Công ty xe lửa-lữ hành Seibu Railway hy vọng sẽ có 1 bước nhảy quan trọng trong thiết kế nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập của công ty vào năm 2018.
Y thuật Tây Tạng: Những phương pháp chữa bệnh bí ẩn
- Cập nhật : 12/03/2016
(Tin Kinh Te)
Y học Tây Tạng cho rằng ngoài 2 nhóm bệnh thể xác và tinh thần còn có một số chứng bệnh “không phải do người” gây ra
Quan điểm này cũng rất phổ biến ở vùng miền Bắc Trung Hoa và Malaysia. Những bệnh ấy không thể chữa bằng thuốc hoặc phương pháp trị liệu thông thường. Y sư Tây Tạng khi gặp những trường hợp này sẽ chuyển ngay bệnh nhân đến các vị chức sắc tôn giáo đạo cao đức trọng để chữa bằng phù chú hoặc các phương cách thần bí.
Trang sức cũng là dược liệu
Đồ trang sức là vật không thể thiếu đối với người Tạng, nhất là các thiếu nữ. Những chiếc vòng tay, vòng cổ, nhẫn, hoa tai rất lớn bằng bạc, lục bảo thạch, hồng bảo thạch, san hô, xương động vật, gỗ quý... với đủ hình thù, màu sắc, âm thanh luôn gợi lên cảm giác huyền bí lạ lùng. Đồ trang sức của người Tạng không chỉ là phong cách mà còn văn hóa - tôn giáo. Hầu hết các vòng kiềng, nhẫn đều có khắc 6 chữ bùa “án ma ni bát mê hồng”(om mani patme hum) gọi là lục tự chân ngôn.
Phật giáo Tây Tạng cho rằng thường trì tụng hay đeo 6 chữ này sẽ tiêu trừ bệnh khổ, không còn lo lắng, tăng tuổi thọ và sung túc. Nhiều vòng cổ tạo hình gậy kim cang, đây là đồ pháp khí dùng để hàng ma phục yêu, đeo trên người giúp tăng sức mạnh, trí tuệ, tiêu trừ tội chướng. Người Tạng rất hay dùng những chiếc hộp trang sức bằng bạc hay đồng, trên khảm hình Phật bằng vàng hay ảnh của “hoạt Phật” (Phật sống) bảo thạch, trân châu như là bùa hộ thân. Những đồ trang sức có gắn hạt châu cũng mang ý nghĩa đặc biệt: Người Tạng thường khảm từ 1 đến 12 hạt châu, 1 hạt tượng trưng cho trí tuệ quang minh, 2 hạt tượng trưng cho vợ chồng hòa thuận, gia đình hạnh phúc...
Kim loại vàng vừa là vật trang sức vừa là dược liệu trị bệnh của người Tạng. Vàng chế thành kim châm cứu, bột vàng được dùng bào chế các viên thuốc “Bảo hoàn”… Liệu pháp châm cứu rất được người Tạng ưa dùng vì đơn giản và hiệu quả. Chỉ có điều, khác với Trung y, kim dùng để châm cứu của y sư Tây Tạng là một cái “đinh” bằng vàng ròng lớn, chế tạo rất công phu. Từ xa xưa, người Tạng đã hiểu đặc tính của vàng, thường dùng kim vàng để hút những tạp vật ô uế trong khí mạch. Mỗi chiếc kim chỉ dùng tối đa 20 lần, sau đó mua thỏi vàng ròng khác chế thành kim mới.
Thần dược “Bảo hoàn”
Trong y học Tây Tạng, ngoài những phương pháp chữa bệnh bằng ăn uống, điều chỉnh sinh hoạt, châm cứu, trích máu, xoa bóp… còn có một loại thuốc viên tương tự đan dược trong Đạo giáo Trung Hoa, gọi là “Bảo hoàn” được truyền từ rất lâu đời. Đây là thứ thuốc độc đáo của người Tạng, được bào chế công phu từ các loại dược liệu quý giá của động, thực vật, khoáng vật. Thành phần của nhiều loại bảo hoàn còn có vàng, kim cương, hồng bảo thạch, bạc… Bảo hoàn rất quý và công hiệu, người Tạng thường mang theo bên mình như bùa hộ mạng. Có các loại bảo hoàn cổ truyền nổi tiếng sau:
Đại Bảo Hàn Huyền: Loại viên hoàn này có giá trị phòng chữa bệnh rất lớn nhưng quá trình chế tạo rất phức tạp, thành phần toàn là dược liệu quý hiếm, có cả bột hồng bảo thạch, kim cương, ngọc phỉ thúy và hơn 100 loại thảo dược quý giá khác. Ngoài tác dụng chống độc, bài độc rất công hiệu, Đại Bảo Hàn Huyền còn có khả năng chữa trị các dạng ung thư thời kỳ đầu và thời kỳ giữa, chữa các chứng nhiệt bệnh, bệnh khớp.
