Một công ty QLQ quy mô vốn 25 tỷ hoàn toàn có thể xây dựng được hệ thống hiệu quả, cho phép quản lý danh mục có quy mô lớn gấp nhiều lần.
Nên mua vào cổ phiếu cơ bản có vị thế?
- Cập nhật : 04/10/2015
(Chung khoan)
Các chuyên gia đánh giá thị trường hiện tại vẫn thiếu vắng động lực bứt phá và tâm lý thận trọng sẽ duy trì trong các phiên tới.
Cả hai chỉ số nhiều khả năng giao động tích lũy nhằm kiểm nghiệm các ngưỡng kháng cự. Theo đó, cổ phiếu cũng chủ yếu biến động trong mức giá hẹp, đồng thời khối ngoại đang mua bán khá cân bằng. Như vậy, nếu không có gì thay đổi, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục tích lũy.
Tuy nhiên, có điểm lưu ý là trong giai đoạn như thế này, thị trường sẽ rất nhạy cảm với tin tức và có thể sẽ biến động mạnh trong thời gian ngắn khi có tin tức bất ngờ xuất hiện.
Nhà đầu tư (NĐT) ngắn hạn nên mua vào trong các phiên điều chỉnh và nhanh chóng chốt lời, còn trung và dài hạn có thể cân nhắc mua vào các cổ phiếu cơ bản để có vị thế. Vậy, cổ phiếu cơ bản gồm những nhóm ngành nào là điều mà NĐT lưu tâm.
Khối phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt đánh giá cao ở nhóm tài chính, đặc biệt là nhóm các cổ phiếu ngân hàng (NH). Đáng lưu ý là BID sau hai phiên dư bán sàn thì NĐT quay trở lại săn lùng mua cổ phiếu. Lạc quan với nhóm cổ phiếu NH do có tin tốt về tiến độ mua nợ xấu của VAMC.
Tính từ đầu năm đến 15/9/2015, VAMC đã mua 82.208 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng với giá mua là 73.367 tỷ đồng. So với khoảng hơn 13,7 ngàn tỷ đồng nợ xấu mua được trong 6 tháng đầu năm, tốc độ mua nợ xấu đang được VAMC đẩy nhanh trong quý III.
Chưa hết, tại buổi tiếp ông Eric Sidgwick - Tân Giám đốc Quốc giaNgân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam đã thành công trong việc giảm nợ xấu từ mức 17% xuống còn 3% và cơ bản xử lý xong các NH yếu kém.
Như vậy, sau 3 năm kể từ khi lập đề án xử lý với tỷ lệ thống kê lên tới 17% vào tháng 9/2012, nợ xấu đã chính thức giảm về còn 3%.
Cùng với nhóm ngành NH, nhóm bán lẻ công nghệ cũng được các nhà phân tích hướng đến. Trong đó, mã cổ phiếu được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh là Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG).
Bởi thông tin kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm do MWG công bố cuối tuần qua đã được thị trường đón nhận khá tích cực.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế đến hết tháng 8 đạt 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu mảng Thế giới Di động đạt 12.693 tỷ đồng, tăng trưởng 56% so với cùng kỳ.
Với tiến độ phát triển như hiện nay, MWG sẽ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của năm nay.
Cũng có cái nhìn tích cực về những nhóm ngành cơ bản có vị thế, nhưng giới phân tích đến từ Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) không quên nhắc NĐT rằng giao dịch của thị trường chưa có nhiều khởi sắc.
Và biến động của giá là khá thấp trong khi đó điểm tích cực là thanh khoản lại giữ ở mức tương đối khá. Nhìn về mặt kỹ thuật thì khi VN-Index tiếp cận với đường MA200 cần có thời gian để bứt phá nên xu hướng hiện tại chưa thể hiện điều gì.
Theo nhóm phân tích này, có hai khả năng xảy ra, nếu như thị trường tiếp tục tích lũy và thông tin tích cực xuất hiện sẽ giúp VN-Index tăng mạnh. Ngược lại, khi đã hội tụ đủ điều kiện, thanh khoản như hiện tại mà không thể bứt phá thì khả năng giảm lại được mở ra.
Đáng tiếc là tại thời điểm này chưa thực sự nhìn thấy cơ hội nào để thị trường có thể bứt phá. Do đó chiến lược giao dịch thận trọng vẫn luôn được đề cao và nhà đầu tư nên chờ đợi cơ hội rõ ràng.
Vậy, mọi dự báo đưa ra đều có cơ sở cho NĐT chọn lọc nhóm ngành đầu tư. Tuy nhiên, tất cả những dự báo có lẽ phải được kiểm chứng ít nhất trong 2 - 3 phiên tiếp theo, khi đó, khả năng về một xu hướng tích cực trong dài hạn mới có nhiều cơ sở.
Còn trong ngắn hạn, có lẽ NĐT không nên mua đuổi và việc lựa chọn cổ phiếu nên xét trên yếu tố cơ bản của từng doanh nghiệp...