 năm qua (2012 - 2016), ngành dệt đã thu hút 5 tỷ USD từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần lớn vào việc gia tăng năng lực sản xuất, giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu.
Đài Loan, Hàn Quốc đầu tư gần 2 tỷ USD vào ngành dệt Việt Nam
Năng lực ngành dệt may xuất khẩu hiện nay nếu chạy hết công suất có thể đạt tới 35 - 36 tỷ USD/năm, trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng góp tới 65%.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tổng số 4,981 tỷ USD vốn FDI chảy vào 228 dự án thuộc ngành dệt trong 5 năm qua, chỉ có 5 dự án liên doanh, với tổng vốn đăng ký 192 triệu USD; 4,789 tỷ USD còn lại thuộc về 223 dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Dù số lượng dự án đầu tư vào Việt Nam không lớn, chỉ 22 dự án, nhưng Đài Loan hiện dẫn đầu trong số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào ngành dệt Việt Nam, với 1,016 tỷ USD, vượt xa các nước ở thứ hạng tiếp theo như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…
Ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA) cho biết, xuất khẩu của ngành dệt may, trong đó có sợi, vải gia tăng nhanh chóng nhờ vào dòng vốn FDI. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu sợi đạt tới gần 3 tỷ USD trong năm 2016, có đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp như Texhong (Hồng Kông), Tainan Spinning, Polytex Far Eastern (Đài Loan)…
Điểm chung của dòng vốn trong giai đoạn này là, tuy số lượng dự án ít, nhưng tổng vốn đầu tư lớn.
Trong khi đó, làn sóng đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam đã giúp vốn Hàn chảy vào ngành dệt đạt con số 865,9 triệu USD, với 79 dự án, đứng thứ 2 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào ngành này tại Việt Nam.
Trung Quốc chỉ có 26 dự án, nhưng vốn đầu tư đứng thứ 3, với 680 triệu USD.
Bình Dương, Đồng Nai dẫn đầu với gần 2,5 tỷ USD
Bình Dương, Đồng Nai là 2 địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI vào ngành dệt may, với gần 2,5 tỷ USD, trong đó, Bình Dương thu hút được 1,267 tỷ USD và Đồng Nai thu hút 1,137 tỷ USD. Địa phương đứng thứ 3 về hút vốn FDI vào lĩnh vực này là Tây Ninh, với 799,5 triệu USD.
Theo số liệu của Sở Công thương tỉnh Bình Dương, 6 tháng năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 13 tỷ USD, tăng 16,7%, trong đó, dệt may đóng góp gần 1,6 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Xuất khẩu hàng dệt may của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá do lượng đơn hàng xuất khẩu khá dồi dào. Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh đã có đơn hàng đến hết quý III/2017, nhiều doanh nghiệp lớn đã ký hợp đồng đến hết năm 2017.
Đại diện Sở Công thương dự báo năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Bình Dương có khả năng vượt mốc 3,5 tỷ USD.
Với Đồng Nai, trong 6 tháng đầu năm, dệt may, xơ sợi đã mang về giá trị xuất khẩu gần 1,55 tỷ USD, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 8 tỷ USD của toàn tỉnh.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp FDI dệt may đã có đóng góp rất lớn cho xuất khẩu của tỉnh. Hàng trăm triệu USD vốn FDI từ các dự án tăng vốn trong nửa đầu năm nay tiếp tục là cơ sở để gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu của địa phương này trong thời gian tới.
Thế Hải
Theo Baodautu.vn