Giữa năm 1980, một xưởng chế tạo hóa chất ở Ấn Độ bị cháy nổ rất lớn, làm tử thương nhiều người. Vụ nổ hóa chất này làm cho những người còn sống ở xung quanh bị nhiễm độc nặng nhưng những người Tây Tạng tụ cư gần đó thì hoàn toàn miễn nhiễm, không bị trúng độc hoặc bị rất nhẹ. Một hội đồng khoa học được thành lập để làm rõ việc này. Kết quả là các chuyên gia phát hiện những người dân Tạng ấy đều có uống qua Đại Bảo Hàn Huyền vào hôm xảy ra vụ nổ hoặc đã uống mấy ngày trước đó. Thậm chí, một số người chỉ mang thuốc này trong người cũng may mắn thoát khỏi nhiễm độc nhờ khả năng kháng độc rất cao.
Bảo Như Ý Châu: gồm 16 loại dược liệu chủ yếu và 70 loại thứ yếu chế thành, trong đó có thành phần các loại khoáng sản quý như vàng, bạc, tùng thạch, lưu ly, trân châu, san hô, đặc biệt là loại đá quý đặc hữu của Tây Tạng gọi là “thiên châu”; các loại thực vật như đậu khấu, trúc hoàng, đinh hương… Đây là thứ thuốc chống độc cực kỳ linh nghiệm, dùng trị các chứng trúng độc thực phẩm, nọc độc rắn, côn trùng, cùng các bệnh thần kinh, bại liệt, tim mạch, ung thư giai đoạn đầu.
Bảo Cổ Tùng: Gồm 25 loại dược liệu chế thành, thành phần chủ yếu có bột trân châu, san hô, tùng bảo thạch, kha tử, tử đàn hương… Chủ yếu dùng trị các bệnh về gan, xơ gan cổ trướng, xơ gan, tiêu hóa không tốt, chảy máu mũi, khô khát…
Bảo Tịnh Nguyệt Tinh: Là thứ thuốc rất được người Tạng tôn sùng. Đây là bài thuốc của một danh y người Tạng truyền lại từ thế kỷ XV, gồm 50 loại khoáng vật, thực vật chế thành. Thuốc này chủ trị các bệnh về hô hấp, lao phổi, phù thũng, đau dạ dày… Thường dùng Bảo Tịnh Nguyệt Tinh làm cho tóc dài và đen mượt, tăng cường trí nhớ, bồi bổ cơ thể.
Đại Thiết: phối hợp bột sắt với nam châm cùng 49 vị thuốc khác, dùng phòng và trị các bệnh về mặt và kinh mạch vùng thị giác, như xung huyết, đồng tử quá mẫn, sợ ánh sáng, khô nhãn cầu, giảm thị lực… rất công hiệu. Ngoài ra còn dùng thuốc này để chữa trúng độc, bệnh gan mật và máu làm đau mắt.
Đại Bảo Tích: Gồm hơn 50 vị chế thành viên, chủ trị các bệnh về máu, máu tuần hoàn không đều, thiếu máu, thổ huyết, xơ cứng mạch máu. Thuốc này còn có tác dụng bài thải những độc tố tích lũy trong cơ thể do thức ăn chứa hóa chất, ô nhiễm môi trường…
Nội bệnh và ngoại bệnh
Y học Tây Tạng chia bệnh tật thành 2 loại là “nội bệnh” và “ngoại bệnh”. Ngoại bệnh là những bệnh khổ từ thể xác và tinh thần, có thể dùng thuốc, châm cứu, trích máu… để điều trị. “Nội bệnh” là lòng tham lam, sân hận và mê muội, là nguyên nhân chủ yếu gây ra, không thể trị bằng phương pháp thông thường. Chúng ta thường cho rằng bệnh thường do những nhân tố bên ngoài như ô nhiễm môi trường, vi khuẩn… gây ra nhưng thực ra đây chỉ là thứ yếu, chủ yếu vẫn do “tam độc” tham - sân - si, hai thứ này kết hợp với nhau mà gây “ngoại bệnh”.
Theo Người Lao Động