Với dân số hơn 600 triệu người, GDP đạt 2,31 nghìn tỷ USD năm 2016, Đông Nam Á được đánh giá là thị trường lớn, đặc biệt là lĩnh vực IoT (Internet of Things) - mạng lưới kết nối vạn vật qua Internet.
Nhiều nền kinh tế mới nổi châu Á thắng lớn nhờ kỹ thuật số
- Cập nhật : 18/05/2017
Châu Á đang theo đuổi cuộc cách mạng kỹ thuật số. Theo báo cáo mới của hãng Deloitte, các nước đang phát triển ở khu vực đang tham gia vào lĩnh này nhanh hơn dự kiến dù có mức thu nhập tương đối thấp.
Bloomberg trích báo cáo mới của Deloitte cho biết từ Philippines cho đến Indonesia, nhiều nước châu Á đang nhảy vào kỹ thuật số. Đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế, sự thay đổi này là vấn đề lớn. Chính phủ, doanh nghiệp và người tiêu dùng đang dùng công nghệ kỹ thuật số để vượt qua nhiều rào cản với sự phát triển.
Tại Ấn Độ, nước đang có số người dùng Facebook nhiều hơn Mỹ, số lượng giao dịch kỹ thuật số tăng 59% trong tháng 3 so với tháng 12.2016 - tháng đầu tiên chính phủ nước này công bố quyết định đổi tiền. Ở Indonesia, hiện có 1,3 chiếc điện thoại di động trên đầu người và phần lớn người dùng Internet thích lên mạng bằng điện thoại. Điều này giúp chính phủ và người dân kết nối tốt hơn. Indonesia cũng có nhiều người dùng Twitter hơn Anh.
Hãng Deloitte viết: “Châu Á đã trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhờ việc xem trọng kỹ thuật số, khu vực sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thập niên tới”.
Trung Quốc đang là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới trong khi Singapore và các nước châu Á khác giành được vị thế trong cuộc cạnh tranh thu hút, phát triển tài năng kinh doanh toàn cầu giữa lúc thúc đẩy xây dựng nhiều trung tâm công nghệ cao.
Tiềm năng tăng trưởng của nhiều ngành công nghiệp vẫn còn lớn tại các nước nghèo hơn. Ở Indonesia, 73% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ hoạt động hoàn toàn không dùng hoặc dùng rất ít Internet. Philippines, Ấn Độ và Indonesia có tỷ lệ ứng dụng ngân hàng số thấp nhất ở châu Á.
Thu Thảo
Theo Thanh Niên