Trí thông minh nhân tạo (AI) không chỉ làm thay đổi cuộc sống của con người, mà còn có thể dẫn tới nhiều thay đổi lớn trên cục diện địa chính trị.
Trí thông minh nhân tạo: Hồi kết hay sự khởi đầu mới của việc làm?
- Cập nhật : 15/06/2017
AI là bước tiếp theo trong việc cải thiện các chức năng nhận thức và thực hiện quyết định của con người.
Trí thông minh nhân tạo (AI) đang tiến bộ nhanh đến nỗi ngay cả những người phát triển nó cũng không ngờ tới. Tại một diễn đàn ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1, nhà đồng sáng lập Google là Sergey Brin đã nói rằng AI “chạm tới mọi dự án chính của chúng tôi, từ tìm kiếm, đến hình ảnh và quảng cáo... nó chắc chắn đã khiến tôi ngạc nhiên, dù tôi đang ngồi ngay ở đó”.
Những hệ thống AI mạnh mẽ mà chúng ta đã thấy trong các câu chuyện khoa học giả tưởng đang đến rất gần, và loài người cần được chuẩn bị. Ngày nay, AI đang cung cấp sức mạnh cho các trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói như Google Home, Amazon Alexa và Apple Siri, cho phép chúng có những cuộc đối thoại ngày càng tự nhiên hơn với chúng ta, biết cách bật tắt các bóng đèn, đặt thức ăn và lên lịch họp. Các doanh nghiệp đang đưa AI vào sản phẩm của họ để phân tích những lượng dữ liệu khổng lồ và cải thiện việc thực hiện quyết định. Trong một hoặc hai thập kỷ tới, chúng ta sẽ có những trợ lý robot, khiến chúng ta nhớ lại hình ảnh của Rosie trong phim “The Jetsons” hay R2-D2 trong “Star Wars”.
Điều này hiện có những tác động sâu sắc đến cách chúng ta sống và làm việc, theo hướng có thể tốt hoặc xấu. AI sẽ trở thành người hướng dẫn và bạn đồng hành của chúng ta, nhưng cũng sẽ lấy mất hàng triệu việc làm khỏi bàn tay con người. Chúng ta có thể phủ nhận chuyện này đang xảy ra, hoặc tức giận hay đơn giản là phớt lờ nó. Nhưng nếu làm thế thì chúng ta là những người thua cuộc. Như học giả Vivek Wadhwa đã viết trong cuốn “Driver in the Driverless Car” (Tài xế trong chiếc xe tự lái), công nghệ giờ đây đang tiến bộ với tốc độ cấp số mũ và đang biến khoa học giả tưởng thành hiện thực. Chúng ta không thể ngăn chặn điều đó. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là hiểu nó và sử dụng nó để làm cho chính chúng ta và nhân loại tốt hơn.
Những robot như Rosie và R2-D2 có thể đang trong quá trình thành hiện thực, nhưng AI vẫn còn rất hạn chế về mặt khả năng, và sẽ như vậy trong một thời gian dài. Các trợ lý ảo điều khiển bằng giọng nói là ví dụ về những gì mà các nhà công nghệ gọi là AI hẹp: các hệ thống có ích có thể tương tác với con người và mang một số đặc điểm của sự thông minh – nhưng sẽ không bao giờ bị nhầm lẫn với con người. Tuy nhiên, trong nhiều công việc cụ thể, chúng có thể làm một công việc tốt hơn so với con người. Chẳng hạn, không phải ai cũng có thể nhớ được hết các diễn biến trong mọi trận đấu bóng chày của Mỹ từ đêm hôm trước.
Các hệ thống AI hẹp thì giỏi hơn nhiều so với con người trong việc xử lý thông tin được lưu trữ trong các cơ sở dữ liệu phức tạp, nhưng chúng không có khả năng suy nghĩ sáng tạo. Nếu bạn yêu cầu trợ lý ảo Siri tìm món quà hoàn hảo cho mẹ mình nhân ngày Valentine, thì nó có thể đưa ra một bình luận mang tính “đanh đá” nhưng không thể đưa ra được một dự đoán có suy luận được. Nếu bạn yêu cầu nó viết luận văn về các cuộc chiến của Napoleon thì nó chẳng giúp được gì. Đó là những lúc cần đến yếu tố con người và là cơ hội cho chúng ta được hưởng lợi từ AI mà vẫn có việc làm.
Trong cuốn sách “Deep Thinking: Where Machine Intelligence Ends and Human Creativity Begins” (Nghĩ sâu: Điểm dừng của trí tuệ máy móc và điểm khởi đầu của óc sáng tạo con người) của ông, đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov kể lại cú sốc và sự tức giận của mình khi bị siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại hồi năm 1997. Ông thừa nhận rằng mình rất tức giận sau khi thua, nhưng cũng thấy bị tổn thương vì có một cỗ máy thông minh hơn mình. Kasparov đã biết về sự phát triển của công nghệ nhưng chưa bao giờ tin rằng nó sẽ đánh bại ông ngay trong lĩnh vực sở trường của mình. Sau khi nghiền ngẫm thất bại của mình, 20 năm sau, ông nói rằng con người nên có các cơ chế kiểm soát (failsafe) với máy móc, nhưng cũng đồng thời cần thêm sự can đảm.
