Việc xác định đúng đỉnh của thị trường để quyết định bán ra tại mức giá tối ưu nhất trong đầu tư chứng khoán rất khó. Dù vậy, kinh nghiệm phân tích cho thấy vẫn có một vài dấu hiệu để xác định điều này.
Lực đẩy của thị trường vốn 2018
- Cập nhật : 21/09/2017
Sang năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ghi nhận 30 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỉ USD.
Sang năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ghi nhận 30 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỉ USD.Nguồn ảnh: thanhnien.vn
Với diễn biến VN-Index đã vượt mốc 800 điểm, dòng vốn ngoại liên tục mua ròng suốt từ đầu năm đến nay và lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gia tăng về quy mô, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tin rằng, thị trường vốn của Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ có nhiều động lực tăng trưởng cũng như sẽ mở ra các cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Lạc quan chứng khoán
Ngày 8.9.2017, VN-Index chính thức vượt mốc 800 điểm, một ngưỡng mà suốt gần 10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam mới đạt trở lại. Thực tế, thị trường chứng khoán năm 2017 đã và đang khởi sắc ngoài mong đợi. Sự khởi sắc này không chỉ thể hiện qua điểm số và đà tăng VN-Index mà còn qua dòng tiền đổ vào chứng khoán. Nếu như năm 2016, khối lượng giao dịch bình quân chưa tới 3.000 tỉ đồng/phiên thì sang năm 2017, những phiên giao dịch 5.000-5.500 tỉ đồng/phiên lại là chuyện thường thấy. Thậm chí, có những phiên như ngày 16.5, 19.5, giao dịch còn đạt mức 7.000-7.500 tỉ đồng.
Riêng nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng suốt 8 tháng qua, với tổng giá trị mua ròng hơn 1,31 tỉ USD, theo số liệu từ Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia. Trong đó, gần 650 triệu USD là dành mua cổ phiếu. Điều này trái ngược với diễn biến của năm 2016.
Số liệu Bloomberg cũng nhấn mạnh, Việt Nam là một ngoại lệ khi luôn hút ròng dòng vốn ngoại trong suốt 8 tháng đầu năm 2017. Những thị trường như Malaysia, Đài Loan chỉ ghi nhận nước ngoài mua ròng trong 7 tháng, còn ở Philippines, Hàn Quốc là 6 tháng. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị trường chứng khoán Việt Nam đang tăng trưởng tốt nhất trong khu vực, vượt qua cả Thái Lan, Indonesia và Philippines.
Sắp tới, dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô được dự đoán sẽ tiếp tục ổn định, tăng trưởng GDP giữ vững ở mức 6,5%, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao (mục tiêu 22%)..., ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán SHS, đánh giá, dòng tiền vào thị trường chứng khoán sẽ dồi dào và VN-Index có thể chạm 1.000 điểm vào giữa năm 2018.
Theo quan sát của ông Phạm Lưu Hưng thuộc SSI, số lượng cổ phiếu có mức vốn hóa trên 1 tỉ USD đã gia tăng. Nếu 5 năm trước, trên thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có 1 cổ phiếu (VNM của Vinamilk) đạt vốn hóa hơn 1 tỉ USD thì đến nay, con số này là trên 20. Chính sự hiện diện của Sabeco, Habeco, Novaland, VietJet, Petrolimex, VPBank… đã giúp quy mô vốn hóa toàn thị trường tăng mạnh, đạt trên 100 tỉ USD và chiếm 57,4% GDP cả nước, theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Sang năm 2018, theo ước tính của SSI, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể ghi nhận 30 doanh nghiệp đạt vốn hóa trên 1 tỉ USD. Điều này sẽ thúc đẩy dòng vốn trong nước lẫn dòng vốn gián tiếp nước ngoài (FII) đổ vào chứng khoán.
Hiện tại, nhà đầu tư trong nước đang chiếm tỉ trọng khoảng 80% trong các giao dịch. Theo ông Phạm Lưu Hưng, điều này là bình thường và cũng diễn ra ở các thị trường khác. Nhưng quy mô giao dịch của thị trường chứng khoán Việt Nam mới chỉ bằng 1/5-1/10 các nước trong khu vực ASEAN hoặc thậm chí thấp hơn. Số lượng nhà đầu tư trong nước cũng mới chỉ tập trung ở TP.HCM, Hà Nội. Vì thế, theo SSI, cơ hội chứng khoán thu hút dòng vốn nội địa sẽ còn rộng mở, nhất là khi chứng khoán ngày càng có nhiều sản phẩm mới, tạo thêm lựa chọn và hình thức đầu tư như chứng khoán phái sinh.
Sức hút hàng hóa
Riêng nhà đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ gia tăng sự hiện diện ở Việt Nam bởi Nhà nước có kế hoạch thoái vốn khỏi 406 doanh nghiệp cho giai đoạn 2017-2020. Lịch sử cho thấy, việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco, Habeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, hay Tổng Công ty Tái bảo hiểm Việt Nam đã đem đến nhiều cơ hội cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Sắp tới, với chủ trương Nhà nước sẽ thoái vốn toàn bộ khỏi những đơn vị không thuộc lĩnh vực thiết yếu, quan trọng, cánh cửa cho các tổ chức ngoại tham gia đầu tư sẽ càng rộng mở.
Nhà đầu tư ngoại cũng có thể tìm kiếm cơ hội từ các đợt cổ phần hóa, chào bán cổ phần lần đầu (IPO) doanh nghiệp nhà nước. Dự kiến trong 4 năm tới, sẽ có khoảng 130 doanh nghiệp nhà nước được IPO. Trong đó, SSI quan sát thấy, nhiều doanh nghiệp đạt quy mô lớn, kinh doanh hiệu quả, phạm vi hoạt động rộng, đa ngành nghề, một số doanh nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực hấp dẫn như nước sạch, bảo vệ môi trường... Theo đánh giá của SSI, đây sẽ là cơ hội tốt để đầu tư. Trong diễn đàn Gateway to Vietnam sắp tới (25-27.10.2017), SSI sẽ đặt trọng tâm vào việc giới thiệu, bắc cầu để các quỹ đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội từ thị trường Việt Nam.
Xa hơn đến năm 2020, với quyết tâm thúc đẩy thị trường vốn từ phía nhà quản lý, với triển vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng thành thị trường mới nổi theo MSCI, cùng chủ trương Nhà nước sẽ tiếp tục nới tỉ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết… SSI và các công ty chứng khoán đều chung nhận định, dòng vốn đổ vào chứng khoán Việt Nam sẽ còn tăng. Ở khía cạnh khác, sức hấp dẫn của một thị trường đông dân và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu nội địa sẽ càng thôi thúc doanh nghiệp nước ngoài gia tăng các thương vụ M&A, nhằm tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc hơn tại Việt Nam.
Viết Nguyên
Theo Nhipcaudautu.vn