Hà Nội đã cho thấy tầm nhìn dài hạn và bước đi hiệu quả khi chính thức khánh thành Trung tâm Nghiên cứu - Chuyển giao và Giám định công nghệ vào ngày29/10.
'Tam quốc diễn nghĩa' trên thị trường Internet Trung Quốc
- Cập nhật : 24/10/2015
(The gioi)
Baidu, Alibaba và Tencent là cái tên thống trị thị trường Internet Trung Quốc và đủ quyền lực để quyết định người thắng kẻ thua trong cuộc chiến khởi nghiệp.
Wall Street Journal ví đây như thời kỳ "Tam quốc diễn nghĩa" trong lịch sử Trung Quốc cách đây 1.800 năm.
3 đế chế này được gọi tắt với cái tên - BAT. Baidu, thi thoảng được gọi là Google Trung Quốc, hiện sở hữu thị phần áp đảo trong mảng tìm kiếm. Alibaba cũng có vị thế tương tự tại mảng thương mại điện tử. Còn Tencent là kẻ thống trị truyền thông xã hội.
Các công ty này đang chi hàng tỷ USD để đón đầu làn sóng chuyển sang dùng smartphone và các thiết bị di động khác tại Trung Quốc. Việc này đang biến họ trở thành những người "có quyền sinh sát" trong thế giới khởi nghiệp.Túi tiền rủng rỉnh và mức độ hiện diện của các hãng này trong cuộc sống thường ngày của người Trung Quốc đang khiến họ nhận được những cái nhìn trái chiều. Một số hãng khởi nghiệp coi đây là những con quái vật nghiền nát các công ty mới, trong khi số khác cho rằng họ là những vị cứu tinh với những lời chào mua hấp dẫn.
"Những năm gần đây, tôi đã đọc rất nhiều trên Internet về việc BAT đã lấy mất cơ hội lớn của các công ty nhỏ như thế nào. Một số người còn nói: 'Với ba trái núi như BAT, làm sao chúng tôi có cơ hội được?'", Chủ tịch Alibaba – Jack Ma cho biết trong một hội thảo tuần trước.
Tuy nhiên, ông đã bác bỏ lo ngại này: "3 hay 7 ngọn núi đâu phải là vấn đề. BAT sẽ tiếp tục phát triển. Và các hãng khởi nghiệp cũng vẫn có cơ hội giành chiến thắng".
Jesse Lu - đồng sáng lập hãng ứng dụng di động - Raven Tech cho biết khi mở công ty vào tháng 5/2014, nhiều nhà đầu tư đã từ chối rót vốn vào công ty anh. Do Raven Tech sẽ cạnh tranh với BAT, đặc biệt là Baidu. Dù vậy, anh cũng đã nhận được 15 triệu USD từ các quỹ Mỹ và Trung Quốc.
Ma Jie – đồng sáng lập hãng an ninh di động – Anquanbao thì nhớ lại khi lập công ty năm 2011, các nhà đầu tư từng hỏi anh: "Nếu BAT copy sản phẩm của anh thì sao?".
"Chúng tôi đều sống trong lo sợ, vì BAT khi đó không thích mua công ty như ngày nay đâu. Thi thoảng, họ bắt chước ý tưởng của anh và tung ra thị trường sản phẩm tương tự, dĩ nhiên ưu việt hơn, do họ có tiền và có người", Ma cho biết. Đầu năm nay, anh đã bán công ty cho Baidu.
Người phát ngôn của Alibaba khẳng định công ty luôn hỗ trợ các doanh nhân trong việc sáng tạo. "Chúng tôi không chọn đâu là người thắng và đâu là kẻ thua", cô cho biết. Người phát ngôn của Baidu thì khẳng định họ đầu tư vào các hãng khởi nghiệp phù hợp với chiến lược kinh doanh của mình. "Chúng tôi không đầu tư theo kiểu mua và diệt. Chúng tôi muốn xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi", ông nói.
Các hãng khởi nghiệp Mỹ cũng có khó khăn tương tự do sự thống trị của Facebook, Amazon, Google và Apple. Tuy nhiên, BAT được cho là có động thái mạnh mẽ hơn và ảnh hưởng lớn hơn.
3 công ty này đã đầu tư vào mua lại hàng trăm doanh nghiệp mới trong vài năm gần đây để mở rộng tầm với trong mảng Internet di động, đặc biệt với các ứng dụng có thể kết nối người dùng online với dịch vụ offline. Từ đầu năm 2014 đến tháng 7/2015, các công ty này đã đổ hơn 10 tỷ USD vào các dịch vụ theo yêu cầu, hãng nghiên cứu McKinsey cho biết.
Ví dụ, cả ba hãng đều đã đổ tiền vào các dịch vụ giao đồ ăn lớn nhất thị trường. Alibaba đầu tư vào Meituan.com, Tencent là cổ đông Dianping Holdings, còn Baidu rót tiền vào Baidu Waimai. Để giành thị phần và khách hàng, các ứng dụng này đều trợ giá để suất ăn có giá thấp nhất.
Việc này đã khiến Sun Hao – CEO một hãng ứng dụng giao đồ ăn nhỏ hơn – Daojia cảm thấy khó khăn, vì cuộc chiến giá đã kéo lợi nhuận của anh xuống. Giờ anh nhận được ít tiền hoa hồng từ các nhà hàng hơn, và còn phải trả lương cao hơn cho các nhân viên giao nhận. "BAT đã bóp méo thị trường bằng túi tiền của họ", anh nói.
Dù vậy, với một số công ty, mối quan hệ với BAT có thể rất ngọt ngào. Hồi tháng 8, một ngày trước khi ký thỏa thuận nhận đầu tư từ Tencent, CEO Edaixi – Lu Wenyong đã ngồi ăn trưa với sếp cũ – CEO Baidu – Robin Li. Sau đó, Baidu và hai nhà đầu tư khác đã nhanh chóng đề nghị đầu tư vào đây 100 triệu USD, hơn mức kỳ vọng 60-70 triệu USD mà Edaixi đang tìm kiếm. Vòng huy động vốn trước, Tencent cũng đã đổ tiền vào công ty này.
Ma Jie cũng rất lạc quan khi cho biết, các doanh nhân trẻ nên nghĩ rằng, nhờ có Baidu, Alibaba và Tencent, mà giờ đây "anh có gấp 3 cơ hội bán lại công ty".