Kasparov viết: “Khi tôi ngồi đấu với Deep Blue cách đây 20 năm, tôi ý thức được có một điều gì đó mới mẻ, một điều gì đó khiến tôi lo lắng. Có lẽ bạn sẽ trải qua cảm giác tương tự lần đầu khi bạn đi một chiếc xe không người lái, hay lần đầu vị “sếp” máy tính mới của bạn đưa ra một mệnh lệnh ở nơi làm việc. Chúng ta phải đối mặt với những nỗi sợ hãi này để đạt được hiệu quả tối ưu từ công nghệ của mình và kết quả tốt nhất từ chính nỗ lực của chúng ta. Các cỗ máy thông minh sẽ tiếp tục quá trình đó, chúng sẽ kiểm soát nhiều khía cạnh liên quan đến việc làm hơn và nâng cuộc sống tinh thần của chúng ta hướng đến sự sáng tạo, hiếu kỳ, vẻ đẹp và niềm vui. Đây mới là những điều thật sự biến chúng ta thành con người, chứ không phải bất kỳ một hoạt động đặc biệt hay kỹ năng nào, như quai một chiếc búa hay thậm chí là chơi cờ chẳng hạn”.
Nói cách khác, theo Kasparov, chúng ta nên làm quen với AI và tìm cách tận dụng nó.
Sự vượt trội của con người đối với các động vật khác là nhờ khả năng tạo ra công cụ. Khả năng suy nghĩ để tạo ra những đồ vật giúp cải thiện khả năng sống sót của chúng ta đã dẫn đến một sự chọn lọc tự nhiên ngay trong những người làm dụng cụ và người dùng công cụ. Gần như mọi chuyện con người làm đều có liên quan đến công nghệ. Để cộng các con số, chúng ta đã dùng các bàn tính, rồi những chiếc máy tính và giờ đây là các bảng tính. Để cải thiện trí nhớ, chúng ta đã viết trên các tảng đá, da, giấy, rồi giờ đây có ổ cứng và dịch vụ lưu trữ đám mây.
AI là bước tiếp theo trong việc cải thiện các chức năng nhận thức và thực hiện quyết định của chúng ta.
Hãy suy nghĩ về điều này: lần cuối bạn cố gắng ghi nhớ lịch trình của mình, hay sổ Rolodex, hay sử dụng một bản đồ giấy là khi nào? Chỉ vì làm mọi thứ theo bản năng trên các điện thoại thông minh của mình nên chúng ta sẽ phụ thuộc vào AI. Chúng ta có thể đã mất đi các kĩ năng như khả năng cộng dồn giá cả hàng tạp hóa, nhưng chúng ta hiện thông minh hơn và có năng suất cao hơn. Với sự giúp đỡ của Google và Wikipedia, chúng ta có thể là chuyên gia về bất kì đề tài nào, và những điều này không hề khiến cho chúng ta bị “dốt” hơn so với thời chúng ta còn phải nhờ đến sự trợ giúp của các quyển từ điển bách khoa, các sổ tay điện thoại và các thủ thư.
Một lo ngại có logic là sự phụ thuộc vào AI có thể khiến chúng ta mất đi sự sáng tạo của con người. Như Kasparov quan sát thấy, các trò chơi cờ trên điện thoại thông minh của chúng ta hiện có AI mạnh hơn nhiều lần so với các siêu máy tính từng đánh bại ông, nhưng điều này không khiến các kì thủ trở nên kém cỏi hơn – mà điều ngược lại đã xảy ra. Giờ đây có những kì thủ mạnh hơn trên khắp thế giới và mặt bằng chung của môn cờ vua đã được nâng cao.
Kasparov giải thích rằng: “Trước đây, những kì thủ trẻ tuổi có thể có cách chơi giống với các huấn luyện viên ban đầu của họ. Nếu một huấn luyện viên thích khai cuộc sắc bén và chơi tấn công nhiều hơn, thì các học trò của ông ta sẽ chơi tương tự. Điều gì sẽ xảy ra khi vị huấn luyện viên có tầm ảnh hưởng ban đầu ấy là một máy tính? Cỗ máy đó không quan tâm đến phong cách hay khuôn mẫu hay hàng trăm năm lý thuyết đã được hình thành. Nó chỉ tính đến giá trị của các quân cờ, phân tích vài tỉ nước đi, và tính toán lại lần nữa. Nó hoàn toàn không có thành kiến và học thuyết. Sử dụng máy tính nhiều vào việc luyện tập và phân tích đã góp phần vào sự phát triển của một thế hệ kì thủ hầu như không bị vướng vào giáo điều, tương tự như các cỗ máy mà họ tập luyện cùng”.
Có lẽ đây là lợi ích lớn nhất mà AI sẽ mang lại - con người có thể không bị vướng phải giáo điều và thành kiến lịch sử. Nó có thể đưa ra những quyết định thông minh hơn. Và thay vì thực hiện những phân tích dữ liệu hay xử lý các con số một cách lặp đi lặp lại, thì con người có thể tập trung vào việc nâng cao kiến thức và trở nên sáng tạo hơn.
Lê Thanh Hải
Theo Nhipcaudautu.vn